Tâm Sự Loài Hoa Trên Tường Đá

Có nhng li tâm svô tình đâu đó bng làm tôi git mình. Là li tâm s ca cánh hoa đi vô tri vô giác, hay là li t s ca hn tôi? Lng nghe tiếng nói ca vn vt chung quanh, tôi gp được tiếng nói t thm sâu hn mình. Chiêm ngm bao điu đơn sơ mà kỳ diu trong thế gii sng, tôi đc ra du n kỳ diu ca Ngài.

Tôi không biết tại sao mình có mặt trong cuộc đời này. Tôi càng không hiểu tại sao mình lại có mặt ở đời trong hoàn cảnh éo le như thế. Là số phận an bài ư? Hay chỉ đơn giản là một ngẫu nhiên vô tình nào đó?

Nếu có một bàn tay định mệnh đã sắp xếp để tôi có mặt trên đời, chẳng phải bàn tay ấy đã quá thiên vị sao? Bàn tay ấy nghiêng hết tất cả những gì tốt đẹp về phía kẻ khác. Còn tôi, thế giới dành cho tôi thô ráp và khô cứng, chai đá và khắc nghiệt, nghèo nàn và kỳ dị…

Nếu là ngẫu nhiên, tôi không hiểu tại sao cái ngẫu nhiên ấy lại khắc nghiệt với tôi đến vậy. Từ thuở còn là một hạt mầm, có lẽ một cơn gió xa lạ nào đó đã vô tình mang tôi đi. Nếu cơn gió ấy phởn chí mà thổi mạnh hơn một tí, tôi đã được lọt vào khu vườn hoa lệ phía trên đầu mình. Nếu cơn gió ấy hom hem ốm yếu hơn một tí, tôi đã được rơi vào rẻo đất con con dưới chân mình. Đàng này cơn gió dở hơi quẳng tôi chơi vơi trên tường đá. Tôi vào đời trong cái lưng chừng lơ lửng, dở dở dang dang như vậy…

Nếu chỉ một chút thoang thoảng của gió trời cũng đã đủ để thay đổi trọn vẹn số phận của tôi, cuộc hiện hữu của tôi giữa đời này có giá trị gì chăng?

Tôi không có tuổi thơ. Tôi không có kỷ niệm. Quá khứ của tôi là một cuộc chiến để sống còn. Tôi không hiểu tại sao mình chiến đấu. Tôi không để ý tại sao mình phải sống còn. Tôi được quẳng vào đời với một chút bản năng sinh tồn. Cái bản năng ấy giữ cho tôi còn sống sót. Tôi vật vã để sống. Tôi run rẩy mà lớn lên.

Tôi lớn lên trong phập phồng sợ hãi. Một chút liu riu của gió trời cũng đã là mối đe dọa có thể bứng tôi ra khỏi thế giới của mình. Một dòng nước con con chảy xuôi trên tường đá cũng có thể cuốn tôi trôi tuột đi. Dù có cằn khô nghiệt ngã đến mức nào, đó vẫn là thế giới sống duy nhất của tôi. Buông tay ra, tôi biết đi về đâu?… Thế nên  bằng tất cả sức lực non nớt của mình, tôi cố bám víu vào tường đá. Mà tường đá thì vô tâm vô tình lắm. Nó chẳng đoái hoài gì đến sự hiện hữu của tôi. Nó chẳng bận lòng đến sự đeo bám của kẻ mang thân tầm gửi như tôi. Chỉ có tôi là phải bám víu vào nó để mà sống. Lớn lên trong sự thờơ ghẻ lạnh như thế, tôi phải học cách để gạt đi khỏi mình tất cả những điều mà người ta gọi là cái cảm thức tự trọng hay cái cảm giác nhục nhã. Bởi tôi sợ…

Tôi cũng không biết tương lai mình ra sao. Nhìn những bụi cây rừng rực nhựa sống trong khu vườn trên đầu mình, tôi không cần phải suy đoán cũng có thể thấy được một tương lai rực rỡ với muôn loài hoa cỏ thiên hình vạn sắc. Nhìn những bụi cây con con dưới chân tôi đang rướn mình lên để đón nắng trời, tôi mường tượng được một tương lai kiêu kỳ của bao loài hoa lạ. Còn tôi, tôi sẽ ra sao với tất cả những thiệt thòi trong thế giới nghèo nàn của mình? Tôi không biết. Tôi thật sự không dám biết. Đúng hơn, tôi không dám nghĩ tới…

Trong khi những kẻ trang lứa với tôi phè phỡn trên vùng đất sống phì nhiêu màu mỡ, tôi cắm cúi đi tìm của ăn để sống. Trong khi nhiều người ra sức đầu tư cho tương lai, tôi chỉ có thể biết đến hiện tại của mình. Tôi chộp giữ nâng niu từng giọt sương. Tôi quơ quào tích góp từng hạt bụi. Bộ rễ của tôi là những ngón tay xương xẩu, những bàn tay thô ráp, những bàn chân chai sần. Tôi lần dò đi tìm sự sống trên bờ tường sỏi đá vô tri vô giác.

Những mùa nắng hạ, tôi quằn quại trong cái nóng như nung như đốt của cơn giận dữ hầm hập trên tường đá. Tôi thèm khát một cơn mưa đời tưới gội. Mưa về. Con nước xối xả dội vào đầu vào cổ tôi. Tôi cố hứng giữ bằng những chiếc lá mỏng tanh nhỏ xíu. Tôi ngỡ ngàng nhận ra rằng cái dào dạt phong nhiêu của cơn mưa trời đâu có dành cho tôi. Tôi nhìn con nước đã bao mùa lòng tôi khao khát chảy tuột qua tầm tay của mình. Tôi nhận ra mình nghèo đến độ không có khả năng để nắm giữ. Tôi thấy mình tội nghiệp trong nỗi bất hạnh của kẻ đành lòng nhìn ước mơ trôi tuột qua trước mắt mình. Tường đá phẳng lì cứng ngắc có thèm giữ lại chút gì của trời cao!

Trong những ngày đông giá, tôi co ro rét mướt trong cái lạnh như cắt như cào của vách đá vô tâm vô hồn. Đá lạnh căm căm. Đá im thin thít. Thanh âm thường xuyên nhất mà tôi phải nghe thấy là tiếng rin rít của gió trời mài vào vách đá. Tiếng rin rít như vọng lên từ cùng cõi âm u ma mị.

Đã bao phen lòng tôi trào dâng nhiều nỗi niềm uất ức với cuộc đời. Tại sao lại là tôi? Tại sao tôi khốn khổ? Tại sao tôi phải chịu thiệt thòi? Tại sao tạo hóa bất công đến độ những thừa mứa của kẻ khác cũng là điều không thể với tới đối với tôi?

Bằng những cánh tay bấu chặt vào bờ tường, bằng những chiếc rễ len lỏi tìm chút đất cỏn con giữa các khe đá, bằng những chiếc lá nâng niu từng giọt sương trời, tôi lớn lên.

Rồi một ngày tôi ngỡ ngàng nhận ra rằng thân xác mình chỉ là một loại dây leo èo uột. Biết làm sao được. Đó đã là kỳ công được kết tinh từ những những giọt sương trời và những hạt bụi giữa chừng không. Tôi không bao giờ có thể vươn mình lên. Tôi chẳng bao giờ có thể đứng trên đôi chân của mình. Hay đúng hơn, tôi chẳng bao giờ có chân để mà đứng. Trong khi những cây tùng cây bách hiên ngang ngạo ngễ, thân thể èo uột của tôi thì đung đưa lay lắt trước những cơn gió đời. Gió thổi chiều nào tôi phải theo chiều đó. Gió có thể ép tôi sát rạt vào vách đá. Gió cũng có thể tung xoáy tôi tả tơi giữa trời. Cho đến lúc này, đời tôi vẫn là một chuỗi những tiếng thở dài ngao ngán.

Tôi muốn hướng lòng lên trời cao, nhưng sức hút của đất thấp cứ kéo tôi xuống. Càng sống, những chiếc lá cuộc đời tôi càng vươn dài ra, xổ thòng lòng xuống đất. Càng bước đi, tôi thấy mình càng xa với trời cao… Thất vọng, tôi buông thõng đời mình. Những chiếc lá cuộc đời xum xuê rườm rà không đủ để làm nguôi dịu lòng tôi. Những chiếc hoa lún phún bé tẹo teo không đủ làm tôi thỏa mãn…

Giữa lòng tôi, luôn có một khoảng thênh thang cho những giấc mơ về một cuộc đời nào đó khác với cuộc đời tôi đang sống, một hoàn cảnh nào đó khác với hoàn cảnh tôi đang có.

***

Một chiều dịu nắng, có người lữ khách dừng chân trong khu vườn nhỏ của tôi. Nắng chiều sắp tắt, nhưng những tia lấp lánh trong ánh mắt người lữ khách bắt đầu phát sáng khi ông nhìn thấy tôi.

Không, không phải, có lẽ không phải là tôi! Có lẽ người lữ khách đang ngắm khu vườn trên đầu tôi. Cũng có thể người lữ khách bị hút hồn bởi những khóm hoa rực rỡ dọc lối đi dưới chân tôi… Nhưng, không. Là tôi. Ánh mắt người lữ khách dán chặt vào tôi, ánh mắt của người ngơ ngẩn trước cái đẹp. Đp quá!… chàng lữ khách thầm thốt lên khi đưa bàn tay nhè nhẹ chạm vào những chiếc lá bé xíu của tôi. Cái gì thế này? Là tôi đẹp ư? Đp quá – người lữ khách lại lẩm bẩm – phi tn bao công trình đ có được mt chòm lá thế này? Phi tn bao m hôi nước mt đ có được mt cánh hoa thế này? Qu là mt kỳ công ca Thượng Đế!

Chỉ bấy nhiêu đó thôi, rồi người lữ khách ra đi. Bóng đêm buông xuống. Tôi co mình trong cái lạnh, nhưng lại nghe giữa lòng mình đang tưng bừng bao xúc cảm thật mới mẻ ấm áp. Vẻ trầm ngâm chiêm niệm của người lữ khách trước tôi khiến tôi phải trầm ngâm chiêm nghiệm lại đời mình. Người lữ khách vô tình đi ngang kéo đời tôi ra khỏ một giấc ngủ dài. Ánh mắt chiêm ngưỡng ngỡ ngàng của ông thay đổi trọn vẹn cuộc đời tôi.

Đẹp ư? Vâng, mỗi cái đẹp đều có một lịch sử. Đôi khi chính lịch sử làm nên cái đẹp. Tôi đẹp, vì tôi dám vươn lên từ trong chính những khó khăn của mình để cho đời chút lá xanh tươi, chút hoa trinh trắng. Tôi không là gì giữa ngàn hoa thơm cỏ lạ. Tôi không là gì giữa thế giới đa màu đa sắc. Tôi là tôi với một lịch sử nhiều thăng trầm. Tôi đẹp vì tôi vượt ra được lịch sử ấy để góp phần hòa mình vào với những hiện hữu giữa đời.

Bám rễ từ trên cao, tôi thòng mình xuống dưới thấp. Vô tình tôi trở thành người nối kết giữa khu vườn trên cao vào rẻo đất dưới thấp. Tôi mang đến một sự liên tục nào đó cho thế giới sống của mình. Nếu không có tôi, mảnh vườn chỉ là những rẻo đẹp đẽ mà rời rạc. Tôi dự phần vào cái đẹp đẽ liên tục ấy.

Là một kỳ công ư? Vâng, mỗi kỳ công đều cần có một người tạo tác. Vào đời, tôi được cho một khởi đầu tối thiểu. Tôi cũng đã chẳng cộng tác gì nhiều cho lắm trong công trình đời mình. Thậm chí, tôi chống cưỡng, tôi than van, tôi buông xuôi. Ấy thế mà tôi vẫn lớn lên, tôi vẫn tươi tốt, tôi vẫn trổ hoa… Ngay trong cái khởi đầu tối thiểu của đời tôi, đã có điều gì đó đủ cho tôi rồi.

Tôi bỗng nhận ra rằng chẳng ai có quyền hỏi tại sao mình lại có mặt trên cõi đời này. Chẳng ai có quyền hỏi tại sao mình được sinh ra thế này mà không phải là thế kia, nơi này chứ không phải là nơi nọ, lúc này chứ không phải là lúc khác.

Chính những đấu tranh vật vã với môi trường sống đã làm nên cuộc hiện hữu của tôi. Chính môi trường hình thành nên nơi tôi một loại thể cách mà không một loài sinh vật nào có được. Chính những khó khăn vất vả dạy tôi biết trân trọng từng thành quả nhỏ nhất của cuộc đời mình.

Tôi như vừa đi qua một cơn mê. Cơn mê muội được tạo nên bởi chính sự so sánh của tôi. Tôi tự dẫn mình đi trong cái cõi lòng vòng của nghi ngờ, buồn sầu, bi quan… Tôi tưởng mình là nạn nhân, trong khi chính tôi là thủ phạm. Tôi tưởng định mệnh áp đặt trên tôi mà quên mất rằng mình cũng có đôi tay để tạo nên định mệnh. Tôi nguyền rủa khởi đầu cuộc hiện hữu của tôi, mà quên mất rằng nếu không có khởi đầu ấy thì thậm chí tôi đã chẳng có cơ hội để mà nguyền rủa.

Trong cơn tuyệt vọng và bi quan về mình, nếu có ai đó nói với tôi rằng hãy cố mà sống, hãy chấp nhận hoàn cảnh của mình, hãy phó thác mọi sự cho bàn tay định mệnh… tôi sẽ không ngại ngần mà cười vào mặt kẻ ấy. Cho đến khi tôi đi trọn hành trình mà định mệnh dành cho tôi. Cho đến khi tôi sắp hoàn tất sứ vụ đời mình. Cho đến khi tôi nhận ra mình thuộc về một trọn vẹn nào đó mà tôi là một mắt xích kỳ diệu.

Ôi Thượng Đế, Đấng tác tạo bao kỳ công. Thế mà con đã dìm quãng đời mình trong ngợp chìm sầu muộn.

Không phải con sống trong thiếu thốn
nhưng nhìn vào sự thừa mứa của người khác
con có cảm giác mình thiệt thòi thiếu thốn.

Không phải con sống trong nghèo nàn
nhưng chính việc không tích giữ lại được
theo những đòi hỏi của lòng tham
khiến con tưởng mình nghèo.

Không phải con bị ruồng rẫy
nhưng chính vì không được người khác đón nhận
theo như cách con muốn họ đón nhận
con ngỡ rằng mình bị ruồng rẫy

Trong đêm, tôi dâng lời kinh đầu tiên để tạ tội và đội ơn Trời Cao. Tôi nghe đâu đó trong gió tiếng vọng thì thào: “Ơn Ta đ cho con!” Vâng, ơn Ngài đủ cho con. Phải qua bao thăng trầm sóng gió, phải lớn lên từng ngày thì con mới cảm nghiệm được điều đó. Trời cao công bằng theo lý lẽ của trời cao. Giàu nghèo, sang hèn, đẹp xấu, to nhỏ… tất cả đều là những nẻo đường khác nhau để sống cuộc đời của riêng mình. Mọi nẻo đường đều có giá trị của riêng nó.

Trong tất cả những thăng trầm nghiêng ngả, ơn Ngài luôn đủ cho con. Lạy Thượng Đế của lòng con!

Vầng dương sẽ lên, ngày mai sẽ là một ngày mới. Ngày mai sẽ là một khởi đầu mới. Khởi đầu nào cũng khởi đi từ việc nhận ra giá trị thực của chính mình. Ngày mai sẽ là một cuộc sống mới. Cuộc sống mới nào cũng khởi đầu từ việc nhận ra mình có một vị trí đặt biệt trong bàn tay của Đấng Tạo Hóa.

***

Trong đêm, tiếng kinh cầu của cây tầm gửi vọng âm trầm trên tường đá. Đêm thơm lừng một mùi hương hoa lạ.

Cao Gia An, S.J.

Roma – Lễ Chúa Ba Ngôi 2009

Advertisement

Góc Chợ Bình Yên

Cuộc đời này bất công lắm! Vậy mà không có sách vở nào trong nhà trường dạy nó chân lý đó cả. Nó đã quan sát và tự rút ra kết luận cho mình sau thời gian trở thành một thằng bán vé số.

Trong nhà, nó vốn là thằng anh cả hiền từ được mọi người thương mến. Sự thương mến đó hình như không có ở ngoài đời. Cầm xấp vé số trên tay, nó thường xuyên nhận được những cái lắc đầu dửng dưng, những cái phẩy tay từ khước. Ở trường, nó vốn là đứa học sinh năng nổ và là tâm điểm của những cuộc vui. Ra đời, nó thấy mình nhỏ nhoi và mất hút giữa dòng người tất bật xuôi ngược. Cầm xấp vé số trên tay, nó thấy mình như cũng bị cuốn vào cái bận rộn vội vã của dòng đời. Nó dáo dác tìm người có thể trở thành khách hàng, nó mời mọc, rồi đi, rồi lại dáo dác tìm khách…

Là thằng bán vé số, nó phải đi nhiều. Đi nhiều thì thấy nhiều, nên nó có nhiều cơ hội để suy nghĩ từ những điều tai nghe mắt thấy. Nó thường đi vào mấy quán nhậu, nơi có những ông ‘sần sần’ dễ ngẫu hứng bất tử và trở thành khách sộp. Thực ra thì cái ‘sộp’ của mấy ông khách đó, khi mua vài chục tờ vé số, đâu có thấm thám gì so với số tiền mà mấy ổng bỏ ra cho một cuộc vui. Có lần vô tình đọc được phiếu tính tiền của mấy ổng, nó ngỡ ngàng khi nghĩ rằng với khoản tiền đó, cả nhà nó có thể sống được trong cả tháng. Nó cũng hay vào các bàn bi-da độ. Mấy người ở đó có máu ăn thua, lại hay tin vào vận số, nên cũng hay mua vé số. Người thắng thì mua theo cách của kẻ cả muốn ban ơn, người thua thì mua may rủi để mong gỡ gạc… Những tờ tiền xanh đỏ vung ra chung độ làm nó choáng mắt. Chỉ cần một ‘cơ’ thôi thì mấy ông người lớn này đã có thể kiếm tiền nhiều gấp mấy chục lần số tiền nó kiếm được nhờ việc rảo cẳng suốt ngày, mời mọc hết cả hơi sức… Cuộc đời như thế thì thật là bất công!

Chiều. Sau một ngày rảo cẳng khắp nơi, tụi nhóc trong nhóm bán vé số thường họp nhau ở góc chợ để tính toán lời lỗ. Mấy đứa kèm thêm việc ghi số đề cho các đại lý bao giờ cũng lời bộn hơn mấy đứa bán vé số trơn, nhờ những khoản huê hồng từ các đại lý, đôi khi còn nhờ những khoản tiền thưởng của mấy người trúng đề. Nhóm mấy đứa bán vé số trơn có nó, bé Na và thằng Bảo bống. Tụi nó cũng thích thu nhập thêm, nhưng không thích ghi số đề. Nó thấy việc đó phải lén lén lút lút sao ấy, cả mấy cô chú làm ở đại lý cũng vậy, bao giờ cũng như phải giáo dác đề phòng.

Bé Na và thằng Bảo hay biểu nó kể chuyện đi học, chuyện trường, chuyện lớp. Bé Na nhỏ tuổi, nhưng có thâm niên trong nghề lâu năm nhất. Nó không biết bố mẹ là ai, từ nhỏ đã sống với người mà nó gọi là bà ngoại. Bà già, đau yếu quanh năm, nên bé Na chưa bao giờ có cơ hội cắp sách đến trường. Thằng Bảo bống thì còn cả cha lẫn mẹ, nhưng mà nó hay nói ‘thà không có còn hơn’. Có những ngày mưa gió, bán ế, nó và bé Na phải trích ra trong số tiền lời ít ỏi của mình vài ngàn cho thằng Bảo, để nó đủ ‘chỉ tiêu’ đem về nộp cho ông bố nát rượu. Những lúc đó nó mới thấy mình là người hạnh phúc. Nó còn cả cha lẫn mẹ, lại được học hành. Sau một ngày vất vả với cuộc mưu sinh, gia đình bao giờ cũng là tổ ấm đầy ắp tiếng cười của mấy anh em nó.

***

Một lần nó vào bán vé số trong một quán cà phê

– Chú mua dùm con tờ vé số đi chú!

….

– Chú…

– Dẹp mày! hổng thấy tao đang chơi điện tử hả

Cái ‘chú’ ngồi bệ vệ trên ghế quay lại trong khuôn mặt non choẹt của một thằng nhóc trạc tuổi nó.

– Hì..hì… thì em chờ anh chơi xong rồi mua dùm em vài tấm nghen. Sắp tới mùa đi học rồi, mua dùm đi, ủng hộ em có tiền mua sách vở hén…

Nó và thằng Dũng đã quen nhau như thế. Không ai ngờ là cuối cùng hai đứa nó lại học chung một lớp khi bước vào năm đầu cấp II. Hôm đó nó đạp xe ra trường mới để nhận lớp. Đang lò dò tìm tên mình trong danh sách lớp thì nó nghe có tiếng gọi đằng sau:

– Ê !

Nó giật mình, ngoái cổ lại để thấy một gương mặt đang ngạc nhiên:

– Thằng bán vé số, mày cũng đi học hả?

– Dạ, em tên là Gia… Anh cũng học ở đây hả?

– Tao học lớp này.

Nó cười bẽn lẽn:

– Vậy là em học cùng lớp với anh…

Dũng là con nhà giàu mà học hành thì lẹt đẹt. Hình như nó chẳng có động lực gì để học hành đàng hoàng hết. Mỗi chiều, trong khi nó tranh thủ cầm xấp vé số để kiếm thêm tiền phụ bố mẹ thì thằng Dũng vẫn ung dung chơi điện tử trong quán cà phê. Từ ngày gặp mặt Dũng trên trường, nó cố tình tránh cái quán mà Dũng hay ngồi. Dường như trong lòng nó vẫn có một mối mặc cảm thầm lặng với thằng bạn học. Nó chỉ muốn trở về với thế giới nhỏ bé của ba đứa nhóc bán vé số bên góc chợ, ở đó nó sẽ kể cho bé Na và thằng Bảo bống nghe những chuyện tốt đẹp về thế giới bình đẳng của những người được đi học, của trường lớp, thầy cô, bạn bè… bằng cả những điều có thực và những điều tốt đẹp mà nó tưởng tượng ra. Thỉnh thoảng tụi nó cũng kể cho nhau nghe về ước mơ của mình. Thằng Bảo mong có ngày lớn lên làm phi công để được tự do bay khắp bầu trời. Bé Na ước mong lớn lên làm cô giáo để dạy học cho những đứa bán vé số không biết chữ. Còn nó, nó mong trở thành nhà văn để ghi lại những câu chuyện về những mảnh đời mà nó gặp mỗi ngày. Trong ba đứa, hình như chỉ có nó là người có cơ hội để thực hiện ước mơ.

***

Mùa thi đến. Nó được phân công cùng học nhóm để kèm cặp cho thằng Dũng. Nó chỉ chờ Dũng từ chối để có cơ hội thoái thác, không ngờ thằng Dũng lại cười toe:

– Vậy thì được quá, tụi mình học tại nhà tao vào buổi chiều nghen.

Nó ngần ngừ:

– Hổng được đâu chiều nào em cũng phải đi bán vé số mà

– Thì mày cũng phải nghĩ để ôn bài thi chứ.

– Thì em ôn bài vào buổi tối.

– Thôi, chiều mày đến học chung với tao đi. Mày học giỏi, có gì tao hổng hiểu thì có thể hỏi mày. Mày giúp tao đi, tao mà thi điểm thấp chắc bố tao ổng đập tao chết quá…

Bố thằng Dũng là một người đàn ông có dáng đi bệ vệ và khuôn mặt khó đăm đăm. Hình như nó đã gặp ông ở đâu đó, trong quán bia thì phải. Ngày đầu tiên đến nhà thằng Dũng, nó chỉ dám lí nhí ‘chào bác’ rồi hai đứa nó vọt thẳng ra đằng sau. Dũng không thích học, chỉ học vì sợ bố mà thôi. “Mày phải học để biết tính toán với đời!”. Bố thằng Dũng nuôi con theo chế độ lương tháng, tùy theo điểm học lực trong tháng mà ổng phát tiền. Điểm càng cao thì tiền càng nhiều. Thằng Dũng hay nói với nó: “Tao mà học được như mày thì tha hồ có tiền để xài!”. Nó thấy cũng kỳ. Thời gian đi bán vé số nó nghe nhiều người nói khác: nếu chỉ để kiếm nhiều tiền thì có nhiều cách, cần quái gì phải học giỏi.

Học chung với thằng Dũng, nó mới phát hiện thằng này cũng có nhiều nét dễ thương và tội nghiệp. Bữa đầu tiên, Dũng hỏi nó về chuyện bán vé số. Như đã chuẩn bị sẵn, nó tuôn liền một hơi:

– Bán vé số thì có gì xấu đâu, nhà em nghèo thì em đi bán vé số để kiếm tiền phụ bố mẹ, em có ăn cắp ăn trộm gì đâu mà…

– Thì tao có nói là xấu đâu. Tao thấy mày giỏi quá, vừa lo được cho mình vừa lo được cho gia đình, chả bì với tao…

Hình như đó là lần đầu tiên nó thấy thằng Dũng chịu suy nghĩ nghiêm túc. Nó kể cho Dũng nghe chuyện nhà nó, về cả những niềm vui lẫn những nỗi lo toan vất vả, về cảm giác mắc cỡ khi ngày đầu tiên làm thằng bán vé số, về cảm giác hạnh phúc trước ánh mắt sáng ngời của mấy đứa em khi nó ôm về một chồng vở mới tinh mua bằng những khoản tiền đầu tiên mà nó kiếm được. Có nhiều tiền, nó nghĩ là thằng Dũng vui lắm, giống như niềm vui của nó khi thỉnh thoảng trúng mánh bán thêm được nhiều vé số và có thêm một khoản tiền lời. Thế mà có lần trong lúc học, thằng Dũng chép miệng nói với nó: ‘ước gì nhà tao được như nhà mày’. Lẽ ra đó phải là câu nó nói với thằng Dũng chứ! Đã bao nhiêu lần nó âm thầm so sánh hoàn cảnh nhà nó và nhà thằng Dũng. Nó nói:

– Nhà anh giàu, còn nhà em nghèo thí mồ..

– Nhà mày nghèo nhưng mà hạnh phúc. Còn nhà tao… chán lắm!

***

Bố mẹ thằng Dũng ly dị. Nghe nói mẹ nó sắp được đi Mỹ với một ông việt kiều nào đó. Nó thấy ái ngại cho Dũng, nhưng thằng này tỉnh bơ. “Vậy cũng tốt, tao sẽ không còn phải nghe tiếng cãi cọ om sòm của ổng bả nữa!” Bỗng nhiên nó nghĩ tới bé Na. Có lần bé Na nói với nó là thèm có mẹ, thèm được mẹ cầm roi đánh vào đít, để rồi sau đó thế nào cũng có lúc lại ôm nó vào lòng. Mấy tuần rồi nó không gặp mấy đứa nhóc trong nhóm bán vé số, nó thấy nhớ tụi bạn nhỏ, nhớ cái góc chợ bình yên lạ lùng…

Những ngày học với thằng Dũng, những lúc ra sức giảng giải cho thằng này kiến thức đã học trên lớp, nó thường nghĩ đến bé Na và thằng Bảo. Hai đứa này bằng tuổi tụi em nó, nhưng phải lam lũ và thiếu thốn nhiều thứ. Tại sao nó không thể vừa là một người anh vừa là một người thầy chứ. Nó cũng thích làm thầy mà. Nó dự tính góc chợ bình yên sẽ là nơi nó bắt đầu chắp cánh cho những ước mơ của hai người bạn nhỏ bằng những bài học vỡ lòng. Không cần biết người lớn đã nghĩ gì khi vô tình quẳng mấy đứa nhóc như tụi nó vào đời. Nó biết rằng mình vẫn có thể chia sẻ với bọn nhóc một phần tình thương và may mắn mà nó đã nhận được… Chắc thằng Dũng thế nào cũng ủng hộ và tham gia kế hoạch của nó!

Thủ Đức 12.2007

(Cao Gia An, S.J., Tập Truyện Ngắn Hoa Phượng Về Trời, Nxb Tổng Hợp TpHCM 2014, tr. 35-44)

Cây Xương Rồng Có Gai

Bạn tặng mình cây xương rồng, kèm theo lời nhắn nhủ ngắn gọn: cẩn thận, xương rồng có gai! Xương rồng nào mà chẳng có gai! Mình mê mẩn nâng niu cây xương rồng bé con trong cái chậu kiểng bé con. Lời nhắn nhủ của bạn chảy tuột qua cái đầu lễnh lãng.

Mình đặt cây xương rồng bé xíu trên bàn làm việc. Mở toang cửa sổ. Mình chưa kịp ngồi yên để ngắm nghía cây xương rồng thì một cơn gió mạnh ùa vào phòng. Chiếc chậu con con nghiêng nghiêng. Cây xương rồng rơi khỏi bàn làm việc. Mình vội vàng đưa tay hứng lấy. Cây xương rồng bé xíu nằm gọn trong lòng bàn tay mình. Những chiếc gai xương rồng vút nhọn làm bàn tay mình nhức buốt. Cũng tại mình quên lời bạn: Cây xương rồng có gai!

2.

Từ trước đến giờ mình chỉ quen với việc ngắm cây xương rồng trên nền cát đá. Ngắm xương rồng từ xa xa, mình âm thầm ngưỡng mộ sức sống kỳ lạ của loài sinh vật biết vươn lên từ trong cái nghèo nàn khắc nghiệt. Giờ mình có cơ hội để ngắm xương rồng gần hơn. Mình đặt cây xương rồng nằm ngay trên bàn làm việc. Gần thật gần…

Cây xương rồng bé xíu xiu đang trong giai đoạn căng tràn nhựa sống. Những chiếc gai bé xíu mỏng mảnh không thể che được cái màu xanh mướt rượt của những mắc xương rồng căng tròn. Trên chóp cây xương rồng nở bung ra một bông hoa hồng thắm. Bông hoa xương rồng được dệt nên bởi hàng trăm những cánh hoa nho nhỏ. Cánh hoa xương rồng không mềm mại mọng nước. Cánh hoa cũng không yểu điệu e ấp. Những cánh hoa cứng cáp nở bung về mọi hướng.

Bám rễ trong chiếc chậu con con, cây xương rồng nở hoa. Chiếc chậu con con chỉ toàn cát và đá. Cát đá cằn khô nghèo nàn lại biến thành bông hoa tươi thắm nhờ những hoạt động sống âm thầm kham nhẫn của cây xương rồng. Ngưỡng mộ biết bao!

3.

Những ngày mùa hạ, cái nắng ngoài trời như nung như đốt. Cây xương rồng được bảo bọc trong căn phòng máy lạnh mát rười rượi của mình. Mỗi ngày vài lần, mình nhỏ vào chậu xương rồng vài giọt nước. Bạn dặn mình đừng có cho xương rồng nhiều nước, sẽ lãng phí không cần thiết. Loài xương rồng vốn quen tích góp và không bao giờ phung phí một giọt nước trời. Nhưng xương rồng lại không quen với cái ào ạt dư giả.

Mỗi ngày một lần, mình mở cửa sổ cho nắng sớm vào phòng. Đó là lúc mình thấy cây xương rồng tươi nhất. Cây xương rồng hớp lấy từng giọt nắng trời. Những chiếc gai nhọn như những ngón tay be bé vẫy vẫy. Cây xương rồng như ngợp tràn nhựa sống.

Giờ làm việc, mình đặt cây xương rồng vào một góc bàn. Mỗi lần nghỉ giải lao, mình ngắm nghía cây xương rồng mà lòng rộn vui những niềm vui thật lạ. Thế giới của xương rồng bé nhỏ và giản đơn biết bao. Thế giới ấy cũng lặng lẽ và âm trầm biết bao. Bỗng dưng mình hiểu rằng không phải ồn ào thì mới là thực sống, không phải kiêu sa đậm đà hương sắc thì mới là đẹp.

 

4.

Mình lại mở cửa sổ cho nắng sớm vào phòng. Lại lãng đãng mơ màng ngắm nghía cây xương rồng. Lại một cơn gió đột ngột ùa vào phòng. Cây xương rồng nghiêng nghiêng. Chậu xương rồng rơi khỏi bàn làm việc. Mình đưa tay hứng vội. Cây xương rồng lại nằm gọn lỏn trong lòng bàn tay mình. Như một phản ứng tự nhiên, mình toan buông tay vì sợ những chiếc gai vút nhọn. Nhưng không, những chiếc gai xương rồng nằm gọn trong lòng bàn tay mình. Mềm mại…

Nhớ sau lần mình bị gai đâm vào tay, bạn đưa cho mình chiếc kéo nhỏ. Bạn bảo mình nếu sợ đau thì cắt trụi hết gai của cây xương rồng đi. Mình cười cười… Không còn gai, xương rồng có còn là xương rồng không nhỉ?

Trong vòng tay bảo bọc của mình, gai xương rồng đã trở nên mịn màng như những chiếc lông tơ. Nên vui hay nên buồn?

 

5.

Gai xương rồng vốn là những chiếc lá. Trước những khắc nghiệt của hoàn cảnh sống, thay vì trổ lá, cây xương rồng mọc gai. Gai trở nên cung cách sống của loài xương rồng. Những chiếc gai chưa một lần được mang hình thù dịu dàng của lá.

Mình chưa bao giờ tưởng tượng được một cây xương rồng có lá. Ít ra, loài xương rồng mà bạn tặng mình không phải là xương rồng có lá. Không hiểu sao, nhìn bông hoa tươi nở trên thân xương rồng, mình hay mơ về những chiếc lá yểu điệu xanh non. Ắt hẳn những chiếc lá sẽ khoác cho xương rồng cái vẻ bề ngoài thanh thoát mềm mại và làm bớt đi cái xù xì khắc nghiệt. Ắt hẳn những chiếc lá xanh sẽ khiến đóa hoa hồng thắm thêm vẻ e ấp dịu dàng. Có lá, xương rồng sẽ đẹp biết bao!

Nhưng những chiếc lá xanh mơ ấy liệu có gắn được trên thân phận xương rồng chăng?

Xương rồng là loài sống ở vùng nhiệt đới và những nơi khô hạn. Môi trường sống cỗi cằn không cho phép xương rồng phung phí nhựa sống để điểm tô chưng diện cho mình bằng những chiếc lá xum xuê. Chính những khắc nghiệt của môi trường sống đảm bảo cho xương rồng được là mình. Thân xương rồng xanh mướt diệp lục nhờ sống giữa vùng ngợp trành ánh sáng. Gai xương rồng được cứng cáp từng ngày dưới sức nóng của nắng trời. Những chiếc gai được vót nhọn bởi bao cơn gió trời mạnh bạo.

Về với mình, cây xương rồng mỗi ngày một khác. Những chiếc gai dần yếu mềm èo uột. Làn da xanh mượt dần trắng nhợt bủng nước…

Bạn bảo mình đừng có ngớ ngẩn. Being is becoming. Với cuộc sống, vạn vật đổi thay từng ngày. Mình biết. Nhưng mình tiếc lắm. Rõ là có những dạng becoming khiến người ta cứ bớt là mình đi…

Mình tin vào sự xắp xếp của thiên nhiên. Mình tin vào sự hữu lý của tạo thành. Những hình thù khác nhau, những thể thức sống khác nhau… tất cả được đặt cạnh nhau để tạo nên một thế giới đa dạng. Thế giới này chỉ đẹp phong phú khi mỗi người đủ can đảm sống là mình. Chính những nét độc đáo riêng tư của mỗi người mới góp phần tạo nên thế giới. Đánh mất chính mình, người ta đâu còn gì để tham gia vào thế giới này, đâu còn gì để góp phần cho cuộc hiện hữu.

 

6.

Bạn có tin rằng cuộc sống có những ràng buộc kỳ lạ không cho phép người ta được sống thật là mình? Éo le là lắm khi những ràng buộc ấy lại xuất phát từ những tình cảm rất thật của con tim! Nhưng bạn ạ, quý mến một điều đâu nhất thiết phải là gói gọn điều ấy trong vòng bảo bọc của mình. Những tình cảm quý mến đáng trân trọng biết bao, sao có thể dùng để dệt nên những chiếc lồng giam hãm. Hình như thương một người không phải là giữ người ấy ở lại bên mình, nhưng là để cho người ấy đi con đường mà họ phải đi…

Mình không thể chỉ giữ cây xương rồng cho riêng mình bạn ạ. Xương rồng có một thế giới sống khác. Xương rồng cần một môi trường sống khác. Có lẽ mình sẽ phải đập vỡ cái chậu con con. Mình sẽ đưa xương rồng về với chính thế giới của xương rồng. Ngày mai, giữa khu vườn trên đồi sau nhà mình sẽ có thêm một cây xương rồng con con. Cây xương rồng sẽ bước vào một chặng hành trình mới, hành trình thực sống của cây xương rồng có gai.

Cây xương rồng lại trở về trên nền cát đá. Nơi ấy, xương rồng mới thực là xương rồng. Mình lại trở về việc ngắm xương rồng từ xa. Mình có quyền mơ về những chiếc lá xanh non. Mình có quyền lãng đãng với thế giới xương rồng dịu dàng e ấp. Nhưng nếu lại có lần mình lễnh lãng vô tình, xương rồng lại có thể làm bàn tay mình tóe máu và nhức buốt.

Vì xương rồng vốn là loài có gai.

Roma 04.07.2009 – Cao Gia An, S.J.

Như Cánh Chim Tìm Về Tổ Ấm

 

Đi Sài Gòn về, ba tôi dắt theo một ông anh mặt mũi lạ hoắc. Trước sự tò mò của mấy anh em tôi, ông tuyên bố: ‘nhà mình sẽ có thêm một thành viên mới’. Thành viên mới có dáng người ốm nhom ốm nhách, nước da trắng nhợt và cặp mắt ướt mèm như con gái. Cặp mắt ướt ấy hướng về phía má tôi, lúng túng với cái giọng rặc xứ Bắc: ‘Con chào mạ!’. Má tôi còn chưa biết phản ứng thế nào thì ba đã bật cười trước vẻ lúng túng của hai người. Ông nói lớn: ‘Thôi, má nó dắt thằng Dưỡng ra nhà sau cho con nó tắm rửa thay đồ. Tối nay tôi sẽ nói chuyện với cả nhà’…

Ba tôi gặp anh Dưỡng ở bến xe Sài Gòn. Trong chuyến hành trình trở về, ông quyết định nhận anh làm con nuôi. Đó là tất cả những gì anh em chúng tôi được biết. Sau đó là chuyện của ba người lớn: ba má tôi và anh Dưỡng. Không biết ba đã nói gì với má, ngày hôm sau tôi thấy má chăm sóc cho anh Dưỡng tận tình và dịu dàng như thể anh đã là một thành viên chính thức của gia đình tôi…

Tôi không thích cặp mắt ướt của anh Dưỡng. Con trai gì mà cặp mắt ướt nhèm, lúc nào cũng như sẵn sàng để khóc. Những ngày mới về, anh ngủ chung giường với tôi. Nửa đêm tôi thường phải giật mình thức giấc bởi tiếng thút thít bên cạnh mình. Dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu, tôi nhận ra cặp mắt ướt đang đăm đăm nhìn lên mái tranh. Cặp mắt đỏ đẫm nước. Cặp mắt ấy ám ảnh tôi hoài, nhất là những lúc nó chuyển từ trong veo óng ánh đến đỏ hoe ngập nước. Lúc đó tôi chưa hiểu rằng người ta có thể đọc được bão tố trong lòng của một người qua những đổi thay của ánh mắt. Ánh mắt sâu thăm thẳm hàm chứa bao điều bí ẩn…

***

Ba bảo tôi gọi anh Dưỡng bằng anh, vì anh lớn hơn tôi bốn tuổi. Tôi cũng thích, vì từ nhỏ tới giờ có được gọi ai là anh đâu. Tôi chỉ mơ có được một người anh ở cùng phe với tôi, bảo vệ tôi mỗi lúc tôi bị bọn nhóc xóm dưới tấn công.

Nhưng anh Dưỡng chẳng đáng mặt làm anh tí nào. Những ngày đầu về ở nhà tôi, chuyện gì anh cũng không biết. Anh làm gì cũng vụng về lóng ngóng như thể chưa bao giờ anh phải đụng tay đụng chân vào những công việc vặt vãnh trong nhà vậy. Đã thế, anh lại có dáng người yểu điệu, lại hay khóc. Khi tôi giới thiệu anh với mấy đứa bạn, sau một hồi dò xét, tụi nó trề môi: “Anh mày sao giống ‘bóng’ quá!”. Cũng phải, so với mấy đứa nhóc đen nhẻm ở đây, anh dường như chẳng có dáng vẻ gì làm cho chúng nó nể nang cả. Trong khi mấy đứa nhỉnh hơn tôi một hai tuổi thì người đã đen nhẻm cuồn cuộn cơ bắp, anh Dưỡng thì nước da trắng trẻo ẻo lả. Tụi nó ăn to nói lớn, anh thì lúc nào cũng như có vẻ sợ sệt nhút nhát.

Dường như anh Dưỡng chẳng thèm để ý đến những lời xầm xì mà bọn nhóc chúng tôi bàn tán về anh. Có đứa cả gan chạy ngang trước mặt anh rồi đột ngột hét lên “Anh bóng!”, anh cũng chỉ cười trừ… Thế mà có một lần anh khóc trước mặt bọn tôi. Đó là lúc thằng Tin, vốn là đứa tinh ranh nhất trong nhóm, sau một thời gian dò hỏi ở đâu đó, nó tuyên bố với cả nhóm “Tao biết rồi, anh Dưỡng mày là người thành phố. Người thành phố ai cũng trắng bóc như cục bột, người thành phố không quen những việc tay chân, chăn trâu thả bò như tụi mình.” Khoái chí với phát hiện đó, tụi nó kéo nhau tới hỏi thăm anh Dưỡng, biểu anh kể chuyện thành phố cho tụi nó nghe… Anh chỉ cười ậm ờ cho qua chuyện. Thằng Tin bực mình chửi đổng “Đ.m. người thành phố làm sang!”. Anh khóc. Hình như câu chửi thề của thằng Tin vừa chạm đến một góc mỏng manh nào đó trong tâm hồn anh. Hình như nó vừa khơi dậy điều gì đó chưa kịp ngủ yên trong anh…

Rồi bọn nhóc chúng tôi cũng sớm tha cho anh để quay trở về với những trò chơi mạnh bạo quen thuộc của tụi mình. Anh Dưỡng được tự do để một mình thơ thẩn giữa làng quê.

Ba tôi bảo không khí làng quê trong lành có thể giúp người ta sống khỏe mạnh, đời sống làng quê hiền dịu có thể chữa lành nhiều điều trong tâm hồn người ta. Điều đó đúng với anh Dưỡng. Sau vài tuần đầu bỡ ngỡ, anh Dưỡng nhanh chóng trở nên háo hức với nhiều điều lạ lẫm nơi quê tôi.

Có buổi đang ngủ trưa, anh khoèo chân tôi, bảo ra đồng chơi. Tôi cằn nhằn: “Ra đồng làm gì giờ này chứ?” Anh nói, ra đồng nghe chim cuốc nó kêu. Trời ạ! Mấy con chim cuốc nó kêu buồn thấu gan thấu ruột, có gì hay ho đâu mà nghe! Tôi lại cằn nhằn: “Thì anh cứ thò đầu ra cửa sổ là nghe liền, cần gì phải ra đồng giữa nắng chang chang vầy”… Anh cười hì hì: “Nghe vậy không có… lãng mạn”. Tới nước này thì tôi chịu thua.

Mà đúng là anh Dưỡng lãng mạn thật. Anh có thể thả hồn hàng giờ trên cánh đồng quê tôi. Với tôi, cách đồng quê đã trở nên quá quen thuộc, có gì khác ngoài lúa và gió! Nhưng hình như những người lãng mạn thì có cảm thức khác. Họ biết cách đọc ra cái gì đó đặc biệt từ những cái tưởng như rất tầm thường, bình dị của cuộc sống. Với anh Dưỡng, dần dần tôi học cách khám phá lại những nét tiềm ẩn ngay chính nơi làng quê của mình. Tôi nhắm mắt hít hít để tận hưởng mùi hương lúa, mùi hoa cỏ, mùi gió. Tôi lặng lẽ ngắm những cánh tầm gửi bám vào thân cây chủ để vươn lên. Tôi nằm hàng giờ ngửa mặt lên nền trời để ngắm những cánh diều chấp chới và lặng lẽ gởi những ước mơ của lòng mình theo gió…

Chiều chiều, nhìn những cánh chim bay về núi anh Dưỡng cứ bần thần ngơ ngẩn… Anh bảo con người có khi không bằng một con chim. Chim có tổ, bay đâu thì bay, tới chiều chim luôn quay về nhà mình. Mọi chuyện gác lại đằng sau. Không phải âu lo muộn phiền gì với ngày sống… Còn con người thì khác, có khi họ đi hoài mà chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện mơ về chốn cũ. Có khi họ kết thúc một ngày làm việc với bao bận rộn lo toan. Họ vất vả hơn nhiều so với con chim trên trời và cánh hoa ngoài đồng…

***

Sau một thời gian, anh Dưỡng tham gia giờ kinh tối với gia đình tôi. Anh nói anh thích cái bình dị, yên lành trong hạnh phúc của gia đình tôi. Anh nói anh thích cái nhịp sống nhẹ nhàng mà có gì đó sâu lắng. Anh nói hình như tất cả những bình yên ấy đến từ giờ kinh tối, là những lúc cả gia đình quây quần lại, hiệp ý hiệp lòng trong cái trầm lắng thánh thiêng.

Trong tủ sách nhà tôi, anh Dưỡng thích nhất là quyển “Uống Nước Nhớ Nguồn”, là sách về hạnh tích 117 thánh tử đạo Việt Nam. Có lần khi đang đọc sách, anh buột miệng: “Thánh này ở quê mình”… Tôi chưa kịp chạy lại để xem ông thánh đó là ông thánh nào, nghĩa là quê anh là cái quê nào… anh đã gấp sách lại, thẫn thờ. Dù tò mò muốn biết chuyện của anh, chẳng hiểu sao tôi lại e ngại lắm những lúc thấy anh thẩn thờ. Tôi sợ chạm vào điều gì đó mỏng manh trong lòng anh. Tôi sợ khơi lại điều anh đã muốn quên. Tôi sợ làm anh đau…

Rồi anh cùng bọn nhóc chúng tôi đến nhà thờ mỗi Chúa nhật. Hồi đó, từ làng đến nhà thờ, chúng tôi phải đi bộ đến hơn bốn cây số. Mỗi ngày Chúa nhật, con đường nhỏ nối ngôi làng tôi với nhà thờ như vào ngày hội. Con đường rộn vang tiếng cười tiếng nói. Chúng tôi đi dưới những hàng cây rợp bóng, miệng ngâm nga những khúc đồng dao giáo lý đã học được trên nhà thờ…

Ngày anh Dưỡng được rửa tội, mẹ tôi may cho anh chiếc áo sơ mi trắng tinh. Anh gục đầu khóc ngon lành trên vai mẹ tôi. Anh nói đây là lần đầu tiên trong đời anh nhận được chiếc áo từ tay một người mẹ, chiếc áo mẹ tôi đã thức đêm gần một tuần lễ để may cho anh. Bố tôi nói từ nay anh đã là con người mới, cần phải sống cuộc đời mới. Những cái cũ cần được gác lại đằng sau.

***

Sau năm năm, anh Dưỡng lớn lên thành một chàng trai cứng cáp. Nắng gió làng quê đã nhuộm màu da của anh nên trắng ngà. Cặp mắt ướt ướt đã có chút gì đó cứng cáp và kiên quyết. Anh trở nên một người anh thực sự của tôi.

Một ngày nọ, ba tôi từ xã về mang theo một phong thư. Ông lẳng lặng trao cho anh Dưỡng. Tôi thấy đôi bàn tay anh Dưỡng run run khi bóc lấy phong thư. Anh lặng người, rồi bật khóc… Ba tôi nhìn thẳng vào anh, kiên quyết:

– Thằng Dưỡng, con biết mà, đây đâu phải là gia đình của con. Dù cậu thương con như con trong nhà, nhưng cũng đến lúc con phải về lại với gia đình của mình rồi… Thời gian ở với gia đình cậu mợ có đủ để con lớn lên và nhìn vấn đề như một người lớn không? Đã đến lúc con phải đi rồi. Cậu tin tưởng con.

Trưa hôm ấy, anh Dưỡng lại rủ tôi ra đồng. Hai anh em chúng tôi lặng lẽ bên nhau. Cặp mắt anh Dưỡng lặng lẽ dõi về nơi xa thật xa. Trong cặp mắt buồn xa xăm ấy, tôi biết anh đã chờ đợi ngày này lâu lắm rồi. Cặp mắt của anh là cặp mắt mong đợi. Anh yêu mến gia đình tôi. Anh dần thích nghi với nhịp sống ở quê tôi. Anh háo hức khám phá bao điều lạ lẫm trên cánh đồng quê tôi. Nhưng quê hương trong anh vốn là một nơi khác.

***

Bố anh Dưỡng là một bác sĩ có tiếng ở một thành phố miền Bắc. Con đường công danh của ông càng ngày càng rộng mở thênh thang. Mẹ anh là một giáo chức có giao thiệp rộng. Mỗi người có một thế giới riêng. Họ dành cho nhau sự tôn trọng kỳ lạ, đến độ họ sống dưới cùng một mái nhà, nhưng hai tâm hồn hướng về hai thế giới khác nhau.

Họ có thế giới riêng, và cũng cố tạo nên cho anh một thế giới riêng. Thế giới của những trò chơi điện tử, những Games đắt tiền, những bộ đồ chơi hiện đại… Dường như họ chỉ yêu cầu anh một điều là ở yên trong cái thế giới của mình, đừng làm phiền đến họ…

Dạo ấy, bố anh Dưỡng vắng nhà thường xuyên hơn. Những chuyến công tác của ông cứ ngày một dài ra, có khi là vài tuần, có khi là vài tháng. Ngày ông trở về, bạn bè đến nhậu nhẹt linh đình. Họ ra về, để lại một cô thư ký trẻ đẹp trong căn nhà của gia đình anh. Mẹ bảo cô ấy là trợ lý của bố.

Anh đọc ra trong mắt mẹ chút ganh tỵ. Cặp mắt bà đã bắt đầu có vết nhăn của những dấu chân chim. Anh nể sức chịu đựng âm thầm của mẹ. Anh phục cái bản lĩnh phụ nữ của mẹ. Anh lặng lẽ sống và lặng lẽ ngưỡng mộ mẹ mình.

Một hôm, từ trường trở về nhà đột ngột, anh gặp mẹ đang ngồi lọt thỏm trong lòng của một người đàn ông, là bạn của bố. Có cái gì đó trong anh chợt vụn vỡ tan tành… Anh trân trối nhìn vào mẹ của mình cho tới khi hai hàng nước mắt chảy trào tức tưởi và mọi thứ mờ đi trước mặt anh. Anh cười ha ha và chạy ra khỏi nhà… Suốt ngày hôm đó, anh lang thang mà chẳng biết mình đi đâu nữa. Tối, về đến nhà sau, anh lại gặp bố đang quàng chặt cô thư ký trên lối vào. Có cái gì đó bùng nổ trong anh. Anh với tay lấy con dao trên sàn. Con dao sáng loáng vung lên đập vào người cô thư ký… Bỏ lại sau lưng tiếng hét thất thanh, anh thục mạng chạy băng mình vào đêm tối. Anh chạy mà chẳng cần biết mình chạy về đâu, miễn sao xa căn nhà của mình, xa cái nơi đã từng là mái ấm…

Chuyến hành trình phiêu bạt với những lần bị đi tàu ké, bị đuổi xuống, rồi lại chui lên, anh vào đến Nam. Anh gặp ba tôi trong buổi sáng ấy khi anh đã mệt lử và e dè khép mình vào trong một góc bến xe.

***

Từ khi nhận nuôi anh Dưỡng, ba tôi đã âm thầm dò hỏi và liên lạc với gia đình anh. Nhát dao dại dột của anh Dưỡng không giải quyết được vấn đề gì, nhưng dường như nó đủ để làm sực tỉnh một chút gì đó trong tâm hồn của những người đang mê mải trên đường nẻo sai lầm.

Bố anh Dưỡng lâm bệnh. Mẹ anh viết thư, mong anh quay trở về.

Tôi không quan tâm lắm đến chuyện của người lớn. Chỉ biết rằng từ nay, trong những ngày vui của tôi không còn anh Dưỡng nữa. Hình như đó cũng là kết thúc của tuổi thơ tôi…

***

Đưa anh Dưỡng ra xe, tôi hỏi: “Về nhà, lỡ người ta không cho anh theo đạo nữa thì sao?”Anh cười, cầm cây Thánh giá đang đeo trước ngực: “Anh thà tử vì đạo chứ không bỏ đạo đâu, chú em!” Tôi cười, bảo rằng anh bắt chước cái từ tử vì đạo này trong cuốn sách “Uống Nước Nhớ Nguồn”. Anh cười… Anh bảo tôi nhớ cầu nguyện cho anh, cầu nguyện cho gia đình anh. Anh bảo tôi cầu nguyện để khi trở về nhà anh có thể sống được những điều mình đã học từ cuộc sống nơi này… những điều không chỉ được gói gọn trong những cuốn sách…

Leo lên xe, anh quay đầu lại nhìn chúng tôi bằng cặp mắt ướt đỏ… Tôi biết cái cảm giác đó. Tôi cũng đã từng một lần được leo lên xe khi đi thi trên phố huyện. Tôi thấy như mình bị kéo đi, kéo đi xa mãi, cho đến khi cánh đồng thân quen chỉ còn là một khoảng trời lờ mờ, cho đến khi rặng núi cao ngất bao bọc ngôi làng mình chỉ còn là một đường kẻ mỏng manh, rất mỏng manh…

Nhớ về anh Dưỡng, tôi nghĩ đến cặp mắt trên xe đang ngoái đầu nhìn lại. Cặp mắt đỏ ướt lung linh, sáng cả một vùng trời ký ức.

Roma  – 10.07.2009

(Cao Gia An, S.J., Tập Truyện Ngắn Hoa Phượng Về Trời, Nxb Tổng Hợp, TpHCM, 2014)

Cát Trong Nắm Tay

Bạn vụt đến, nghịch ngợm đặt vào lòng bàn tay tôi một món quà vô hình vô dạng vô thanh vô sắc: một nắm cát.

Nắm cát mềm mại, nằm gọn gàng trong lòng bàn tay tôi, mang theo chút hơi ấm còn vương lại từ lòng bàn tay bạn. Nghĩ thấy kỳ cục, hơi ấm truyền từ bàn tay này sang bàn tay kia mà có khi phải cần đến trung gian là một nắm cát!

Tôi khép bàn tay lại, nghe những hạt cát nhỏ xíu chạm vào da lòng bàn tay mình tạo nên cái cảm giác nhột nhạt lạ lẫm. Cảm giác nâng niu một cái gì đó trong lòng bàn tay mình thật là lạ. Sở hữu một nắm cát nhỏ nhoi thôi, tôi lại có cảm giác như mình đang sở hữu cả một thế giới. Trong thế giới ấy, bàn tay trống trơn của tôi bỗng tìm thấy một chút cảm giác sống động.

Tôi thường nhìn vào hai bàn tay của mình lúc nó trống rỗng. Có những người có thể nhìn vào những đường chỉ tay ngoằn ngoèo để lật lại quá khứ, để nói về hiện tại, hay để tiên đoán về tương lai. Tôi không biết cách đọc tương lai từ lòng bàn tay mình, nhưng nhìn vào đó, tôi thấy được những dấu tích còn sót lại từ quá khứ, và thấy cái hiện tại của mình lúc này. Vẫn còn đó dấu tích của những vết chai sạn từ những ngày cầm cuốc ra đồng và những ngày vác búa lên rừng. Những vết chai vẫn còn cứng cỏi vô cảm, dù không còn gồ lên và xỉn màu vàng thín… Nhưng đó là chuyện của quá khứ, bàn tay tôi lúc này là bàn tay cầm viết. Từ hơn mười năm trở lại đây, bàn tay này chỉ còn quen cầm viết. Nốt chai ở đốt thứ nhất của ngón tay giữa của bàn tay phải gồ lên thật cao, do liên tục bị viết tựa vào.

Thường thường, tôi có cảm giác mình viết nhiều. Thế nhưng, khi ngồi nhẩm lại, tôi giật mình nhận ra tất cả những gì mình đã viết chừng như cứ lớt phớt trôi qua tuồn tuột. Những lúc cầm viết cũng chỉ là những loáng thoáng vụt qua đời tôi mà thôi. Phần lớn thời gian của một ngày sống đôi bàn tay tôi được buông thõng tự do. Đôi bàn tay trống trơn thừa thãi.

Thế nên bàn tay ấy trở nên ngượng nghịu khi nâng niu một nắm cát. Chắc không có gì vừa mỏng manh vừa khó hiểu như một nắm cát. Một nắm cát dù bé nhỏ đến đâu cũng được tạo nên từ hàng triệu những hạt cát khác nhau. Mỗi hạt cát là một thế giới, có một lịch sử, mang theo nơi mình một câu chuyện dài bất tận… Mỗi hạt cát là một mảng rời, một thế giới độc lập và bất khả hoán chuyển. Những hạt cát vô tình được đặt cạnh nhau, tạo nên một mảng như liền lạc liên tục, như gắn kết thống nhất, tựa như những mảng rời làm nên một cuộc đời liền lạc và duy nhất của một con người.

Nắm cát mang đến cho bàn tay tôi một thứ cảm giác mới mẻ kỳ lạ. Đúng ra, cái cảm giác này tôi đã có nhiều lần, nhưng chừng như cũng đã rất nhiều lần tôi bỏ quên. Mỗi lần nắm chặt bàn tay, những hạt cát nho nhỏ dìu dịu như dụi thật sâu vào lòng bàn tay tôi, như muốn tan hòa thẩm thấu vào trong từng tế bào, trong từng mạch sống. Chừng như đó là cảm giác của một người có quyền sở hữu. Sở hữu cái gì thì tôi không biết, không rõ… Có thể là sở hữu một cái gì đó liền lạc và quý giá như một cuộc đời, nhưng cũng có thể đó chỉ là sở hữu vô số những mảnh rời rạc, vụn vặt và nhỏ nhặt chẳng dính líu gì đến nhau. Nghĩ cho cùng, giữa một hạt cát với một hạt cát, có gì nối kết chúng lại với nhau đâu! Dù có mang cái vẻ bên ngoài liền lạc đến đâu, cát vẫn là cát, vẫn chỉ là một dãi những hạt bé cỏn con rời rạc được đặt cạnh nhau, tạo nên một thứ mềm mại và vô hình gần như là nước, mặc người ta muốn vo tròn bóp méo, mặc người ta muốn khoác cho chúng bất kỳ hình dạng nào người ta muốn.

***

Đã rất nhiều lần tôi đứng trước biển với nắm tay đầy cát. Tôi lặp đi lặp lại nhiều lần cái thao tác vốc cát vào đầy lòng bàn tay, rồi nắm thật chặt bàn tay của mình lại. Tôi nghĩ rằng nắm chặt là cách tốt nhất để giữ lại, để không mất đi, để những gì trong nắm tay của mình sẽ mãi thuộc về mình… Nắm tay tôi càng thắt chặt, càng nhiều những mụn cát trôi tuột qua kẽ tay tôi. Những hạt cát nhỏ xíu luôn tìm được kẽ hở giữa lòng bàn tay để chảy thoát ra ngoài. Gặp cơn gió tạt qua, những hạt cát mỏng manh và nhỏ bé đến độ như vô hình vô dạng bị cuốn bay tứ phía. Tôi không nhìn thấy những hạt cát bay, nên tôi không nhìn thấy những mất mát đang chảy thành giòng trôi tuột khỏi tầm tay mình. Chỉ đến lúc mở lòng bàn tay, tôi mới giật mình nhận ra giữa lòng tay mình có khi chỉ còn lại một dúm cát ít ỏi, có khi chỉ còn lại vài hạt cát con con, có khi là một bàn tay trống trơn trơ trọi…

Nhúm cát tròn đầy bạn đặt vào tay tôi đã tan biến đi một cách nào đó thật khó hiểu. Là vì bàn tay tôi không biết cách trân trọng gìn giữ, hay là vì những gì bạn đặt vào bàn tay tôi vốn chẳng bao giờ thuộc về tôi?

Đã có lắm lúc, tôi tưởng rằng nắm cát thuộc về mình. Trong lòng bàn tay tôi, nắm cát nằm gọn gàng và hiền ngoan đến thế cơ mà! Có gì kỳ lạ cho bằng một ngày nọ bạn giật mình phát hiện rằng những gì đang nằm gọn trong lòng bàn tay mình lại vốn không hề thuộc về mình?

Bạn như nắm cát giữa lòng bàn tay tôi. Càng nắm tay thật chặt, tôi chỉ càng làm cho nắm cát tuột trôi qua lòng bàn tay mình và biến mất cách nhanh chóng.

Như nắm cát, bạn thuộc về một nơi nào đó. Có thể là một bãi cát vàng rộng thênh thang trên một bờ biển xa xăm nào đó, có thể là một bãi cát dài mịn màng và êm đềm trên một bến sông, hay có thể là một bờ cát yên bình thanh tịnh dưới lòng những con suối vắng… Dù thế nào đi nữa, thế giới ấy cũng rộng hơn rất nhiều so với lòng bàn tay của tôi.

Giật mình tôi nhận ra rằng những gì tưởng như đang nằm trong lòng bàn tay tôi, những gì được đặt vào tay tôi, chưa hẳn đã thuộc về tôi…

Roma 11.07.2011 – Cao Gia An, S.J.

Nhớ Ơn Rừng

Để nhớ quê hương Hàm Thuận Nam

Mình phải đi thôi con ạ !

……

Mưa. Cơn mưa cuối mùa dai dẳng, như còn muốn dùng dằng níu kéo những gì sắp chia xa. Mưa ào ạt trút nước xuống rừng đêm. Rừng lặng lẽ ưỡn mình hứng những giọt nước trời hung bạo. Gió rin rít quật vào tấm màng đen kìn kịt.

Hơi ấm tỏa ra từ chiếc lò than khổng lồ vẫn không đủ để xua đi cái lạnh quái ác của cơn sốt rét rừng đang gặm nhấm trong xương tủy nó. Tuổi mười bảy, nó đủ sức để bẻ gãy sừng trâu, để đốn hạ những cây rừng to lớn nhất… nhưng nó không thắng được rừng thiêng nước độc.

Người ta nói rừng vàng biển bạc. Cha con nó dắt díu nhau lên rừng không mong tìm vàng, chỉ mơ tìm chén cơm manh áo và chút xán lạn cho tương lai. Mỗi thân cây đổ xuống, một khoảng trời tròn trịa lại lộ ra. Khoảng trời trong xanh và cao thẳm trên đầu thắp lên giữa lòng nó bao hy vọng. Khoảng trời càng rộng, hy vọng trong nó càng bay cao. Thế rồi nó ngã quỵ trước khi khát vọng kịp thành hình.

…….

– Mình phải đi thôi con ạ! làm sao sống mãi trong cảnh này được !

Đi đâu nữa hả ba? Đến một vùng phố thị nào đó để anh em con tiếp tục được học hành như ba vẫn thường mong ước, hay lại tiếp tục lang thang đến những cánh rừng khác? Tìm cuộc sống nơi đô thị phồn hoa và chốn rừng thiêng nước độc, nơi nào dễ dàng hơn hả ba?

Đã một lần từ khước phố thị, cha con nó lên rừng tìm đường kiếm sống.

Quê nó là một ngôi làng vô danh được bao bọc bởi những dãy đồi trọc chạy dài như bất tận. Mỗi mùa mưa về, nước từ trên núi lại xối xả tuôn qua ngôi làng nhỏ. Bước đi của nước đã cuốn theo bao nhiêu là đất đai phì nhiêu của làng đổ dồn ra sông ra biển. Còn trụ lại với thời gian là những tảng đá ong mỗi năm một nhô cao hơn, như những ngọn đồi trọc lóc xâm lăng vào rẻo đất bé nhỏ.

Càng ngày càng có nhiều người ở quê nó kéo lên thành phố kiếm sống. Biết làm sao được! Khi người ta không thể bán mặt cho đất bán lưng cho trời ngay chính trên mảnh đất quê hương, thì họ còn cách nào khác hơn là bán đi cái quê hương xứ sở trong lòng mình để chấp nhận làm một kẻ tha hương? Ba nó thuộc tuýp người mà nhiều người ở làng này gọi là cố chấp và không biết thức thời. Ông kiên quyết giữ nhà giữ đất, kiên quyết đi tìm cuộc sống ngay chính trên mảnh đất quê hương. Ông không thích cảnh mấy đứa con nít mới ngày nào còn tồng ngồng chạy khắp xóm tắm mưa, lên thành phố đi làm có vài năm mà đã biết đua đòi ăn chơi nhố nhăng. Ông ghét mấy đứa tay cầm xấp tiền mà cái mặt vênh vênh chẳng coi ai ra gì. Ông sợ con cái mình phải trả giá đắt cho đời sống tiện nghi bằng việc đánh mất những lề thói của đạo làm người… Tuổi thơ của nó trôi qua trong gia cảnh chật vật nhưng đầm ấm.

Rồi đùng một cái, anh em nhà nó lăn ra bệnh, mỗi đứa một chứng, đứa nào cũng thập tử nhất sinh. Ba nó chạy đôn chạy đáo, cầm cố nhà cửa vườn tược, vay mượn nợ nần để chạy chữa. Nhờ trời phù hộ, anh em nhà nó vẫn bình an, nhưng cái đầm ấm nhỏ nhoi của gia đình nó bắt đầu bị đe dọa. Lần đầu tiên trong đời nó phải nghe tiếng chửi bới tục tằn của những người chủ nợ. Lần đầu tiên nó thấy ba phải quỵ lụy năn nỉ người ta. Lần đầu tiên nó hiểu ra rằng lòng thông cảm giữa người và người là hạn hẹp và nhỏ nhoi biết bao.

Một chiều đi học về, nó thấy ba gục đầu trên bàn, trong tay là chai rượu còn dang dở. Không nói không rằng, nó dằng chai rượu ra khỏi tay ba, tu ừng ực. Một luồng hơi nóng hừng hực chạy xuống cổ họng và lan ra khắp người, nó thấy mình chân tay bủn rủn và đầu óc mụ mị choáng váng. Trước khi khóc nấc lên và đổ gục xuống, nó còn kịp nhận thấy ánh mắt đỏ hoe sững sờ của ba.

Rồi cha con nó dẫn nhau lên rừng đốt than. Thì anh hùng lỡ vận mà! Nó đã dám cùng ba uống cạn chai rượu vừa cay vừa đắng, lẽ nào nó không thể cùng ba chia sẻ gánh nặng của gia đình.

***

Rừng đêm đón nó bằng cái vẻ thâm u kỳ bí. Như những người đi rừng khác, cha con nó khởi hành vào lúc giữa đêm để tránh gặp kiểm lâm. Ba lầm lũi đi trước, nó bước theo sau. Càng đi sâu vào rừng đêm, nó càng có cảm giác được bao bọc ôm xiết. Nó đi sâu vào rừng, như đi sâu vào lòng một người bạn từ bao đời thân thiết. Rừng đêm lặng lẽ. Thỉnh thoảng, vài con thú đêm chuyển động trên các tán cây tạo nên những âm thanh xào xạc khuấy động cái tĩnh mịch của rừng đêm.. rồi mọi thứ lại chìm vào trong tĩnh mịch. Cha con nó vẫn bước đi lặng lẽ.

Cánh rừng dài và xa hơn nhiều so với mường tượng của nó. Hồi nhỏ, mỗi lần có dịp lang thang trên đồng cây bụi dưới chân những ngọn đồi trọc sau nhà, nó thường dõi mắt về xa, chiêm ngưỡng cái bao la bát ngát của rừng. Nó mơ một ngày được bay xa, được thực sự sống với cái khoáng đãng bạt ngàn của rừng núi.

Bây giờ, nó đã gặp được giấc mơ của mình. Giữa cảnh tận cùng khánh kiệt của gia đình, nó được rừng xanh dang tay bảo bọc. Như một loài ký sinh tìm được chỗ bám tựa, nó quặp vào rừng xanh mà hút lấy nhựa sống. Nó lớn lên, mỗi ngày một khác.

Bài học đầu rừng xanh dạy cho cha con nó là phải tự sống. Rừng xanh khơi dậy bản năng đấu tranh sinh tồn tiềm tàng trong con người. Để vươn vai thành một chàng trai trẻ lực lưỡng sức vóc, nó học cách chống lại rừng thiêng nước độc. Cánh rừng rậm rịt dần mở toang ra trước mắt nó. Những nhát búa sáng loáng vung lên, những thân cây đổ gục dưới chân nó, những âm thanh chan chát… răng rắc… vang lên, động cả núi rừng.

Rừng xanh cho cha con nó một nhịp sống lặng lẽ, tách biệt với những xô bồ, bon chen, và thăng trầm của cuộc sống bên ngoài. Rừng âm trầm mà rộng lượng. Rừng vĩ đại mà bao dung.

Chiều. Khi cái nắng rực rỡ của một ngày đã dịu lại, khi những cánh chim nhẹ nhàng buông mình nương theo làn gió để tìm về tổ ấm, khi âm thanh trong trẻo của chiếc ống sáo tre vang lên từ đôi tay của ba, nó thấy tâm hồn mình bình yên lạ lùng. Nó lặng lẽ ngồi bên con suối nhỏ, ngắt những cánh hoa rừng thả vào lòng suối. Những cánh hoa bập bềnh theo dòng nước trôi xa. Chỉ còn nó một mình ngồi lại.

Chiều. Khi tiếng còi tàu, thanh âm duy nhất nối liền cha con nó và cuộc sống bên ngoài, rung rúc vang lên, một cảm giác nôn nao lại xâm chiếm tâm hồn nó. Từ trên đỉnh núi nhìn xuống, đoàn tàu nhỏ dài như một đường cong uốn mình vun vút chạy qua, khuấy động cái lặng lẽ của rừng núi. Đoàn tàu từ đâu đến, đi về đâu? Đoàn tàu đã đi qua, núi rừng dường như còn rung lên bần bật. Tiếng còi tàu từ xa lại cất lên, mỗi lúc một nhỏ dần, rồi mất hút phía trời xa, bỏ lại nó một mình ngơ ngẩn…

Chiều. Nó một mình sãi bước trên đống hỗn độn của những tán cây đổ gục bị chặt bỏ. Vài tia nắng xuyên qua khoảng trống của rừng dọi thẳng vào mặt nó. Nó bỗng thấy buồn và cô đơn đến lạ. Nó giật mình tự hỏi mình đã đến với rừng xanh như một người bạn hay như một kẻ tru diệt? Từ ngày vào đây, cha con nó đã không ngừng chặt, đốt. Lò than không ngừng cháy hừng hực, biến cây rừng thành tiền, thành áo, thành cơm gạo nuôi sống cả gia đình nó. Thế nhưng ở những đã đi qua, dường như cha con nó chỉ để lại những khoảng trống, những vết thương, những đống hoang tàn hỗn độn.

Chiều. Cha con nó lặng lẽ thu dọn hành trang. Khoác lên vai chiếc ba lô gọn lỏn, nó lặng lẽ theo ba xuống núi.

Chiều. Bầy chim rừng nháo nhác vụt bay về rừng khi nghe có tiếng chân người qua. Nó ngoái đầu nhìn lại. Trên vòm trời xanh thăm thẳm vẫn là dáng núi ngạo nghễ. Nó bỗng giật mình kinh hãi khi nhìn thấy trên sườn núi thẳng tắp xuất hiện một vết trũng oằn sâu vào lòng núi. Đó phải chăng là vết khoét mà cha con nó đã vô tình tạo ra?..

Xin lỗi rừng xanh, cha con nó chỉ là những kẻ đáng thương, những kẻ cùng đường muốn đi tìm sự sống. Rừng xanh đã chẳng tiếc gì với nó, đã vét cạn lòng mình để nó được lớn lên.

Cám ơn rừng xanh đã bảo bọc cưu mang, đã tiếp tục đẩy nó lên đường cho một hành trình mới. Nó quay lưng bước đi, để rừng đêm được khép lại trong cái lặng trầm cô tịch. Chính từ trong cái lặng trầm ấy, nó tin rằng rồi rừng sẽ hồi sinh, và bừng bừng nhựa sống.

Thủ Đức 30.3.2008 

(Cao Gia An, S.J., Hoa Phượng Về Trời, Nxb Tổng Hợp, TpHCM 2014, tr. 03-21)

Như Loài Hoa Cúc Dại

 

 

Tôi không biết mình là ai. Có thể người ta sẽ ngạc nhiên khi nghe tôi nói điều đó. Có thể người ta sẽ cười tôi vì điều đó. Nhưng thật lòng, tôi không biết mình là ai. Khi người ta phải mang quá nhiều bộ mặt trong một thế giới đa tạp liên miên vần xoay biến đổi, đâu có dễ để họ xác định được rõ ràng mình là ai. Hơn nữa, một khi người ta chưa dám chấp nhận con người thật của mình, làm sao họ có thể biết được mình là ai!

Người ta gọi tôi là hoa cúc dại. Tôi mọc bên vệ đường, nép mình vào cội cây anh đào vĩ đại.

Điều đầu tiên trên thế giới đập vào ý thức của tôi không phải là chính tôi, nhưng là cây anh đào che chở cho tôi. Thế giới đầu tiên của tôi là những vệt hoa nắng xuyên qua tán cây anh đào. Những vòng hoa nắng lốm đốm loay xoay trên thảm cỏ nhung xanh. Vài tia nắng nghịch ngợm đậu lại thật lâu trên tôi. Tôi nhột nhoạt choàng tỉnh sau một giấc ngủ dài. Mở mắt, tôi ngơ ngác nhìn quanh. Ôi, thế giới bao la quá đỗi!

Thế giới trải dài trước mắt tôi là thảm cỏ nhung xanh mượt mà. Thế giới trên đầu tôi là bầu trời cao vời vợi. Thế giới ủ ấp che chở cho tôi là cây anh đào đang độ cuộn trào nhựa sống.

Cây anh đào mới vĩ đại làm sao! Thân cây cứng cáp vươn lên giữa trời. Cây xòe mình hiên ngang hứng nắng mai. Cây vươn tay ngạo nghễ đón gió trời. Từ bên dưới nhìn lên, những tán cây anh đào mở ra cho tôi một thế giới lung linh hoa nắng. Mỗi độ gió lùa qua, những chiếc lá xanh um lại lao xao chuyển mình theo tán cây. Nắng lấp lánh tràn ùa qua kẽ lá.

Nhìn cây anh đào, tôi âm thầm ngưỡng mộ. Nhìn lại mình, tôi ngượng ngùng xấu hổ.

Tôi mang thân thảo mộc, yểu điệu và èo uột đến tội nghiệp. Từ độ mở mắt chào đời, tôi đã nhận ra sự thua thiệt của mình. Tôi muốn vươn lên lắm. Bởi vươn lên đón nắng trời đã là một quán tính tự nhiên của loài thảo mộc. Nhưng tôi sợ. Cái không gian bên trên sao mà bao la rộng lớn quá. Tôi thì mỏng manh bé nhỏ làm sao! Một làn gió nhẹ thoảng qua cũng đủ làm tôi lắt lay. Một tiếng động đột ngột của chú chim con vỗ cánh cũng đủ làm tôi giật thót mình. Có chỗ nào cho tôi trong thế giới bao la nhộn nhịp trên đầu tôi sao? Tôi thường tự nhủ mình: thôi, sinh ra làm thân thảo mộc, an phận thủ thường là khôn ngoan nhất!

Nhưng tôi không thể cưỡng lại sự ngưỡng mộ rộn ràng trong lòng mình. Tôi không thể thôi nuôi dưỡng khát vọng một ngày nào đó được vươn cao như cây anh đào đang xòe bóng trên tôi.

***

Xuân về.

Vạn vật tưng bừng vào mùa lễ hội.

Cây anh đào bước vào độ mặn mà hương sắc. Những chồi non lúp xúp bung ra bao cánh lá nõn nà xanh mướt. Những búp hoa tròn xoe sau thời gian cuộn tròn e ấp cũng dần buông lõng mình để trình diện cùng trời cao những cánh hoa trắng muôn muốt. Ong bướm rập rình về bên những cánh hoa thơm. Thảng hoặc, vài cơn gió nhẹ thoảng qua. Vài cánh hoa lả tả rơi rơi phủ trên đầu cây cúc dại. Ôi, cánh hoa trắng muốt nõn nà, cánh hoa mới mịn màng êm đẹp làm sao. Những cánh hoa trắng li ti nổi bật trên phông nền xanh mướt của thảm cỏ.

Đang lúc tôi say sưa chiêm ngưỡng thế giới quanh cây anh đào thì một cơn gió mạnh ùa về. Cả trời hoa tưng bừng trước mắt tôi. Những cánh hoa mỏng mảnh lìa cành phiêu diêu trong gió. Những cánh hoa bay bay giữa trời… Chao ơi là đẹp! Cái đẹp sống động rộn ràng, cái đẹp lả lướt bâng khuâng.

Nhưng rồi tôi cũng nhanh chóng nhận ra đó là thời điểm chấm kết của cái đẹp. Rũ bỏ những cánh hoa yểu điệu, cây anh đào lại trở về với cái vẻ trầm mặc, với những cành cây trơ trọi. Chênh vênh và xấu ỉnh.

Tôi chìm ngập trong cảm giác hụt hẫng và tiếc nuối. Cái đẹp của cuộc đời lại mỏng manh đến thế sao? Một cơn gió thoảng qua cũng đủ quét sạch công trình bao tháng ngày loài cỏ cây ấp ủ. Định luật tự nhiên lại vô tình với cái đẹp đến vậy sao? Đâu là ý nghĩa tồn hữu? Nhìn những cánh hoa trắng tinh mịn màng dần chuyển màu và thối rữa ngay dưới chân mình, tôi sợ…

***

Một sớm mùa hạ.

Nắng bừng lên.

Cây cúc dại lại soi mình qua những giọt nắng li ti. Ôi, ngạc nhiên quá! Choàng tỉnh sau một đêm, tôi thấy mình đã nên khác. Những cánh tay tôi như nặng hơn, thân thể tôi như khác lạ hơn. Tôi mọng nước, xanh nõn nà. Ánh nắng chiếu vào càng làm tôi lung linh.

Ôi, đẹp! Phải chăng tôi đã tìm thấy hình ảnh thật của mình?

Kể từ ấy, ngày sống của tôi trải qua trong rộn rã tiếng cười. Ừ thì tôi sinh ra đã là loài thảo mộc. Ừ, thì tôi không thể vươn cao như cây anh đào. Nhưng ai dám bảo tôi không có nét đẹp riêng. Tôi bắt đầu lấy lại sức sống để chăm chút cho đời mình. Vươn rễ thật sâu vào lòng đất, tôi hút lấy nhựa sống để làm căng tràn những chiếc lá cuộc đời.

Rũ bỏ đi cái bóng dáng ám ảnh của cây anh đào, tôi có cơ hội để được sống thật với mình. Dường như tôi đã tìm được ý nghĩa sống. Dường như tôi đã tìm thấy sự hài lòng trong việc xây dựng hình ảnh của chính mình. Trong từng nhịp sống, tôi lim dim tận hưởng niềm vui của đời mình.

***

Một ngày nọ, bất chợt vang lên đâu đó một thanh âm đều đặn là lạ. Thanh âm ấy mỗi lúc một đến gần tôi. Thanh âm ấy phát ra từ một chiếc máy nhỏ của ông chủ vườn. Chiếc máy lia đến đâu, vạn vật nằm xẹp lép đến đó. Tôi, một cây cúc dại, đâu thể nào được hưởng cái ngoại lệ. Chiếc lưỡi hái rà ngang thân tôi. Xoẹt. Chỉ một tiếng gọn lỏn vang lên. Thế là hết.

Tôi bàng hoàng rã rời.

Chiếc lưỡi hái đi qua, tôi chẳng còn gì khác ngoài một cái gốc trụi lũi.

Tôi đau.

Tôi đã phạm lỗi lầm gì chăng? Xây dựng và tô điểm cho cuộc đời riêng mình thì có gì không đúng sao? Nuôi dưỡng giữa lòng mình nhiều hoài bão là một tai họa sao? Vươn lên khỏi những lè phè thấp kém là một điều xuẩn ngốc sao?

Không. Lại một lần nữa tôi trở về với cái mặc cảm nhỏ nhoi của mình. Tôi chỉ là một trong vô vàn những loài hoa cỏ dại. Tôi có vươn lên cho lắm thì cũng đâu thêm gì cho cuộc sống. Người ta đưa tôi trở lại với cái khởi đầu để tạo nên một sự cân bằng nào đó cho thế giới. Kiếp phù sinh tháng ngày vắn vỏi, tựa như hoa cỏ mọc ngoài đồng. Một cơn gió thoảng là xong…

Dường như tôi đã mất tất cả.

Lặng lẽ. Tôi dằn vặt với những đổi thay của cuộc đời và của chính tôi. Tôi đau đáu mơ về những chiếc lá xanh non đã mất.

Nhưng rồi tôi cũng phải tiếp tục sống. Cho dù có mang trong mình bao nhiêu hoài vọng quá khứ, đâu ai có thể bỏ qua cái trách nhiệm sống với hiện tại. Tôi lại lặng lẽ bám sâu vào đất mẹ để tìm nhựa sống.

Thôi chăm chút cho những cành lá lòa xòa, tôi nhận ra nơi mình những biến chuyển kỳ lạ. Dường như có một sức sống nào đó kỳ bí đang rừng rực chuyển vận giữa lòng tôi. Dường như có một điều gì đó sắp bùng vỡ trong tôi. Không cưỡng lại được mình, tôi lại đâm ra một chồi biếc. Chiếc chồi e ngại vươn lên, vì như vẫn còn đâu đó bóng dáng ám ảnh của chiếc lưỡi hái ngày nào. Nhưng trời xanh trên đầu vẫn luôn là một mời gọi bất khả cưỡng kháng. Từng chút một, chiếc chồi con con lại vươn thẳng lên nền trời.

Vài chú bướm con dập dờn quanh tôi. Giật mình soi lại mình, tôi ngỡ ngàng nhận ra cái màu trắng muốt mịn màng bung ra từ trong chiếc chồi biếc.

Là hoa

Tôi mà cũng có thể trổ hoa sao?

Bao cảm xúc bùng vỡ trong tôi. Trải qua bao mơ mộng rộn ràng với lòng mình, trải qua bao tranh đấu với cuộc đời, trải qua bao thăng trầm của kiếp sống… dường như đã đến lúc tôi để lại một chút gì đó cho cuộc đời. Dường như đã đến lúc tôi dõng dạc tuyên xướng để nói lên mình là một hiện hữu trong cõi đất. Hoa. Nghĩa là bắt đầu mang nơi mình một sứ mạng nào đó.

Mở lòng mình ra để thêm cho đời chút hương sắc, tặng cho ong bướm chút mật ngọt, tôi nhận ra ơn gọi của loài hoa. Những chú ong bướm vô tình lượn lờ lại giúp tôi đi trọn định mệnh cuộc đời mình. Tôi lặng lẽ kết hạt, chuẩn bị cho một chuyến hành trình mới.

Hoài tưởng về những cánh anh đào tả tơi, tôi chợt hiểu hơn về ơn gọi của loài cỏ hoa. Điều quý giá và quan trọng nhất của cuộc sống đâu phải là những cánh phù dung nay còn mai mất. Quan trọng hơn, mỗi cánh hoa đều mang nơi mình một sứ mệnh. Nở rồi tàn chỉ là những cái thể hiện bên ngoài của một tiến trình lặng lẽ mà căn bản hơn. Thế nên héo tàn không phải là tai họa, và mục rã không phải là một dấu chấm kết. Bên dưới mọi biến đổi thăng trầm, sự sống vẫn âm thầm tiếp diễn.

Chiều

Gió

Gió thổi tan tác cánh hoa rơi. Gió mang chút hương hèn của loài cúc dại gởi vào hương chiều thoang thoảng. Gió cuốn theo cả những hạt mầm bay vào giữa cõi đời bao la. Theo gió, những hạt mầm bay đi đến cùng trời cuối đất. Sự sống loài cỏ hoa lại được tiếp diễn và nhân lên trong lòng vũ trụ. Có thể sẽ có những hạt may mắn lọt vào chốn công viên rực rỡ sắc màu giữa bao loài hoa thơm cỏ lạ. Có thể sẽ có những hạt lạc lõng giữa cánh đồng xa. Có thể có hạt mầm nào đó kẹt lại trên vách núi… Mỗi hạt mầm là một sự sống. Dù ở chân trời góc bể nào, hạt mầm đều sẽ đâm chồi nảy nở để bước vào chặng hành trình sống. Cuộc sống là thế. Giữa bao vần xoay biến đổi, giữa bao sóng gió thăng trầm, sự sống vẫn cứ đều đều diễn tiến như một dòng chảy bất tận.

***

Ngày mai nơi xứ lạ, sẽ có một cây cúc dại con con mở mắt tròn xoe ngơ ngác nhìn đời. Sẽ có một cây cúc dại con con đau đáu dệt mộng với trời xanh. Sẽ có một cây cúc dại con con ngỡ ngàng vì những tả tơi bầm dập giữa lòng cuộc sống.

Chỉ những ai dám đi đến cùng chặng hành trình sống mới tìm thấy giá trị và ý nghĩa đời mình. Chỉ những ai dám đảm nhận trọn vẹn sứ mạng, mới được hưởng nếm niềm vui và ánh sáng.

Như loài hoa cúc dại.

Roma 29.03.2009 – Cao Gia An, S.J.

Hoa Phượng Về Trời

Ngày đầu tiên đến trường là lần đầu tiên trong đời con được tận mắt nhìn thấy hoa phượng. Cây phượng già rợp bóng trên khoảng sân vuông nho nhỏ. Những tán phượng mùa thu xanh um. Từ giữa sân trường, con nghễnh cổ nhìn lên khoảng trời trong vắt trên đầu. Khoảng trời bị chia nhỏ bởi một màn lưới mỏng mảnh làm bằng những chiếc lá phượng li ti. Khoảng trời được điểm xuyến lác đác với vài cánh hoa đỏ còn sót lại sau mùa hạ. Những cánh hoa nở muộn thật tội nghiệp. Chúng như lạc lõng giữa mất hút giữa cái nền xanh um mướt rượt.

Ông dẫn con đến lớp. Thấy con cứ trù trừ giữa sân trường, ông hỏi:

–   Sao vậy con? Con tìm gì vậy?

–   Dạ con tìm hoa phượng?

–   Con thích hoa phượng hả?

–   Dạ, con thích lắm… hoa đẹp quá ông ơi…

Ông cười. Nhưng rồi nhìn cái mặt ngơ ngẩn của con, ông nhăn nhăn vầng trán như nghĩ ngợi về một điều gì đó. Chỉ một chút hoa đỏ cũng đủ làm con ngơ ngẩn thế sao? Ừ, lần đầu tiên con thấy hoa phượng mà. Làng mình nghèo. Xóm mình nghèo. Nghèo cả cơm ăn áo mặc lẫn hoa lá cỏ cây. Trên vùng đất đá trộn lẫn với nhau thì làm sao tìm được chút hoa cỏ đẹp đẹp.

–   À, ông ơi, đây có phải là cây hoa đỏ mà mình vẫn thường nhìn thấy từ trong làng mình không ông?… Trong làng mình nhìn ra, con thấy cả một trời rực đỏ…

–   Đúng rồi con ạ… nhưng bây giờ đã là cuối mùa hoa rồi…

–   Vậy những bông hoa phượng khia trốn đi đâu mất hết rồi hở ông?

–   Hoa phượng có trốn đâu, hoa phượng về trời đấy con ạ. Cái gì tồn tại một thời gian ở mặt đất này rồi cũng sẽ về trời hết thôi…

A, hoa phượng về trời. Hoa phượng về trời là đúng rồi. Hoa đẹp thế mà, đáng được về trời lắm.

Ông thường dạy con rằng người ta sống đẹp là để sau này về trời. Trời là nơi chỉ dành cho những điều tốt đẹp. Trời có Chúa tốt lành vô cùng, có Đức Mẹ đẹp thiệt đẹp. Trời còn có có các thiên thần và các thánh không ngừng hát ca và sống hạnh phúc… Trời trong mường tượng của con bây giờ có thêm hoa phượng nữa. Đẹp quá…

–   Ông ơi, chừng nào thì con về trời hả ông?

–   Chưa đâu con ạ! muốn về trời, con phải đi qua trái đất đã…

–   Ông ơi, con mong về trời để được nhìn thấy thật nhiều hoa phượng…

Nhìn cái mặt ngơ ngẩn của con, ông cười. Ông hỏi con có muốn ông dời cây phượng về nhà cho con không. Con ngạc nhiên, cây phượng to thế sao mà dời về nhà mình được hả ông…

Ông dẫn con đi rảo một vòng quanh gốc phượng, chỉ cho con thấy những quả phượng khô nằm rải dưới gốc cây. Quả phượng khô đen đủi cong queo. Con hỏi ông sao cánh hoa đẹp thế kia lại tạo ra những quả xấu xí đến thế? Ông chỉ mỉm cười. Xấu thì sao đâu con. Đâu phải xấu là không tốt, đâu phải đẹp là lúc nào cũng tốt…

Ông và con tách từng hạt phượng nhỏ đem về phơi trước sân nhà. Rồi ông chăm chút cho hạt vào những bọc đất. Ông kiên nhẫn tưới nước đều đều cho bọc đất mỗi ngày… Cho đến khi các chồi cây con con trồi lên trong chiếc bọc. Ông bảo đây là cây phượng con. Ông và con sẽ chăm sóc cho nó lớn để sân nhà mình có hoa phượng.

Cây phượng con lớn lên từng ngày. Con cũng lớn lên từng ngày. Con nóng lòng chờ ngày cây phượng vĩ đơm hoa.

***

Nhưng cây phượng chưa kịp nở hoa thì ông đã đi qua trái đất để về trời. Ngày ông về trời là một ngày mưa dầm rả rích. Cây phượng trước nhà ủ rủ phơi mình trong gió. Ngày đó con còn là một đứa con nít, vô tâm lắm. Thấy họ hàng mình khóc ông, con cũng khóc theo. Nhưng con đâu có biết mình khóc vì cái gì. Con nghĩ rằng ông về trời để chuẩn bị cho một mùa hoa phượng mới. Ông về trời để ươm mầm cho hoa…

Những ngày tuổi thơ bên ông, trong bầu khí quây quần của đại gia đình mình, là những ngày đẹp nhất trong ký ức ngọt ngào của con. Ông mất rồi, đại gia đình chia ly tứ tán mỗi người một phương. Ai cũng có gia đình bé nhỏ của riêng mình. Ai cũng nặng gánh cơm áo. Gia đình con trở thành những người tha phương cầu thực…

Con được tiếp tục học hành nơi phố thị. Trường học ở phố người ta không trồng hoa phượng ông ạ. Người ta tiện tặn tính từng miếng đất. Xây một cái căn-tin thì có giá trị kinh tế hơn là trồng cây hoa phượng. Nền lát xi măng thì sạch sẽ gọn gàng hơn là nền đất cỏ xanh… Trong kỷ niệm tuổi học trò của con không có nhiều hoa phượng. Có phải vì vậy mà hoa phượng cứ mãi đẹp trong con cái vẻ đẹp huyền hoặc của điều gì đó dường như là cổ tích.

Thời sinh viên, con gặp lại cổ tích của mình. Trường sư phạm cổ kính với những gốc phượng già có gần trăm năm tuổi… Con như gặp lại điều gì đó thật thân thương. Nhưng ông ơi, sao con không còn có cảm giác gần gũi nữa. Màu hoa đỏ với con giờ như nửa quen nửa lạ. Có phải vì hoa xứ người thì khác với hoa làng mình? Hay vì con đã lớn, đã không còn ngu ngơ trước cái đẹp một thời hút hồn con? Là dòng đời đổi thay hay là con thay đổi?

Ông ơi, lớn lên con mới hiểu đâu phải điều gì đẹp cũng được trân trọng nâng niu. Lớn lên con mới hiểu rằng hoa phượng không có về trời. Cánh hoa nào cũng chỉ có một thời khoe sắc. Cánh hoa mỹ miều nào cũng phải rơi xuống đất. Không bị gót giày người ta chà đạp thì hoa cũng phải âm thầm mục rữa thối nát với thời gian.

Con nhớ những ngày mưa, xác hoa phượng lẫn với xác lá rơi nhoe nhoét trên sân trường đại học. Con trùm vội chiếc áo mưa, cố chạy cho kịp giờ làm thêm. Cuộc sống sinh viên của con đâu còn có chỗ cho những mơ mộng lãng xẹt như hồi còn nhỏ. Ngắm hoa đâu có giúp gì cho con có cái để ăn, có chỗ để ở, có thể học, có thể sống… Lớn lên, giữa bao bộn bề của cuộc sống, người ta còn mơ gì đến cái đẹp lý tưởng nữa không ông nhỉ?

Rồi con đi vào đời. Dọc lối  đi của con thỉnh thoảng lại xuất hiện vài cây hoa phượng đỏ. Có những lúc con giật mình, như giật mình vì nhìn chợt thấy một bóng dáng quen quen tự thở nào đó. Nhưng rồi dòng đời cũng cuốn con đi… mặc cho màu hoa đỏ cứ bám riết theo con trong nhập nhằng ký ức.

***

Ngày con về thăm quê, hai cây phượng ở góc sân nhà mình nở hoa rực rỡ. Con lặng người. Sao hoa lại đẹp thế ông ơi. Đã biết bao mùa hoa đi qua. Đã biết bao cánh hoa rụng rơi mục rữa dưới gốc phượng già. Những cánh hoa bay về đâu? Hồn hoa tan vào đâu? Mặc cho những cánh hoa mùa cũ qua đi, những cánh hoa mới lại tiếp tục vào đời. Mặc cho những xác hoa cuối mùa cứ âm thầm mục rữa, cây phượng vẫn lặng lẽ tích góp cho đời màu hoa rực rỡ. Những mùa hoa liên tục nối tiếp nhau như một dòng chảy bất tận của sự sống.

Gần ba mươi năm trước ông đã trồng những gốc phượng này. Gốc phượng xum xuê tươi tốt chạy suốt dòng thời gian. Cây phượng già bám rễ sâu vào đất mẹ, xuyên qua những lớp sỏi đá cỗi cằn để đi tìm sự sống. Cây phượng già cứ lặng lẽ mà lớn lên cùng với phong ba bão táp. Từ trong cái nghèo nàn khắc nghiệt, cây phượng đơm hoa rực rỡ. Là hoa quả kết tinh từ làng mình mình đấy, là tinh túy của đất quê mình đấy.

Còn con? Con chạy loanh quanh giữa dòng đời. Con trôi mãi miết giữa quê người xứ lạ… Gần ba mươi năm trước ông đã trồng trong con bao điều tốt đẹp. Những điều ấy đã  trổ sinh được gì nơi con?…

***

Rồi con lại đi, ông ạ. Đây vẫn là quê hương của con, là nơi chôn nhau cắt rốn của con. Nhưng con sinh ra dường như không phải để bám rễ như cây phượng già. Con được sinh ra cho một cuộc sống khác. Con có một con đường khác. Ước mong rằng đó sẽ là con đường dẫn con về trời. Một ngày nào đó con sẽ theo hoa phượng về trời. Con sẽ gặp lại ông. Con sẽ gặp lại cây phượng già rợp bóng.

Con sẽ gặp lại chính mình với những giấc mơ cổ tích của năm nào. Có những điều đẹp thật đẹp nhưng đâu chỉ là cổ tích. Vì trong con, ông đâu chỉ là cổ tích…

Roma – 09.06.2009

(Cao Gia An, S.J., Hoa Phượng Về Trời, Nxb Tổng Hợp, TpHCM 2014, tr. 88-96)

%d bloggers like this: