Chảy Đi Sông Ơi…

Cảm giác như có ai đó đang bước sau mình, hắn ngưng bặt tiếng hát.

– Xin lỗi, có phải mình làm bạn giật mình? – từ phía sau, cô bé tóc vàng lên tiếng.

+ À… không…

– Sao bạn không hát tiếp đi, đang hay mà !

+ Bạn hiểu mình hát gì sao?

– À, không, mình không hiểu ngôn ngữ bạn hát, nhưng mình cảm được nhiều tâm tình trong bài hát của bạn.

+ Bạn giỏi ghê ! Ah, có phải bạn là cô bé chiều chiều hay ngồi trên thảm cỏ bên bờ sông không?

– Phải và không phải. Mình là người chiều chiều hay ngồi trên thảm cỏ bên bờ sông, nhưng thật tiếc mình không còn là cô bé! Còn bạn, bạn là cậu bé chiều chiều hay thơ thẩn trên con đường cong cong này, và lâu lâu lại hát một mình, phải không?

+ Ừa, bạn đúng cả hai. Nhưng mà để mình đoán xem nhé, chắc là bạn nhỏ tuổi hơn mình đấy!

– Ừa, nhưng mà mình già hơn bạn…

+ Tại mình cười nhiều. Còn bạn, mỗi khi gặp bạn ngoài này mình thường thấy mặt bạn buồn rũ rượi. Nhăn nhăn cái mặt hoài nên mau già là đúng rồi…

Đó không phải là lần đầu tiên họ gặp nhau, nhưng là lần đầu tiên họ nói chuyện với nhau. Một cánh cửa nho nhỏ vừa mở ra.

***

Lần thứ hai.

– Bạn thường ra sông mỗi khi buồn hay vui?

+ Mình chỉ ra sông mỗi khi thích. Chẳng để ý là buồn hay vui nữa. Còn bạn?

– Mình không biết, tâm hồn mình dường như lúc nào cũng chỉ có cùng một tâm trạng, chẳng buồn cũng chẳng vui, chẳng biết mình muốn gì nữa…

+ Bạn yêu dòng sông này lắm phải không?

– Không, hoàn toàn ngược lại!

– Vậy thì lạ thật đấy

– Mình ghét sông lắm. Sông có gì hay đâu mà thích chứ !

+ Vậy sao bạn hay ra ngồi đây?

– Thì nói rồi đó, mình không biết! Bạn nghĩ xem, trên đời này có điều gì bội bạc và xấu xa như dòng sông không?

+ Sao lại thế?

– Chẳng bao giờ dòng sông biết đứng lại. Bạn có thể ra ngồi bên dòng sông cả ngày như thể hai người bạn. Thật ra chỉ có bạn đứng lại, dòng sông thì cứ mãi lao mình về phía trước.

+ Đó chẳng phải là ơn gọi của dòng sông sao?

– Dòng sông mà cũng có ơn gọi sao? Bạn lãng mạn quá nhỉ! Còn mình thì khác. Tại sao dòng sông không dám dừng lại bạn biết không? Tại vì dòng sông đã ngầm chứa nơi mình quá nhiều cặn bẩn và rác rến. Chỉ cần dừng lại là bao nhiêu điều xấu xa sẽ trào lên trên bề mặt. Vậy nên nó cứ phải lao mình đi. Ra đi để che dấu. Ra đi để cố công giữ cho mình chút gì đó đẹp đẹp…

+ Bạn có khắt khe quá không?

– Nếu có, bạn không phải là người đầu tiên nói câu đó với mình…

+ Bạn nghĩ xem, rác rến của dòng sông từ đâu mà có… Chẳng phải rác rến là những cái bên ngoài người ta ném vào lòng sông sao? Nói cho cùng, dòng sông đâu có lỗi! Tự đầu nguồn, con sông nào vốn cũng là một dòng nước hiền lành trong suốt mà!

– Nhưng mà dòng sông ôm đồm và đa mang nhiều thứ. Có điều gì thấm nhiễm vào mình được nếu người không quá ôm đồm, phải không?

+ Ừa… nhưng mà bạn không nhận ra rằng ôm đồm gồng gánh lại cũng là một nét đẹp của dòng sông sao. Sông không bao giờ là một dòng chảy vô tình giữa bao la trời đất và tạp nhạp cuộc đời. Sông lặng lẽ nhận lấy nơi mình tất cả những gì người ta vứt bỏ…

Thoáng ngỡ ngàng trong mắt cô bé. Cô nhìn hắn lạ lẫm. Cô biết hắn đến từ một đất nước xa lạ. Và dưới mắt cô, hắn cũng xa lạ như chính nơi xuất thân của hắn. Chiều chiều cô hay gặp hắn thẩn thơ trên cùng một dòng sông, trên cùng một con đường. Những ngày đầu, họ lướt qua nhau như hai người xa lạ giữa bao kẻ xa lạ khác. Nhưng rồi cô nhận ra nơi hắn có nhiều điều khiến mình phải chú ý. Có thể là cái dáng trầm tư lặng lẽ. Có thể là những bước chân lãng đãng vừa như vững chãi vừa như vô định. Có thể là cái thói quen hay hát một mình chẳng giống ai. Và cũng có thể là cái kiểu lý sự không giống ai của hắn…

***

Lần thứ ba.

– Bạn biết tại sao mình hay ngồi bên dòng sông? Soi bóng trước dòng sông, mình gặp lại mình.

+ Với tất cả những điều xấu xa mà bạn đã gán cho dòng sông sao?

– Trong lòng ai mà không có những điều xấu xa hả bạn? Có những điều xấu xa từ trong quá khứ cứ bám theo mình dai dẳng. Nhiều lúc mình muốn được tắm gội. Dòng sông gần thế, chỉ cần một bước chân. Ùm. Thế là xong mọi chuyện…

+ Nhưng sao bạn không làm điều đó?

– Mình nghĩ dòng sông không xứng đáng. Mình không thể dìm chết đời mình trong cái tạp nhạp bẩn thỉu của dòng sông được.

+ Bạn muốn giữ cho mình cái thanh cao đáng quý ghê. Nhưng mình hỏi thật nhé: bạn có nghĩ rằng dòng sông, vốn đã xấu xa và bẩn thỉu dưới mắt bạn, sẽ còn trở nên bẩn thỉu và thối tha hơn với cái xác chết trương sình của bạn không?

– Bạn… sao bạn lại nói thế với mình chứ?

+ Bạn có nghĩ rằng dòng sông có trở nên bẩn thỉu là cũng vì những cách giải quyết giống như bạn đang muốn thực hiện không? Nhiều người muốn làm như bạn lắm. Sống trong cuộc đời, người ta không muốn mang theo bên mình nhiều điều nặng nề, khó khăn, phức tạp, trách nhiệm, lầm lỗi… Họ hay tìm cách quẳng đại cho một ai đó, một chỗ nào đó mà họ gặp được trên đường đời. Nhiều người hay kết luận rằng cuộc sống tạp nhạp. Ít người nào chịu nhận ra trong cái tạp nhạp ấy có phần tham dự của chính mình…

– Mình không biết mình muốn gì, và cũng không biết mình làm đúng hay sai nữa… Nhưng mọi chuyện cứ càng ngày càng tệ, và mình thấy cuộc sống mình trống rỗng vô nghĩa quá.

– Cuộc sống vô nghĩa vì nó vốn trống rỗng hay vì bạn không cảm được ý nghĩa của nó?

– Bạn không tính dạy mình về ý nghĩa cuộc đời đấy chứ? Với bạn thì sao?

+ Mình thì chưa bao giờ phải vất vả đi tìm ý nghĩa cuộc đời. Mọi việc mình làm đều có một chút ý nghĩa nho nhỏ nào đó, cho mình chút niềm vui nào đó. Cuộc đời là một chuyến hành trình dài, nhưng mình tin rằng chuyến hành trình nào cũng được làm nên từ những bước đi nho nhỏ. Vui với những bước nho nhỏ trong đời, mình có thể vui với cuộc đời.

– Lạ thật, bạn mơ mộng như một thi sĩ, nhưng lại triết lý như một ông già…

+ Có lẽ vậy, mỗi người vốn bẩm sinh đã là một triết gia mà… À, mình nghe nói rằng cánh cửa cuộc đời chỉ mở ra cho những người nào chịu suy nghiệm nghiêm túc về nó thôi, cũng có lý phải không?

– Nhưng mà những suy nghiệm về cuộc đời làm mình mệt mỏi quá!

– Có thật vậy không? Suy nghiệm về cuộc đời làm bạn mệt mỏi, hay vì cuộc đời làm bạn quá mệt mỏi đến độ bạn không dám suy nghiệm về nó nữa?…

– Ừa, có lẽ ý của bạn đúng hơn.

+ Mình yêu mến những người thích suy tư về cuộc sống, giống như bạn. Nhưng đáng tiếc là có rất nhiều người không tìm được lối ra. Không phải vì họ kém cỏi đâu, nhưng dường như vì họ thường suy nghĩ về cuộc đời với một thái độ hằn học nào đó. Làm sao người ta có thể mở ra được cánh cửa sống với thái độ như thế, phải không bạn?…

***

Lần cuối.

– Bạn có biết tại sao dòng sông cứ phải chảy không?

+ Chẳng phải lần trước bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi này rồi sao?

– Đó là nói theo cái kiểu của mình, còn bạn?

+ Mình tin rằng dòng sông nào cũng chảy, vì ơn gọi của dòng sông là về nguồn. Về nguồn, dòng sông sẽ được gột rửa khỏi những cặn bẩn rác rưởi đã đeo bám vào mình. Về nguồn, dòng sông sẽ được tan loãng hòa quyện giữa lòng đại dương. Về nguồn, sông sẽ căng mình ra trải rộng trong cái bao la của biển lớn. Về nguồn, sông lại sẽ trao ban chính mình bằng những luồng hơi nước làm dịu mát mặt địa cầu…

– Bạn lại đang triết lý về đời người hay đời sông đây?

+ Bạn nghĩ sao?

– … À, không, mình hiểu mà! Này, có lẽ từ ngày mai, mình sẽ không còn gặp bạn nữa rồi!

+ Bạn đã tìm nghe được tiếng gọi lên đường từ giữa lòng mình sao?

– Ừa, thì cũng phải lên đường chứ, đâu thể tù đọng mãi. Mà nè, mai không gặp mình nữa, bạn vui hay buồn? Ê, đừng có nói theo cái kiểu là không vui cũng không buồn à!

+ Vậy thì mình vừa vui vừa buồn. Vui vì bạn đã thôi lý sự loanh quanh để bước vào một cuộc sống mới. Buồn vì mất một người lý sự với mình…

Cô bé cười. Lần đầu tiên cô bé cười bên sông.

Hoàng hôn vừa ập xuống. Cơn gió chiều đột ngột làm xõa tung mái tóc vàng óng. Vài tia nắng sót lại xuyên qua những sợi tóc bay bay…

Nghiêng nghiêng mái đầu sang một bên, cô bé cười

Nheo nheo đôi mắt tinh nghịch, cô bé cười

Tiếng cười trong trẻo vang động trên mặt sông

Và dòng sông vẫn chảy…

Cao Gia An, S.J.
Roma – 28.03.2009

Advertisement

Những Mùa Gió Đã Xa

Trước đây, chưa bao giờ nó nghĩ rằng sẽ có ngày mình sợ gió. Nó yêu gió, bởi nó yêu quê. Gió là một phần không thể thiếu ở quê nó. Gió gắn liền với những hoài niệm tuổi thơ trong nó.

Quê nó là một ngôi làng nhỏ nằm giữa cánh đồng bao la. Tứ bề lộng gió. Người dân quê nó sống với gió như điều gì đó vốn dĩ tự nhiên. Không cần che chắn. Không cần trốn chạy. Người ta ngửa mặt đón gió. Người ta mở toang lồng ngực để hít đầy hương gió. Người ta đón gió như đón hồn quê.

Gió ở quê nó mang nhiều hương vị dân giã. Mùi bùn. Mùi mạ non. Mùi ngan ngát của rừng. Mùi ngai ngái của sông. Mùi mồ hôi của ba. Mùi hương trầu của mẹ… Nó chưa bao giờ thử phân tích những thành phần trong hương gió, bởi tất cả đã hòa quyện trong ký ức nó tạo thành một mùi duy nhất: mùi gió quê.

Nó yêu gió những trưa hè oi ả. Gió cho nó cảm giác bình yên dễ chịu. Gió nhè nhẹ mơn man. Gió thoang thoảng hương quả chín. Gió âm vọng tiếng tu hú gọi hè. Gió loay xoay làm liêu xiêu con nắng. Gió đùa bỡn với cánh diều phần phật. Gió luồn qua ống sáo trúc rồi xoáy mình biến thành chuỗi thanh âm trong vút bất chợt rồi tan loãng giữa trời quê.

Nó yêu gió những ngày thu dịu mát. Gió lành lạnh hơi nước. Gió chờn vờn lay những ngọn lúa xanh nõn nà. Gió mang hương cốm mới ngọt ngào mê lịm.

Nó yêu gió những ngày lập đông. Mọi thứ như chìm trong giấc ngủ lười lĩnh. Mọi sinh hoạt như tù đọng chậm rãi. Chỉ có gió vẫn nhởn nhơ tung tăng khắp cánh đồng đúng kiểu của một kẻ lãng du.

Nó yêu gió đầu xuân. Gió trong veo thanh khiết. Gió nồng nàn hơi ấm. Gió thơm hương quần áo mới….

Nó yêu gió bởi gió gần gũi thân thương. Gió tò mò đi vào mọi ngóc ngách của nhà nó như một người thân thuộc. Gió nghịch ngợm làm tóc nó rối tung bù xù. Lâu lâu gió bỗng vù bên tai làm nó giật mình, cười ha hả…

Nó cũng yêu gió bởi gió bí ẩn và khó hiểu. Có những mùa gió chướng. Gió xồng xộc cụng đầu vào vách đất nhà nó. Gió xoành xoạch trên mái tranh. Gió cuồn cuộn quấn quýt khiến bụi tre bẻ mình răng rắc. Gió u u. Gió loạt xoạt. Gió ào ào… cây cối nghiêng ngã oằn mình trước gió.

Cây cối quê nó dường như cũng quen với cái chướng chướng ương ương của gió. Sau mỗi mùa gió chướng, cây lại từ từ đứng thẳng giữa trời. Gió cướp đi những cành sâu xia, để cây lại được thanh thoát vươn mình lên sung mãn và ngạo nghễ.

Quê nó chẳng ai trách gió. Người quê nó yêu gió. Mỗi chiều sau vụ mùa, mẹ nó đầu quấn khăn rằng, tay bưng mủng thóc, mắt dõi xa xăm. Mẹ chờ gió. Gió giúp làng rê thóc. Gió thổi tung bay những hạt lép èo uột. Gió giữ lại cho làng những hạt mầm mẩy chắc. Gió tinh tẩy và luyện lọc.

***

Xa quê. Nó chìm mình trong nhịp sống phố thị.

Phố thị không cần gió. Giam mình trong những hộp tường vuông vức người ta chẳng ai bận lòng với gió. Quen với cái ấm áp thị thành, chỉ một cơn gió lạnh cũng đủ làm người ta rùng mình ngần ngại. Hình như trong số những khuôn mặt của cái ‘người ta’ ấy, có nó…

Đôi lúc nó ngỡ ngàng tiếc nuối, nhận ra tự bao giờ mình đã nên xa lạ với gió núi mưa ngàn.

Gió ơi! Nhớ gió!

Cao Gia An, S.J.
Roma – Mùa Thu 2009

Mùa Lá Bay

Người lữ khách tần ngần trước cánh Rừng Thu, như đang cố gom vào tầm mắt cả khung trời vàng rực. Chỉ là tình cờ chàng đặt chân đến nơi đây. Chỉ chốc nữa thôi chàng sẽ rời chân khỏi chốn này. Cuộc đời người lữ khách là một chuỗi những gặp gỡ tình cờ vắn vỏi.

Có những cuộc gặp gỡ tình cờ lại dìm người ta trong ngợp chìm cảm xúc. Có những gặp gỡ mới mẻ nhưng lại mang đến cho người ta cảm giác như đã thân quen tự thuở nào. Cũng có những gặp gỡ vắn vỏi thoáng chốc mà cứ lưu lại trong lòng người nhiều điều dai dẳng không thể gọi tên.

Như buổi gặp gỡ chiều nay.

Người lữ khách quay lưng bước đi chầm chậm, mang theo bức tranh vừa mới định hình trong ký ức. Bức tranh của một chiều Thu vàng. Bức tranh bất biến.

Gió

Rừng Thu xao xác

Lá Thu bay

Những chiếc lá lìa cành phiêu diêu trong gió vừa thong thả điệu đàng vừa ngẫu hứng tự do. Vệt đi nhè nhẹ của lá khiến người ta mường tượng đến vọng âm nhỏ dần đều trong hồi kết của một bản giao hưởng. Những chiếc lá lặng lẽ gieo mình xuống lòng mẹ đất. Là hoàn tất của một cuộc hành trình hiện hữu.

Bản giao hưởng lịm tắt.

***

Bản giao hưởng ấy đã khởi đầu với những nốt nhạc xanh. Những nốt nhạc xanh được gieo trên nền trời đông xám xỉn. Sau một thời gian dài phơi mình trong gió lạnh, những nhánh cây khô trần trụi bỗng dưng bung ra bao chồi non lúp xúp. Run rẩy, từng chiếc lá non xuất hiện giữa trời. Vẫn còn đó dấu tích của những bọt tuyết mỏng mảnh bám lại trên cành cây. Vẫn còn đó hơi lạnh căm căm của những cơn gió lùa.

Đẹp làm sao sự chào đời của những chiếc lá xanh non! Lá đã không được gởi vào một thế giới ấm áp rực rỡ, bởi lẽ chính sự hiện diện của lá sẽ khiến cho thế giới quanh mình nên rực rỡ ấm áp. Lá đã không chào đời trong một thế giới phong phú và đầy sức sống, bởi lẽ chính sức sống của lá sẽ làm cho thế giới nên phong phú. Ơn gọi của lá là mang đến một bộ mặt mới cho thế giới này. Lúc màu xanh non vừa ló dạng cũng là lúc cái xám xỉn u ám của trời đông vụt tắt.

Ngày mới

Nắng lên

Những chiếc lá non mỏng mảnh như tơ lụa và biếc xanh như ngọc ngà. Những chiếc lá ngậm sương trong veo óng ánh dưới nắng trời. Lá đã khởi đầu hành trình sống của riêng mình với cái đẹp tinh khôi trong trẻo như thế! Chạy suốt hành trình sống, lá sẽ còn tiếp tục làm đẹp cho đời bằng cái tinh khôi trong trẻo như thế!

***

Sớm mùa Xuân

Lá mang nơi mình sứ điệp của sự sống mới mẻ và của niềm hy vọng ngợp tràn. Gam màu tươi sáng của lá xua tan đi tấm màn thảm đạm chết chóc đang bao phủ cả địa cầu. Sức sống hồn nhiên của lá làm loãng tan cả khung trời tù đọng u ám. Dưới những tia nắng trời, màu xanh tươi của lá rực lên như một bức tranh tinh khôi sáng lạng giữa một thế giới trong trẻo và tươi tắn.

Với lá, sức sống rừng rực giữa lòng cây được hiện thực hóa, những gì tiềm tàng trong lòng mẹ đất được hiển lộ ra giữa trời. Sức sống ở mức khởi đầu trên những vòm lá mong manh yểu điệu nhưng lại đẹp đẽ kỳ diệu biết bao. Đẹp như cái khởi đầu mong manh mà vĩ đại, bé nhỏ mà vô cùng vô tận của sự sống. Kỳ diệu như mầu nhiệm của cả đất trời được tích tụ và lớn dần lên trong hình thể dịu dàng của một chiếc lá.

Với những chiếc lá xanh non, mùa Xuân tấu lên khúc dạo đầu tươi tắn của bản giao hưởng. Những bước đi dò dẫm và rón rén. Những thao tác khởi động chậm rãi mà điệu đàng. Những khởi đoạn đầy biến tấu ngẫu hứng. Tất cả khiến người ta mường tượng đến một dòng chảy ngút ngàn vô tận.

Trưa mùa Hạ

Khi cả địa cầu chìm trong cái nắng nồng oi ả, lá mang đến một sự bình yên dịu mát. Tiếng gió đưa vòm lá rì rào như tiếng sóng biển vọng về từ phía xa xa. Tấu khúc của gió và lá khiến người ta quên đi những thanh âm bộn bề đang diễn ra giữa lòng cuộc sống. Màu xanh thẫm dịu dàng của lá giữ người ta lại trong cái bình yên lắng đọng. Những vòm lá đan tay nhau tạo nên chút bóng mát êm đềm cho kẻ lữ khách trên đường trần nắng nôi.

Mỗi chiếc lá đều có một lịch sử. Mỗi chiếc lá đều được định hình nên từ những tương tác đa chiều của cuộc sống. Nóng và lạnh. Nắng và mưa. Sương và gió… Thế nên mỗi khóm lá là một công trình. Bước chân vào đời, lá được tự do để thể hiện công trình tấu khúc của cuộc đời mình. Duyên dáng và điệu đàng bao nhiêu có thể. Kiêu sa và đỏng đảnh bao nhiêu có thể… Để rồi sau một thời gian sống, lá trở thành một phần không thể thiếu của cây. Lá cố định nên hình thù và đời sống của cây. Lá là ngôn ngữ để cây đối thoại với trời. Lá là khuôn mặt để cây trình diện với đời.

Với những chiếc lá xanh um, tấu khúc mùa Hạ cuộn chảy cách đầy đặn dào dạt, cách sung mãn tràn trề. Trong tấu khúc mùa hè có sự đan xen của biết bao thanh âm và sắc màu đa dạng. Đa dạng như chính sự tổng hợp của những tương tác ngược chiều. Đa dạng như chính cuộc sống.

Chiều mùa Thu

Cả rừng lá đứng yên bất động trong một vùng không gian vàng rực. Bản giao hưởng ùa tràn đến đỉnh cao, rồi bất thần ngưng lại trong khoảnh khắc lắng đọng của cảm xúc. Bản giao hưởng mùa Thu mang vẻ đẹp của đỉnh cao tròn đầy. Cả vùng không gian vàng như không thể vàng hơn được nữa, đồng điệu đồng sắc như thể không bao giờ bị chia cắt phân ly nữa. Có điều gì đó cứ đang từ từ dồn lại. Có điều gì đó cứ đang chực chờ bùng vỡ.

Sắc vàng của ánh nắng chiếu vào vòm lá bỗng trở nên vô nghĩa. Hơi ấm của nắng trời trượt dài trên bề mặt lá. Không còn khả năng đón nhận nắng trời, những chiếc lá mùa thu chuẩn bị bước vào một chuyến hành trình mới. Không còn ôm đồm nhận lãnh. Không còn vần vũ đổi thay…

***

Bầu trời xám xỉn nặng nề như chiếc lồng của định mệnh úp trùm trên vạn vật. Trời nổi cơn giông gió. Rừng cây nghiêng ngả. Cái chết nhẹ tựa lá bay.

Đôi khi, thế giới sống tàn bạo và phũ phàng hơn những gì người ta tưởng nghĩ. Con người say sưa nói về sự sống. Con người mê mẩn trước những nét đẹp của cuộc đời. Mấy ai nhìn ra cái chết ngay giữa lòng của sự sống? Mấy ai nhìn thấy cái phù du vắn vỏi ngay giữa lòng của cái đẹp? Sống là một tiến trình đổi thay bất tận. Ngay giữa dòng tuôn chảy của sự sống, luôn có bao điều đang vùn vụt qua đi. Qua đi là vĩnh viễn. Sống là bước đi từng ngày. Những bước chân hướng về cái chết.

Sống, như cái gì đó chợt đến chợt đi. Sống, như một lần lóe sáng lên giữa cõi thâm u, rồi một lần vụt tắt giữa trời giông gió. Đâu là ý nghĩa của việc xuất hiện đột ngột rồi tan biến cũng đột ngột? Đâu là cuộc đời thực của lá? Giữa hàng loạt những đổi thay liên tiếp, đâu là bộ mặt thật của lá? Đẹp tươi, xanh thẳm, vàng ươm… chỉ để rồi chóng vánh tàn lụi sao? Buông mình theo bao biến đổi hào nhoáng của những sắc màu phù du, chỉ để cuối cùng mục rữa và tan nát sao?

Chết. Là chấm kết? Là lặng lẽ trở về như một phần tử vô danh giữa lòng mẹ đất?

Mọi sự đã được sinh ra từ giữa lòng mẹ đất. Và mọi sự sẽ trở về với lòng mẹ đất… Đất mẹ mang nơi mình một nguồn năng lượng sống dạt dào vô tận. Tất cả những gì có mặt trên cõi đất đều đến từ nguồn năng lượng ấy, đến để hưởng dùng nguồn sống dồi dào ấy. Rồi mọi thứ sẽ trở về, sẽ lại trở thành một phần năng lượng vĩnh cữu của lòng mẹ đất. Có chớm nở thì cũng có héo tàn. Có một thời để có mặt hiện hữu thì cũng có một thời để qua đi. Đó là định luật của đất. Cái mới được đưa vào hiện hữu luôn đi kèm với một cái cũ phải chết đi. Nhờ thế mà bộ mặt của thế giới luôn tươi mới. Nhờ thế mà sự sống trở nên một dòng luân chuyển bất tận chứ không bị tù đọng cứng ngắc.

***

Gió thổi

Lá bay

Là tình cờ gió thổi lá bay, hay là một bàn tay nào đó đang đưa dẫn từng bước đi của lá? Từ những nốt nhạc xanh non, từ những hòa âm dào dạt, từ khúc kết rực vàng… tất cả như đã được trình tấu bởi một bàn tay nghệ sĩ tài tình. Một sự trình tấu đa dạng mà liên tục. Một sự kết nối thần bí mà hữu hiệu. Một sự đưa dẫn mềm mại mà rõ ràng, nhẹ nhàng mà dứt khoát.

Theo sự hướng dẫn của bàn tay ấy, mọi sự cứ đều đặn bước đi theo ơn gọi của cuộc đời mình. Ơn gọi là một chuyến hành trình được chuẩn bị bởi một ai đó, từ một thời buổi xa xăm nào đó. Ơn gọi tiềm tàng mà liên tục, sâu xa mãnh liệt, bí ẩn mà hữu hiệu… Ơn gọi vượt trên tất cả những đổi thay hào nhoáng được thể hiện ra bên ngoài.

Ơn gọi của lá là dự phần làm nên sự sống.

Dang tay đón nhận nắng trời, lá nâng niu từng hạt nắng và chắt chiu từng làn hơi ấm. Lá lặng lẽ âm thầm dồn tất cả những gì nắng trời gởi vào đời mình để chuyển thành nguồn sự sống và thông chuyển cho cây, theo một cơ chế bí ẩn đã được phú bẩm vào đời mình. Lá là hội tụ của của những tương tác vô hình mà hữu hiệu. Cuộc đời lá là một sự đáp trả liên tục ân huệ sự sống đã được nhận lãnh từ lòng mẹ đất. Với lá, sự sống không chỉ là một dòng chảy vọt lên từ đất mẹ, sự sống còn là một kết tụ đọng lại giữa lòng vũ trụ, ngang qua những chiếc lá mỏng manh.

Lá thực thi sứ mạng cuộc đời mình không phải bằng những hào nhoáng bên ngoài, nhưng bằng những hoạt động âm thầm liên lỉ bên trong. Bên ngoài là dáng vẻ thanh thoát nhẹ nhàng, bên trong là hàng loạt những hoạt động sống không ngừng diễn tiến. Bên ngoài là cái vẻ duyên dáng mỏng mảnh, bên trong lá không ngừng vận động với tốc độ luân chuyển khủng khiếp của sự sống. Bên ngoài là cái vẻ lãng tử vô lo, bên trong lá đang liên lỉ thực hiện sứ mạng đời mình. Bên ngoài là cái vẻ tung tăng nhí nhảnh, bên trong lá đang dần đi tròn định mệnh cuộc đời.

Tất cả những thành quả đời mình, lá âm thầm chuyển về làm nguồn sống cho cây. Lá là một kênh lãnh nhận và thông chuyển sự sống.

***

Chiều

Gió

Gió thổi lá bay tan tác. Xác lá xếp chồng lên nhau phủ vàng cả mặt đất. Lá vẫn cứ rơi đều. Như vô tâm. Như hờ hững. Như phó mặc buông mình theo một sức hút bí ẩn nào đấy. Như chẳng cần phải quan tâm đến sống hay chết, mất hay còn. Rơi một cách tự nhiên chậm rãi. Rơi như một điều gì đó cứ qua đi nhẹ nhàng mà dứt khoát đến độ chẳng bao giờ có thể vãn hồi.

***

Chàng lữ khách dừng chân bên khu vườn cũ. Lặng người nhìn xác lá rơi. Những chiếc lá theo nhau trên hành trình tìm về nguồn cội. Đâu có gì là vô tình vô nghĩa.

Đôi khi có nghĩa hay vô nghĩa không phụ thuộc ở những điều người ta đứng bên ngoài và xét thấy. Có rất nhiều điều được tỏ lộ mà con người không đủ sức đón nhận. Chỉ những người bước đi dấn thân vào cuộc sống mới hiểu được lý lẽ kỳ diệu của cuộc sống. Chỉ người nào bước chân trên chuyến hành trình mới hiểu được những thôi thúc mãnh liệt trong từng nhịp chân bước.

Được đưa vào đời, ai cũng mang trên vai mình một sứ mạng nào đó. Sống là liên tục ra đi để hoàn thành sứ mạng cuộc đời mình. Một khi đã liên tục quen với việc được dẫn đi trong suốt hành trình cuộc đời, có ai lại ngại ngần với việc tiếp tục buông tay để được đưa dẫn.

Cuộc sinh tồn nào cũng chỉ có một thời

Rồi mọi sự sẽ qua đi

Như những chiếc lá

Có những cuộc hiện hữu chóng vánh, nhưng đâu có vô nghĩa

Xin được sống trọn vẹn sứ mạng cuộc đời mình như một chiếc lá

Để nghiệm ra một sự thật quý giá: cái chết nhẹ tựa lá bay!

Cao Gia An, S.J.
Roma – Mùa Thu 2009

Người Hát Rong

Sau nhiều lần đi lướt qua, chiều nay mình quyết định ngồi lại nói chuyện với ông lão. Ông lão đang ôm cây vĩ cầm, co mình trong chiếc áo măng tô dày cộm. Trời vào Thu, thời tiết đã bắt đầu chuyển lạnh.

Đằng sau cái dáng dấp mệt mỏi và khuôn mặt buồn buồn, ông lão vẫn còn giữ lại nơi mình dáng dấp của một người nghệ sĩ. Kiểu cười nửa miệng. Mái tóc dài xõa tới vai. Đôi mắt sâu đầy thần sắc…

Ông lão chọn một góc nhỏ trong quảng trường. Nhỏ đủ để ông đặt chiếc ghế ngồi và chiếc hộp đựng vĩ cầm, và đủ để tầm nhìn của ông có thể quan sát những gì đang diễn ra trên quảng trường.

Có những ngày ông lão chỉ ngồi bần thần. Cây vĩ cầm nằm lặng yên trong hộp. Đôi mắt ông như đang dõi về một cõi xa xăm nào đấy. Tâm hồn ông đang mơ về một khoảng trời xa xăm nào đấy… Cũng có những chiều ông lặng lẽ lôi chiếc vĩ cầm ra khỏi hộp. Những ngón tay gầy run run lướt nhẹ trên cần đàn. Tiếng vĩ cầm lạc lõng mất hút trong bầu khí xô bồ náo nhiệt của cả quảng trường.

Ông kể rằng quảng trường ấy đã từng được mệnh danh là đất của giới nghệ sĩ. Chính nơi này ông đã từng có nhiều bạn bè, từng gặp được nhiều tâm hồn đồng điệu. Hồi ấy ông còn là một chàng trai trẻ, ông chơi nhạc với tất cả niềm đam mê của một người trẻ. Hồi ấy… nghĩa là đã gần năm mươi năm qua rồi!

Hồi ấy có những người hát rong, nhưng không có những người hát rong như bây giờ. Hồi ấy, âm nhạc là ngôn ngữ của con tim. Hồi ấy, âm nhạc kéo con người ta đến với nhau tự nhiên và chân thật lắm.

Bây giờ…

Âm nhạc được dùng như phương tiện kiếm tiền.

Người ta vẫn giữ lại cái danh đất nghệ sĩ cho quảng trường, như một cái nhãn hiệu cần thiết để câu khách. Quảng trường trở nên nơi cạnh tranh cho các nghệ sĩ đường phố. Ngày lại ngày, người ta thêm vào nhiều màn đặc sắc, kể cả những kiểu lắc mông, múa bụng, và đủ thứ trò quản bá khác. Người ta vừa chơi nhạc vừa chào mời khách qua đường, vừa niềm nở cám ơn những đồng bạc lẻ mà du khách quẳng vào giỏ của mình.

Chẳng biết tự bao giờ, quảng trường ấy đã biến thành một kiểu chợ trời.

Ông lão buồn cho cái nghệ thuật mà ông theo đuổi suốt đời bị lạm dụng bêu rếu, buồn cho cái danh nghệ sĩ bị đem rao bán giữa chốn chợ đời.

Ông lão vui khi biết mình là một tu sĩ. Mỗi tu sĩ là một kẻ hát rong, ông nói. Những kẻ sống cuộc đời như mình sẽ mang nhiều lắm những tâm tình, những ước nguyện, những khát mong làm được một điều gì đó cho cuộc đời này. Nhưng rất nhiều lần, tất cả chỉ là những tiếng rao yếu ớt giữa cuộc đời tạp âm và đa sắc!

Tôi là một nghệ sĩ già lỡ thời rồi – ông lão cười buồn – Cuộc đời tôi đã đi qua nhiều thăng trầm sóng gió, vui cũng có mà buồn cũng có. Tôi hiểu giá trị và giá trả của việc đem gieo tiếng hát vào giữa dòng đời. Dù trên sân khấu hay giữa đường phố, nói cho cùng, mình chỉ là một kẻ hát rong, cậu ạ

Tạm biệt, ông lão hát tặng mình một bài hát tiếng Tây Ban Nha, dường như được dệt nhạc từ một bài thơ cổ: 

Trời lung linh
nhờ ngàn tia sáng
lấp lánh trong ánh mắt

Vũ trụ lung linh
từ những tia sáng
thẳm sâu trong mỗi con tim

Trần gian rộn vui
nhờ những người ôm đàn ngồi hát

Thả hồn mình
vào giữa cõi mênh mông…!

Cao Gia An, S.J.
Roma 10.2009

%d bloggers like this: