Cái Đèn Lon Bia Ấy

“Trên đống thừa mứa của những cuộc vui
có những con người đi tìm sự sống…

 

Thằng anh lớn đi học về
nhặt vội
những vỏ lon bia
len lén dấu niềm vui…
Một đàn em toe toét nụ cười
Đêm Trung Thu
lon bia làm đèn rước

Quán đầu thôn
tiếng bia khui lốp bốp
Tùng dinh dinh
bầy trẻ nhỏ vui trăng
Con lân múa trong ánh sáng Chị Hằng
Đoàn đèn rước có đèn lon sáng toả…

“Về đi em, chơi vui cùng ba má, 
nắm áo anh chơi rồng rắn lên mây!”
Cô bé út sợ tắt ngọn đèn cày
Bị chủ bắt đem giam vào lòng mẹ

Đêm trung thu đèn muôn màu muôn vẻ
Cái đèn lon lặng lẽ một niềm vui
Tạ ơn Chúa cho con những nụ cười
Cảm ơn anh, mình nghèo mà không thiếu!

Cái đèn lon tầm thường mà huyền diệu
bầy trẻ nghèo vui đón tết trung thu.
Quán đầu thôn vẫn chén tạc chén thù
đèn vẫn sáng, cái đèn lon bia ấy!

Mic. CDV
(Thơ của Ba)

Advertisement

Lỗi Hẹn Với Sông Quê

 

“Bên bờ Tevere
nhớ về những dòng sông thơ ấu…

Ta bỏ dòng sông đi biền biệt
Gác lại sau lưng những nguyện thề
Ta giữa dòng đời trôi mãi miết
Thôi đành lỗi hẹn với sông quê

Ta nhớ mùa này hoa sim tím
Dọc triền sông vắng nắng mênh mông
Ta nhớ khi chiều tàn nắng lịm
Sông chìm trong sương khói bềnh bồng

Ta nhớ tiếng chim chiều gọi bạn
Sau ngày dài mỏi cánh hoang phiêu
Ta nhớ trong sương chiều bãng lãng
Rưng rức lòng ta tiếng sáo diều

Ta nhớ dáng người khuất bên sông
Ta đi, trên con nước bập bồng
Sông nước chiều quê buồn tê dại
Thuyền ta lạc bến nhớ long đong

Ta bỏ dòng sông đi biền biệt
Vẫn nghe bao thổn thức ngập lòng
Nghe sóng hồn quê dâng da diết
Chảy tràn kí ức ngập tình sông

Chiều nghiêng, con nước chảy ngược dòng
Có người lữ khách lặng bên sông

Roma – 2009
Cao Gia An, S.J.

Mọi Dòng Sông Đều Chảy

 

Bạn gọi điện lúc đã 10 giờ tối:

– Giờ này ông rảnh hông?

+ Rảnh. Chi?

– Đi chơi

+ Đi đâu?

– Xuống phố

+ Ngay bây giờ á? Trời đang mưa mà!

– Mưa nhỏ xíu mà. Chỉ đủ để lãng mạn chứ hổng đủ làm ông lạnh đâu!

+ Trời !!!! Nhiễm cái kiểu lãng mạn lãng xẹt của tui hồi nào vậy?

– Hồi nào kệ tui… Đi không?

+ Đi. Gặp ở đâu?

– Bờ sông nhé!

+ Ừa, mấy giờ?

– Hì hì… Tui đang gọi cho ông từ ngoài bờ sông nè!

———-+———-

Dòng sông ấy có trước con phố. Sông lặng lẽ chảy từ ngày phố còn là ngôi làng nhỏ vô danh. Sông nối liền ngôi làng nhỏ và thế giới bên ngoài. Người ta dựng nhà, họp chợ dọc hai bờ sông. Những đoàn tàu đến. Những chuyến tàu đi. Sông giúp ngôi làng mỗi ngày thay da đổi thịt.

Rồi một ngày ngôi làng nhỏ lên phố. Hai dãy phố song song chạy dọc đôi bờ sông. Người ta bắt cầu qua sông. Người ta xây tường ngăn cách để phân chia ranh giới rõ ràng giữa sông và phố. Người ta uốn dòng chảy của sông để sông không còn ăn sâu vào phố. Sông vẫn miệt mài một dòng chảy. Lặng lẽ. Đìu hiu.

Mùa trăng tròn. Nước triều dâng. Nước cuộn ầm ào chảy vào lòng sông. Sông ngập đầy nước, vỗ bờ ì oạp. Nhưng còn xa phố lắm…

———-+———-

Bạn ngồi đó, nhỏ nhoi và cô độc. Dưới chân bạn dòng sông đang ầm ào cuộn chảy.

+ Sao buồn hiu vậy? Nhớ người iu hả?

– Hông, nhớ nhà…

+ Đuối rồi hả?

– Ừ, hơi đuối

+ Sợ chưa?

– Tui mà sợ á…

+ Ừ, thì không sợ…  Mà thiệt tình, đã nhớ nhà còn ra sông ngồi nữa!

Nói vậy thôi, chứ nó biết khi nào nhớ nhà thì bạn mới có giờ dành cho sông. Giữa dòng xoáy bộn bề của công việc và học hành, dễ gì có được một khoảng lặng như thế. Nó biết bạn thích sông vào mùa này, khi con nước tràn bờ, sông rừng rực sức sống. Bạn nói sông như vậy mới là sông.

Bạn đến từ một đất nước xa lạ, nơi có cánh rừng già bạt ngàn và dòng Amazon hùng vĩ. Sông quê bạn mênh mông vì được tự do an nhiên giữa bạt ngàn rừng núi. Sông ồn ào năng động như chính cái vũ điệu Samba đã ăn sâu vào máu thịt của những con người xứ bạn.

Vậy mà bạn lại dứt áo ra đi, để làm một con người lặng lẽ nơi xứ này. Rồi lâu lâu lại thẩn thờ bên dòng sông nhỏ, giữa lòng phố lạ. Người ta nói bạn liều. Con gái, một mình nơi xứ lạ, không quen không biết ai hết. Vậy mà đi! Người ta nói bạn lì. Gia đình cản chân. Bạn bè không khuyến khích. Vậy mà bạn vẫn đi! Con đường tương lai phía trước là của riêng bạn. Bạn nói dòng sông ở quê đã dạy bạn được một điều: Mọi dòng sông đều chảy! Đời bạn là một dòng sông.

– Sao có nhiều lúc tui ghét cái thành phố này ghê. Nó xa lạ với tui quá…

+ Ừa

Nó biết tại sao bạn ghét mà. Đúng ra, thành phố không quá khắc nghiệt với đời sống của những người xa lạ, nhưng cũng không hề nồng nàn đón tiếp. Ai đến cứ đến, ai đi cứ đi. Phố chẳng bận lòng, chẳng giữ chân ai cả.

– Tự nhiên tui muốn về nhà quá

+ Ừa…

– Mà may ghê, sao tui lại quen ông ở cái thành phố này ha!

+ Ừa…

– Gì ừa ừa hoài. Ừa là sao?…

Thì ừa là ừa chứ biết nói sao giờ! Nó cũng đâu có biết tại sao mình lại gặp bạn ở đây. Nó cũng là khách lạ như bạn thôi mà! Cuộc đời nó cũng là một dòng sông. Mọi dòng sông đều chảy mà!

Bạn ạ! Chúng mình đều là những kẻ đi tìm tương lai. Tương lai luôn còn ở phía trước. Rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi mà, phải không? Dù chỉ là những khách lạ giữa lòng phố, chúng mình đâu có lướt qua nhau. Chẳng phải cái vẻ xa lạ của phố đã kéo chúng mình lại gần với nhau thật gần đó sao?

Rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi mà, phải không?

Roma – Mùa Trăng 2008

Lên Tivi

Nhớ lần đầu tiên nó được lên Tivi, thích ơi là thích!

Hồi đó nó học cấp 2, đại diện trường để lên tỉnh thi tiếng hát học sinh trung học. Đứng trên sân khấu, nó thích nhất là lúc được khán giả vỗ tay. Nó thấy lạ, vì những người không quen không biết tự nhiên lại vỗ tay cho mình. Vui ơi là vui! Vui hơn nữa khi trong số những khán giả ấy có một số bạn bè thân thiết của nó. Cổ động viên của nó là nhóm gần chục đứa bạn thân. Nhóm này đi đâu cũng quậy. Đi cổ võ cho nó trên sân khấu thì càng quậy ác chiến. Hồi đó, để lên tỉnh, tụi nó phải dậy thật sớm đạp xe đạp gần 4 tiếng đồng hồ. Tụi nó chuẩn bị cả đêm rồi xách theo đủ thứ, nào là cái băng rôn dài nhằng với dòng chữ đỏ chót, cái trống tùng xèng mượn được trong trường, mấy cái dây vải làm khăn quấn đầu… Cả nhóm vui như một ngày hội.

Trên sân khấu, nhìn xuống những cánh tay vẫy vẫy nó như thấy mình được thêm lửa, hát khí thế hơn…

Về nhà, xem lại trên Tivi buổi lễ phát giải, nó thấy mình chìm ngợp giữa vòng vây của bạn bè. Trên cổ nó là cái vòng hoa dâm bụt, lá nhiều hoa ít, héo queo vì phải chờ từ sáng tời tối mới tới được với cái cổ của nó.

Nó chỉ nhận ra mình qua cái kiểu cười ngoác miệng rộng tới mang tai. Xấu hoắc. Mà vui!

—–o0o—–

Lớn lên. Nó đi làm xa, chẳng có nhiều bạn bè gần gũi để cổ vũ, cũng chẳng có nhiều người để vỗ tay. Khi nào thất bại thì phải tự mình rút kinh nghiệm cho những lần sau. Khi nào thành công thì một mình mỉm cười với mình. Cười cho tới khi thấy dư vị của thành công trở nên nhạt nhẽo, thì thôi!

Tuần rồi nó lại lên Tivi.

Hình như người lớn mà muốn lên Tivi thì khó hơn trẻ con nhiều lắm. Để nói trên Tivi, ít ra nó phải báo trước cho người ta biết rõ là nó sẽ nói cái gì. Rồi nó phải chuẩn bị kỹ càng. Nghĩa là cứ ôn đi ôn lại những điều mình sẽ nói cho tới lúc nhuyễn như cháo! Nó cũng phải dự phòng mọi tình huống bất trắc, phải tưởng tượng ra đâu là những điều bất ngờ mà người ta có thể hỏi.

Một mình, tự nhiên tất cả những chuẩn bị ấy cứ nhạt nhạt thế nào…

Vào trường quay, ba lão quay phim, một lão đạo diễn, và nó. Ông đạo diễn hỏi: Sẵn sàng chưa ? Nó lạnh lùng: Ok ! Rồi: action ! Những cái đèn pha chiếu thẳng vào mặt nó. Ba cái máy quay tập trung vào nó. Nó mở miệng, khua tay và bắt đầu áp dụng tất cả những gì mà môn học về truyền thông đã dạy mình!

—–o0o—–

Từ nhỏ tới lớn, trong môi trường giáo dục của mình, nó chỉ được dạy cho khoanh tay mỗi khi nói. Truyền thông dạy nó phải làm khác. Người ta phải biết sử dụng trọn vẹn cả con người mình trong lúc nói năng. Chẳng hạn để khẳng định một điều thì người ta nắm tay lại. Để thể hiện sự ngây thơ của mình thì người ta ngửa hai tay lên, dang ra, rồi nhún vai một cái. Để tạo sự đáng yêu, người ta hơi hất cái đầu nghiêng nghiêng qua một bên… Truyền thông cũng dạy cho nó biết phải xuất hiện trước mắt người ta như thế nào, phải thể hiện như thế nào khi đối diện với từng cái máy quay phim: một cái quay ở chính diện, một cái quay ở một góc, một cái cận cảnh… Dường như nó phải làm chủ toàn bộ các chỉ điệu bộ từ giọng nói, nét cười, đến một cái khua tay và kể cả một cái nheo mắt. Để làm người của công chúng, dường như nó phải là một diễn viên hoàn hảo.

Nó không quen đóng kịch. Nó càng không phải là người theo chủ nghĩa hoàn hảo. Cứ quay, cứ dò, và người ta sẽ tìm thấy nhiều sai lỗi nơi nó. Con người mà, sao hoàn hảo được. Thế mà hình như cứ mỗi khi lên Tivi, phải xuất hiện trước nhiều người, người ta lại bị đòi trở thành hoàn hảo. Không được thì người ta lại vờ như mình hoàn hảo.

Về nhà, xem lại đoạn phim, nó thấy mình trở nên khác ghê!

Tự nhiên nó thèm nhìn lại hình ảnh của mình ở lần đầu tiên xuất hiện trên Tivi: một thằng nhóc cười ngoác miệng tới mang tai, cái mặt nhăn nhăn, hai con mắt nhắm tít thò lò… Xấu hoắc. Mà vui!

Roma – 2009
khoá học truyền thông đầu tiên
Greogoriana-Radio Vaticana-CTV

Tình Thơ Cho Những Bóng Mây

“Bàn tay làm sao níu
một thời và đi qua?
Bàn tay làm sao giữ
một thời yêu thiết tha?…”
(Trầm Tử Thiêng, Tưởng Niệm)

 

Còn muốn viết chút gì tha thiết lắm
Cho những người như những bóng mây qua
Cho những gì còn đọng lại trong ta
Cho khung trời đã mờ phai sương khói

Còn muốn nói chút gì chưa kịp nói
Đã tan vào miền cô tịch lặng câm
Còn muốn nghe vọng lại chút dư âm
Từ những nghĩa những tình chưa trả hết

Như vẫn biết lòng mình còn tha thiết
Sau lưng còn vọng mãi tiếng bàn chân
Như vẫn biết tình còn chưa tận tuyệt
Đời còn vương víu mãi những lần khân

Những con người như những chuyến xe qua
Đời góc phố chỉ mình ta đứng lại
Những gì đã qua là qua mãi mãi
Những bóng mây tan có hợp lại bao giờ…

Còn lại chút gì, ta gởi vào thơ
Cười khóc với những chuyện đời tan hợp
Để bàn tay nâng niu tích góp
Thành trong ta những dung mạo hình hài

Thành tình thơ cho những bóng mây bay
Thành lời thơ tạ ơn đời độ lượng
Để không còn những buộc ràng bận vướng
Ta thả hết vào đời, để gió cuốn đi…

Băng ngang mùa hội ngộ chia ly
Ta giữ lại tấm tình người. Rất ấm!

Đan Mạch 06.09.2015

Núi

Chiếc xe chuyển bánh rời khỏi chân núi vào khoảng giữa chiều. Tôi ngoái đầu nhìn lại cho đến khi đôi tháp chuông nhà thờ khuất dần trong mảng sương mờ. Tạm biệt núi. Tạm biệt mây. Tạm biệt khoảng trời bao la trên đầu và vùng không gian bát ngát trước tầm mắt. Tạm biệt đồi cỏ hoa. Tạm biệt bờ lau lách. Tất cả đã đọng lại trong tôi một ấn tượng thật khó quên.

***

Tôi lỡ mê núi từ hồi còn nhỏ. Ở quê tôi, núi là điều gì đó thật gần gũi hiển nhiên nhưng lại ẩn chứa lắm điều xa xôi bí ẩn. Sáng tinh sương, bóng núi hiện lên như một bức tường cao sừng sững, dần tiến gần đến che chắn cho ngôi làng nhỏ. Chiều nắng tàn, bóng núi lờ mờ dần khuất phía xa xa sau màng sương mỏng mảnh. Như như mơ thực. Như có như không.

Rồi tôi đi xa. Tất cả chìm vào trong ký ức. Bóng núi càng thêm lung linh huyền hoặc trong những giấc mơ và thảng hoặc xuất hiện thật tự nhiên trong những dòng suy tư của tôi. Có những lúc lang thang giữa phố người, thoáng thấy một dáng núi, tôi cứ đứng ngơ ngẩn như kẻ bị mất hồn…

Tôi mê núi, vì núi âm trầm mà bền bỉ, vì núi lặng lẽ mà ngợp tràn nhựa sống. Những ngày trời đất chuyển mùa, rừng cây vội vàng trút lá bỏ lại dáng núi trần trụi trong cái nghèo nàn xấu xí. Nhưng chỉ vài ngày sau, núi lại bừng bừng nhựa sống với màu xanh mơn mởn của lá non. Những ngày giông bão, rừng cây ngả nghiêng tơi tả, dáng núi xơ xác hoang tàn. Nhưng cũng chỉ vài ngày sau, núi lại điềm nhiên với nhịp sống lặng trầm vững chãi. Bất chấp mọi phong ba bão táp, núi vẫn vươn lên chót vót với trời cao.

Tuổi thơ của tôi quen với nhiều đổi thay khi ngôi làng nhỏ chuyển mình lên thị trấn. Những cánh đồng lúa bao la trở thành nơi tọa lạc của khu nhà máy xí nghiệp. Con đường làng nho nhỏ cong cong được uốn lại bằng phẳng thẳng tắp. Những lũy tre xanh ngút ngát bị chặt bỏ không thương tiếc. Những cánh rừng nhỏ bị phát quang để biến thành khu đất trồng cây công nghiệp. Những dòng suối nhỏ được lấp bằng. Nhiều người đổi thay nhanh chóng trong cung cách ăn mặc nói năng. Nhiều gia đình biến động đổ vỡ trước sức tấn công của nhịp sống mới…

Chỉ có dáng núi xa xa vẫn đứng điềm nhiên giữa bao thăng trầm biến đổi.Ngày về, chỉ còn có núi chào đón tôi như một người bạn thân quen.

***

Lang thang thế nào, tôi lại dừng chân ở một ngôi làng nhỏ nằm miền Nam nước Pháp. Ngôi làng như một lòng chảo lọt thỏm trong vùng đồi núi liên hiệp của dãy Alpes. Ngôi làng xa lạ, nhưng bóng núi bao bọc chung quanh lại cho tôi cảm giác thật thân quen.

Từ dưới phố nhìn lên, dãy núi sừng sững như một tấm phông nền được che phủ kỳ bí bởi những lớp sương mù. Con đường lên núi quanh con uốn khúc. Đường dốc mỗi lúc một lên cao, mỗi lúc một mở ra một không gian bạt ngàn khoáng đãng.

Hồi còn là một chú nhóc, bao giờ tôi cũng đến với núi bằng cách chạy lên ào ào. Tôi thích gặp gỡ thật nhanh chóng, tôi muốn đến với núi thật vội vàng. Càng lớn, bước chân tôi lên núi càng chậm hơn. Tôi biết niềm vui không chỉ nằm trên đỉnh núi. Mỗi bước chân đi lên là thêm một khoảng trời bạt ngàn được mở ra trước mắt. Mỗi nhịp tiến bước là thêm một khoảng không gian kỳ bí được khai thoáng trên đầu.

Nhưng lúc nào cũng thế, chỉ sau vài bước chân, tôi đã nhận ra sức nặng của chính tôi. Sức nặng ấy trì kéo tôi lại. Sức nặng ấy không dễ gì cho phép tôi vươn lên cao cách dễ dàng. Mỗi bước chân đi lên, tôi cảm nhận rõ hơn sức nặng ấy. Mỗi bước chân đi lên, tôi mang theo cả sức nặng của chính mình.Từng bước một, tôi leo lên đỉnh núi.

Tôi thích lắm cái cảm giác được đứng trên đỉnh núi. Chỉ một mình tôi giữa bát ngát bao la. Tôi như nằm ở tâm điểm hội ngộ giữa giữa trời và đất, giữa bé nhỏ và mênh mông, giữa một hiện hữu mỏng mảnh vô danh và một vũ trụ vô biên vô cùng…Trên đỉnh núi, mọi sự như bé lại trong mắt tôi. Xóm làng bao la trở nên như một ô cờ nhỏ nằm gọn lỏn trong khoảng đồng trải rộng dưới chân. Những mái nhà nho nhỏ như những chấm trên nền xanh um của đồng bằng. Những lọn khói bốc lên từ mái nhà như những sợi sương mờ mỏng mảnh.

Núi ở ngôi làng này cho mình nhiều cảm giác khác lạ. Thay vào cánh đồng lúa là những vườn ô liu xanh ngút ngàn. Thay vào bao mái nhà tranh liêu xiêu là những khu nông trại mênh mông. Lác đác, những ngôi tháp chuông nhà thờ vút cao rải đều khắp các làng mạc thôn xóm.

Núi bao giờ cũng mở ra trước mắt tôi một khoảng không gian bình yên và lắng đọng. Núi nâng tôi lên để tôi được chiêm ngưỡng một thế giới rộng hơn, thoáng đãng hơn, và đẹp hơn nhiều so với thế giới tù đọng và bé nhỏ thường ngày.

Vì cuộc sống hào nhoáng mà luôn ngầm chứa những đổi thay bất ngờ, tôi cần một điều gì đó lặng trầm mà bền bỉ, nhẹ nhàng mà kiên vững.

Vì cuộc sống có quá nhiều tầm thường thô tục, mình luôn cần được mời gọi thôi thúc để hướng lòng thanh thoát vươn cao.

Vì đôi chân con người quá ngắn ngủn, vì sức vóc con người quá giới hạn, tôi  luôn cần được nâng lên.

Vậy nên cứ mãi mê núi…

Gap – Hè 2009.2015

Khoảng Trống

“Hội ngộ rồi chia ly
cuộc đời vẫn thế,
dẫu là mặt trời nồng nàn khát khao
hay đêm mịt mù lấp lánh ngàn sao…”
(Phú Quang, Điều Giản Dị)

 

Ta về gặp khoảng trống
Chỗ hôm nao người ngồi
Nghe gió chiều xao động
Chông chênh một khoảng trời

Bao điều chưa nói kịp
Đã bay thành mây bay
Duyên đời buông lỡ nhịp
Rụng rơi mùa chia tay

Dòng đời ta lặng quá
Như sông lười lĩnh trôi
Người như cơn gió lạ
Khuấy lên bao bồi hồi

Ta về gặp khoảng trống
Chỗ hôm nao người ngồi
Thấy đời sao quá rộng
Giữa cuộc trần nổi trôi

Gặp gỡ rồi chia phôi
Chút duyên trần ngắn ngủi
Đường thì còn xa xôi
Còn ngút ngàn cát bụi

Người thì còn rong ruổi
Giữa cuộc trần thênh thênh
Có chút gì đọng lại
Giữa lòng đời lênh đênh?…

Ta về gặp khoảng trống
Chỗ hôm nao người ngồi
Gặp chút gì đọng lại
Giữa lòng ta bồi hồi

Gặp chút gì đọng lại
Giữa mênh mang tình người

Hamburg Flughafen – 07.09.2015

Vá Lại Những Mảnh Đời

Cứ mỗi tối thứ bảy, mình lại được đi “ngủ bụi”.

Hành trình “ngủ bụi” bắt đầu bằng việc ra khỏi căn phòng ấm cúng, rời khỏi căn nhà tiện nghi, ra khỏi thành phố hoa lệ quen thuộc. Chuyến xe lửa dài gần một tiếng đồng hồ đưa mình băng từ cái lấp lánh thị thành, vào cái lặng lẽ tĩnh mịch của màn đêm, đến cái hoang vu tách biệt của vùng thôn dã. Một tiếng đồng hồ về thời gian cho mình một khoảng cách đủ xa về không gian, để bước vào một mảng tách biệt của xã hội, đi vào một góc lặng lẽ của những hoàn cảnh sống đặc biệt.

Gió đêm lùa xào xác. Tiếng côn trùng rỉ rả. Tiếng chó sủa vọng vang.

Căn nhà ấy là tổ ấm của rất nhiều thiếu nữ. Họ đến từ nhiều miền đất khác nhau của thế giới. Ngôn ngữ họ sử dụng là tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, một ít tiếng Ý và vô số những ngôn ngữ mẹ đẻ khác nhau.

Họ từ những đau khổ lớn lao mà đến.

Có những người lớn lên trên vùng hoang mạc sỏi đá cỗi cằn. Lòng họ luôn ăm ắp một khát vọng xanh: màu xanh của cây cỏ, nàu xanh của nước biển, màu xanh của bầu trời bình yên, màu xanh của cuộc sống. Tuổi thơ của họ trải qua với một niềm chờ đợi duy nhất: chờ ngày họ đủ lớn và đủ mạnh để có thể đi băng qua sa mạc, để đi tìm cuộc sống ở một nơi nào đó đáng gọi là cuộc sống. Như những người trẻ đầy nhiệt huyết và đầy lòng khát khao về một cuộc sống tốt đẹp hơn, họ dắt nhau ra đi. Sa mạc và cuộc sống là hai mảng đối kháng nhau đến kỳ cùng. Để đến với cuộc sống, họ phải băng qua sa mạc. Nóng và mệt vào ban ngày, đói và lạnh vào ban đêm… tất cả chừng như là những thử thách để xem họ có đáng bước vào miền Đất Hứa của cuộc sống không. Châm ngôn sống của họ ngày ấy chỉ đơn giản là đi về phía trước. Khi hiện tại không cho họ cuộc sống, họ sẽ ra đi để tìm cuộc sống phía trước. Họ phải đi bao lâu còn đi được, để không phải chôn mình vĩnh viễn trong cái hiện tại khắc nghiệt này. Đã có rất nhiều người trong số bạn bè của họ tàn sức kiệt lực và chấp nhận vùi thây trên cát nóng.

Có những người sinh ra và lớn lên trong tiếng bom đạn. Trước mắt họ, chừng như không có một ranh giới rõ nét nào giữa sự sống và cái chết. Nhà cửa, vườn tược, ruộng đồng… tất cả chỉ là tạm bợ. Mọi thứ tàn hoang đổ nát chỉ sau một tiếng bom rung. Họ ra đi, băng mình vào lòng biển trên những chiếc tàu tạm bợ. Tất cả những gì họ có thể làm được là bám mình vào bất cứ thứ gì có thể bám được và để cho mình trôi đi trong sự dập vùi của sóng gió và bão biển. Số người đến được đất liền là con số ít ỏi so với những người đã vùi mình giữa lòng biển khơi.

Sau biển cả và sa mạc, lúc tưởng rằng đã gặp được cuộc sống thích đáng, họ lại vô tình rơi vào vòng xoay chuyển của những bàn tay con người nơi phố thị phồn hoa. Lòng người có khi còn hãi hùng hơn sa mạc, và đáng kinh sợ hơn biển cả. Họ bị biến thành những món hàng, thành những nô lệ để phục vụ cho nhu cầu dã thú của những con người. Hết người này đến người khác, hết nơi này đến nơi khác. Cho đến khi không còn chịu đựng được nữa, họ vùng dậy, chạy trốn trong đêm.

Cuối cùng thì cũng có một xó xỉnh nào đó trên thế giới này chịu dang tay đón nhận họ và xem họ là những con người. Trên chuyến hành trình dài dằng dặc tưởng như không có khúc kết, họ vô tình gặp được Tổ ấm ấy, nơi được dựng nên cho những con người như họ.

Chưa có một người nào trong số họ có thể kể lại trọn vẹn những vùi dập mà cuộc sống dành cho họ. Những giọt nước mắt nóng hổi tôii thay họ tất cả… Nhiều người đã kiệt sức khi đến được nơi họ muốn đến. Những thương tích mà họ phải lãnh nhận dọc đường quá lớn, cứa vào tâm hồn họ những ám ảnh khôn nguôi, theo họ vào cả trong những cơn ác mộng hãi hùng. Với một số người, niềm tin vào con người đã bị đập vỡ tan tành trong lòng họ, khiến họ trở nên nghi ngờ và e sợ ngay cả với những người đã dang rộng vòng tay đón nhận họ vào tổ ấm. Một số người luôn thủ sẵn trong mình những con dao nhỏ, sẵn sàng đâm vào bất cứ người đàn ông xa lạ nào dám đến gần họ.

Nếu không được giới thiệu như là một thành viên trong nhóm những người đã cưu mang họ, chắc chắn mình đã không thể nào bước chân vào căn nhà ấy. Mình đến nơi này vào mỗi tối cuối tuần, nhận lời nhắn nhủ của người chịu trách nhiệm: Hãy cho họ cơ hội để sống lại niềm tin rằng dù sao trên thế giới này vẫn còn có những con người tử tế. Sự tử tế ấy cần được diễn tả đúng cách, nghĩa là mình phải đủ tinh tế để tôn trọng một số điều tế nhị: không chủ động gợi lại quá khứ của bất cứ một người nào, nếu không phải là họ chủ động mở ra; đối đãi với họ bằng tình thương dành cho những người bạn chứ không phải bằng lòng thương cảm dành cho những nạn nhân; giữ một khoảng cách thể lý nhất định trong khi giao tiếp.

Những ngày đầu tiên, mình chấp nhận cái nhìn thăm dò soi mói và nghi ngờ của họ, lặng lẽ làm trọn vai trò của một người gác cổng. Dần dần, một số người bắt đầu mỉm cười và ra dấu chào hỏi mỗi khi gặp mình. Tất cả diễn ra trong lặng lẽ chậm chạp. Sau nửa năm, mình không còn là kẻ lạ khiến họ phải e dè, nhưng dần được chấp nhận giữa họ như một người bạn.

Khi biết rằng nhiều người trong số họ thích lửa, mình đề nghị đốt lên một đống lửa ngoài sân vào mỗi tối cuối tuần. Bên đống lửa bập bùng, với cây đàn Guitar, ống sáo và chiếc Harmonica, mình thả cho tiếng nhạc nhè nhẹ… Cũng có những đêm mình chỉ đốt lửa lên để tạo một bầu khí lặng lẽ nhưng ấm áp. Nhiều người ngồi vây quanh, chỉ để nghe tiếng lửa kêu tí tách. Ánh lửa bập bùng phảng phất trên những khuôn mặt lặng lẽ, trên những ánh mắt lặng lẽ. Có lẽ đó là tất cả những gì họ cần: một khoảng lặng đủ an toàn để họ có được cái cảm giác buông mình mà không phải phập phồng lo sợ.

Đêm. Họ thả rơi tất cả, yên tâm ngủ ngon vì dám tin rằng chung quanh họ là những con người tử tế. Ấy là tổ ấm, ấy là nơi những mảng đời được vá lại. Trong cái thinh lặng bình yên ấy, những tổn thương trong tâm hồn họ được chữa lành cách âm thầm, những niềm tin vụn vỡ dần được phục hồi.

Khi ánh sáng của tình người dọi vào tới những góc rừng thâm u trong lòng họ sau mùa giông bão, những chồi non lặng lẽ vươn lên, hứa hẹn một cuộc sống mới, một sự tái sinh mới trong tình người.

Kỷ niệm một năm với Centro Astralli

Roma – 2013

Nỗi Buồn Chia Hai

“Một lần gặp gỡ
đã như quen thuở nào…”
(Ngô Thuỵ Miên, Bản Tình Cuối)

 

Có một ngày bình thường lắm
Mình gặp nhau giữa đường trần
Hai mảnh đời xa đến vậy
Tự nhiên xích lại thật gần

Nỗi buồn ta dài như gió
Trôi lang thang suốt một đời
Nỗi buồn người sâu như cỏ
Chẳng làm sao nói cạn lời

Ngày hai nỗi buồn gặp mặt
Chẳng cần câu chữ dông dài
Đã thấy gần nhau rất thật
Đã thấy rất nhiều nguôi ngoai

Trong tiếng thở dài phảng phất
Chừng như có tiếng lòng mình
Trong ánh mắt buồn ẩn khuất
Có nỗi niềm ta lặng thinh

Ngày hai nỗi buồn gặp mặt
Chỉ tình cờ lướt qua mau
Mà tự nhiên như sắp đặt
Mình gặp mình giữa đời nhau

Ta cám ơn duyên kỳ ngộ
Theo ta muôn dặm đường dài
Gom hai nỗi buồn một chỗ
Thành một nỗi buồn chia hai

Hamburg 07.09.2015

Những Nhát Búa Cuộc Đời


Đời tặng con một nhát búa
Đột nhiên giáng xuống lạnh lùng
Thả con mặc tình giãy giụa
Bao mảnh đời vụn vỡ tung

Những nhát búa đời nện xuống
Phù lên những vết dập bầm
Những vệt roi hằn oan uổng
Giữa dòng đời chảy vô tâm

Những nhát búa đời nện xuống
Trên thân phận rất mỏng dòn
Cuộn xoay như dòng nước cuốn
Thản nhiên vùi dập đời con…

Khi nhát búa đời nện xuống
Xé tan mộng điệp phù sinh
Vỡ toang những gì mục ruỗng
Trả lại đời con nguyên trinh

Khi nhát búa đời nện xuống
Thêm bao vết sẹo lăn tròn
Như dấu ấn đời nhào nặn
Làm nên trọn vẹn đời con

Đời con là thanh sắt nguội
Tình Ngài hun nóng từng giây
Những nhát búa đời nện xuống
Luyện con nên mới mỗi ngày

Cao Gia An, S.J.
Roma – 10.2011

%d bloggers like this: