Đỉnh Cao Nghệ Thuật

Bắn ná là một nghệ thuật!

Câu tuyên bố vung vít của thằng Trung có sức tác động ghê gớm. Nó cứ ám ảnh tâm trí Việt suốt mấy ngày nay. Có lẽ sức tác động ghê gớm ấy không đến từ nội dung của câu tuyên bố, nhưng từ người tuyên bố. Thằng Trung người to lớn kềnh càng. So với nó, đám nhóc cỡ Việt và bọn bạn của Việt chỉ đáng được coi là đám nhóc. Thằng Trung ý thức rất rõ về lợi thế của mình, nên trong bất cứ trường hợp nào, ở bất cứ nơi nào, về bất cứ chuyện gì, nó đều là đứa có tiếng nói. Không cần ai bầu báng chỉ định, nó hành xử tự nhiên như là thủ lãnh của cả bọn nhóc.

Nếu bắn ná là một nghệ thuật, người bắn ná hẳn là một nghệ sĩ! Trong mắt bọn nhóc, nghệ sĩ không phải là những người chỉ biết đi qua đi lại diễn tuồng trên sân khấu. Nghệ sĩ là người có một cái oai tự nhiên. Ngày đầu tiên thấy thằng Trung giắt cái ná bên hông, cả đám nhóc nhìn theo và lòng thầm phục sát đất. Từ đầu làng đến cuối làng, thằng Trung cứ thẳng một đường mà đi, chả thèm để mắt tới ai, tự tin và kiêu hãnh như thể cả làng này là cái sân khấu của riêng nó.

Kể ra thì trong đám nhóc cùng làng, Việt là kẻ được thằng Trung coi là ít nhóc nhất. Có lẽ nhờ Việt nhỏ mà lanh. Gặp nó, lúc nào thằng Trung cũng một tiếng “chú em” hai tiếng “chú em”. Đáp lại, lúc nào nó cũng một tiếng “ông anh” hai tiếng “ông anh”. Chả biết tự bao giờ bọn nó trở nên như một đôi bạn vàng thân thiết trong ngôi làng nhỏ bé ấy.

Từ ngày nhìn thằng Trung đeo ná, lúc nào Việt cũng ước có được một cái ná như của thằng Trung. Điều ước ấy len cả vào trong giấc mơ của nó. Trong mơ, nó thấy mình là nghệ sĩ đeo ná đi kè kè bên cạnh thằng Trung. Không biết đeo ná để làm gì, nhưng cái oai của người “nghệ sĩ” cứ lấp lánh hào quang trước mắt nó. Nó nghĩ, là con nít, đâu cần phải mơ gì cho cao cho xa. Chỉ cần một lần được thấy mình bằng người ta thôi thì đã là sung sướng cái cuộc đời rồi. Thằng Trung có ná, nó thấy như cái khoảng cách giữa mình và thằng Trung lại xa hơn một bậc. Trước đây nó không nghĩ mình nghèo. Chỉ tới khi nhìn thấy cái có của người khác nó mới giật mình nhìn lại mình. Vậy là nó buồn…

Nhưng thằng Trung quả đáng mặt một “ông anh”. Nó như đi guốc trong lòng của Việt. Nhìn cái mặt Việt buồn buồn, nó đoán biết ngay thằng này muốn gì. Vậy nên một hôm nó rủ:

  • Ê, chú em! Muốn xem anh mày biểu diễn bắn ná không?
  • Biểu diễn bắt ná là sao? – Việt vội vàng hỏi, mặt vừa ngờ ngệch vừa háo hức.
  • Chú em khờ quá! Chả phải ta đã nói bắn ná là một nghệ thuật sao! Nghệ thuật thì phải biểu diễn chứ? – Thằng Trung vừa nói tay vừa vung vung chiếc ná theo đúng phong cách của một nghệ sĩ.
  • Ờ… mà biểu diễn thì phải có khán giả chứ, đúng không ông anh?
  • Đúng rồi. Vậy nên ta mới rủ chú em!
  • Khán giả càng đông thì mới càng hào hứng chứ, phải không ông anh? – Việt hỏi tiếp.

Khựng một tí, rồi thằng Trung lim dim đưa mắt nhìn Việt:

  • Ý chú em là sao? Muốn dọn đường cho bọn nhóc trong cả làng luôn à?
  • Dạ, ông anh… – Giọng Việt bắt đầu lí nhí.
  • Thôi dẹp! – Thằng Trung gạt ngang – Cái bọn nhóc hỉ mũi chưa sạch thì biết gì về nghệ thuật mà xem. Chỉ tổ làm vướng chân anh mày!

Nói thì nói vậy, nhưng buổi trưa ngày hôm sau có cả một đám nhóc tập trung ở cuối vườn nhà thằng Trung. Đó là một mảnh đất rộng, giáp ranh với vườn nhà Việt qua cái hàng rào dâm bụt. Khu vườn buổi trưa mát rượi và lảnh lót tiếng chim.

Bắt đám nhóc đứng gọn qua một bên để khỏi làm… cản đường đạn bay, thằng Trung khệnh khạng bước ra giữa vườn. Nó hếch mặt nhìn bọn nhóc. Trên đầu nó đội một cái mũ rộng vành, giắt bên hông cái ná thun, oách đúng kiểu của cao bồi viễn Tây Lucky Luke. Lạng một hồi, chàng cao bồi cuối cùng cũng bước vào bãi tập, nâng ná, và bắn. Mục tiêu là một cái lon sữa bò đựng đầy cát, đặt trên đầu cây cọc gỗ, cách khoảng vài mươi bước. Phựt… Viên đạn đá vụt lao đi. Lon sữa bò vẫn còn nằm nguyên vẹn như thách thức trên đầu cây cọc gỗ. Nhìn đám nhóc đang há miệng chưng hững, nghệ sĩ Trung lên tiếng phân bua:

  • Ây dà, bậy quá. Tao quên… lẽ ra phải kéo cho giây thun giãn đều trước khi bắn, Dây thun cũng cần phải được khởi động thì mới chuẩn…

À, ra là tại dây thun! Lần thứ hai là tại gió thổi mạnh quá làm lệch đường đạn bay. Lần thứ ba là tại mặt trời nắng gắt quá làm chói mắt. Lần nữa là tại đứa nào đó trong đám nhóc bị nhảy mũi đột ngột làm thằng Trung giật mình… Khi niềm háo hức trong đám nhóc tưởng chừng đã xẹp xuống thì bỗng… Phựt… Bụp. Cả đám nhóc nhảy cẫng lên reo hò. Lon sữa bò bị viên đạn đá hất tung lên trời. Cát từ trong lon bắn ra tung tóe. Những viên cát nhỏ xíu lấp lánh dưới ánh nắng trưa, đẹp lung linh như những ngôi sao dưới mắt của Việt.

Sau buổi “biểu diễn nghệ thuật” của thằng Trung, Việt càng nung nấu ước mơ có một cái ná. Một buổi trưa, nó hẹn thằng Trung ra ngoài góc vườn để thổ lộ. Dĩ nhiên, Việt không quên mang theo một bịch ổi mới hái từ trong vườn để lấy lòng ông anh.

  • Đâu phải muốn có là có đâu chú em! – Vừa cắn ổi thằng Trung vừa phán – Phải xem coi chú em có làm được gì không đã?
  • Làm được gì là làm được gì á? – Việt thiệt thà hỏi.
  • Chú em ngu quá! Là phải có tiền. Tiền mua giây thun nè. Tiền mua miếng da nệm nè. Tiền công người ta đẽo gỗ để làm cái khung ná nè. Bộ chú em tưởng cứ ra đường ngơ ngơ ngáo ngáo là lượm được một cái ná đem về chắc!
  • Vậy thì thua rồi. Em đâu có tiền đâu…
  • Không có tiền chú em không biết kiếm chắc!
  • Em đâu biết làm sao để kiếm tiền…
  • Nói chuyện với chú em thiệt là mệt quá. Thử nhìn một vòng coi coi, nhà chú em có cái gì bán được không?
  • Nhà em làm gì có cái gì…
  • Vậy thì thôi, khỏi mơ ná niếc gì nữa hết!

Nhìn cái mặt buồn so của Việt, thằng Trung đảo mắt láo liêng một hồi để suy nghĩ. Như thấy ra được chuyện gì, nó kề miệng vào tai Việt thấp giọng thầm thì:

  • Nè, ta chỉ chú em cách này. Bảo đảm kiếm được tiền!
  • Cách gì, cách gì, ông anh chỉ em đi! – Giọng Việt háo hức, cái mặt nó tươi tỉnh lên thấy rõ.

Chỉ tay về góc vườn nhà Việt, giọng thằng Trung bí mật:

  • Đó đó, thấy không?
  • Đó đó là cái gì, em có thấy cái gì đâu…
  • Chú em thiệt là! Đó đó là cái buồng chuối xanh ở cuối vườn nhà chú em đó!
  • Buồng chuối xanh nhà em sao?
  • Buồng chuối đó mà cắt bán thì cũng được một mớ tiền chứ sao.

Hình như bắt đầu hiểu ra chuyện, Việt giãy nãy:

  • Thôi đi, ông anh xúi dại. Ba em mà biết được thì em có mà nát mông…

Không để cho Việt dứt lời, thằng Trung chen ngang bằng cái giọng dè bĩu:

  • Đồ thỏ đế! Vậy mà cũng đòi làm nghệ thuật. Không dám hy sinh mạo hiểm mà cũng bày đặt muốn làm chuyện lớn!.. Thôi. Ta chỉ nói vậy thôi. Làm hay không, tùy chú em đấy!

Nói xong, thằng Trung ngủng ngoẳn quay đít đi, không quên tiện tay xách luôn bọc ổi còn sót lại vài trái. Trước khi khuất hẳn sau hàng rào dâm bụt, nó còn giơ tay vung vung chiếc ná về hướng Việt. Những sợi dây thun vàng óng đong đưa sáng lên dưới ánh nắng trưa. Việt bặm môi đứng dậy, cương quyết như đã tính xong chuyện của mình.

Hai tuần sau. Việt lại rủ thằng Trung sang vườn nhà nó ăn chè. Nó hỏi:

  • Cái ná của em đâu?
  • Ná gì?
  • Ná ông anh hứa sẽ mua và làm cho em. Ông anh đã nhận tiền của em rồi còn gì.
  • Xời, chú em… tưởng mấy đồng bạc cắc của chú em lớn lắm sao. Nhiêu đó chỉ mới đủ để mua dây thun thôi! Còn thiếu nhiều thứ khác nữa…
  • Vậy là sao?
  • Là chú em phải tìm cách kiếm thêm bạc cắc đi. Khi nào đủ, tự nhiên sẽ có cái ná thôi…

Vậy là sau buồng chuối, Việt lại lụi hụi đi đào măng tre, cặm cụi đi lượm hạt điều… Cuối cùng thì cũng có cái ná. Thằng Trung đúng là ông anh tốt, Việt nghĩ, hơi đòi hỏi nhưng mà không nuốt lời!

Mâm mê chiếc ná trong tay, mắt Việt vui người vừa mới hái được sao trên trời. Nó đưa cái ná sát mũi, hít hít mùi dây thun mới thơm phưng phức. Vậy là từ nay nó có thể chính thức bước chân vào làng nghệ thuật. Vậy là nó đã chạm tay vào giấc mơ làm nghệ sĩ.

“Muốn làm nghệ sĩ thì phải học!”

Thằng Trung tuyên bố như thế khi trao chiếc ná cho Việt. Mà muốn học thì phải có thầy. Là người đầu tiên khai sinh nghệ thuật bắn ná ở cái làng này, nên thằng Trung tự nhiên trở thành thầy của Việt.

Ngày đầu tiên, thằng Trung tài lanh chỉ bảo la hét đủ điều:

  • Gồng thẳng tay lên. Khum chân xuống. Nheo mắt lại, mở cả hai mắt ra thế kia thì làm sao nhắm được đường đạn. Cầm thẳng cái ná lên, nghiêng nghiêng như vậy thì làm sao mà bắn…

Phựt… Lời thằng Trung còn chưa dứt thì viên đạn đá đã vuột khỏi tay ná và đập thẳng vào chiếc lon sữa bò. Bụp…

Hình như Việt được sinh ra là để bắn ná. Nó thủ thế, giương ná, ngắm bắn, mà động tác tự nhiên cứ như người ta ăn cơm. Cầm thẳng, cầm nghiêng, đứng cao, đứng thấp… làm cách gì thì viên đạn trong tay Việt cũng biết cách tìm đường đến đúng cái mục tiêu. Cứ như là phép thuật! Buổi tập đầu tiên của Việt làm thằng Trung trợn mắt ngơ ngác. Hình như trong mắt nó có một chút màu ganh tỵ. Một chút thôi. Sau đó hình như màu ganh tỵ nhường chỗ cho sự tính toán…

”Nghệ sĩ thì phải có đất biểu diễn!”

Thằng Trung lại có ý kiến. Biểu diễn thì phải vui, chứ quanh đi quẩn lại hoài với cái lon sữa bò thì chán òm. Vậy nên thằng Trung nảy ra sáng kiến trưa trưa rủ Việt đi lang thang qua những khu vườn lân cận tìm mục tiêu. Mục tiêu đầu tiên tìm thấy không xa lắm. Chỉ vào chùm xoài lủng lẳng bên góc vườn nhà ông Ba Lào, nó phán:

  • Đó, mục tiêu của chú em trên cao kìa!

Phựt… Bụp… Nhìn trái xoài nát bét rớt dưới chân, thằng Trung vừa liếm mép vừa lắc đầu:

  • Chưa được, chưa được. Bầm dập thế này thì còn gì là nghệ thuật nữa chú em. Bắn làm sao trúng cái cuống, để mấy trái xoài rớt xuống mà không bị dập thì mới gọi là đạt tới mức nghệ thuật chứ!

Phựt… Bụp…

  • Giỏi lắm, giỏi lắm. Chú em cứ cố lên thế nhé. Nhìn mấy trái xoài ngon chưa này. Ta trưng thu đây, gọi là thù lao giảng dạy nghệ thuật vậy!

Trình độ nghệ thuật của Việt càng ngày càng tiến bộ. Không có mục tiêu nào trong tầm ngắm mà nó không nhắm trúng. Cây xoài nhà ông Ba Lào. Cây mận nhà bà Bảy Cam. Cây ổi nhà ông Tư Thái.  Cầm cái ná trên tay, Việt cứ như đã trở thành một người khác. Ánh mắt nó sáng lên thứ ánh sáng lạ lùng, vừa như là niềm say mê chinh phục, vừa như là nỗi khắc khoải đi tìm. Nhìn viên đá rời khỏi tay mình lao thẳng vào mục tiêu, lòng Việt thường rộn lên một niềm kiêu hãnh khó tả. Thằng Trung gọi đó là được sống thật với tố chất nghệ sĩ. Đi đâu nó cũng tự hào vì đã đào tạo ra được một đệ tử nghệ thuật thần sầu như Việt. Nghe thằng Trung tâng bốc mà lòng Việt cứ sướng rơn. Rõ là nhờ phát hiện khả năng bắn ná mà vị thế của nó đã thay đổi rõ rệt trong mắt thằng Trung. 

Sau một thời gian bắn trái cây. Thằng Trung lại có ý kiến:

  • Tay nghề của chú em khá rồi đấy. Nhưng chưa phải là đỉnh cao nghệ thuật đâu. Vẫn còn có mục tiêu khó hơn, chú em có muốn chinh phục không?
  • Mục tiêu gì vậy ông anh? – Việt hỏi ngay với giọng hớn hở – Khó là khó thế nào chứ?
  • Trước giờ chú em chỉ chơi với mục tiêu nằm im một chỗ thôi. Nó nằm im đó thì viên đạn tự bay tới đập vào nó là đúng rồi, có chi là nghệ thuật lắm đâu…
  • Vậy chứ sao thì mới là nghệ thuật lắm?
  • Mục tiêu chuyển động. Chuyển động mà chú em còn bắn bách phát bách trúng thì trình độ nghệ thuật mới thật đúng là quỷ khốc thần sầu.

Nghe cái từ “quỷ khốc thần sầu”, Việt thấy lòng mình sướng rơn, nó hỏi ngay:

  • Mục tiêu di động là cái gì?
  • Này nhé! Hàng dâm bụt giữa nhà chú em với nhà ta lúc nào cũng đầy chim sẻ. Chim sẻ nhỏ, lại nhanh. Chú em mà bắn được thì đúng là đỉnh cao nghệ thuật đó!
  • Sao lại không? Chim sẻ thì chim sẻ chứ…
  • Đúng rồi. Chim sẻ thì chim sẻ chứ! Thịt chim sẻ mà nướng lên thì ngon tuyệt cú mèo.

Đúng như thằng Trung nói, chim sẻ nhỏ, lại nhanh, lúc nào cũng chuyển động. Chim sẻ lại nhát, chỉ cần nhác thấy bóng người đến gần là bay mất tiêu. Để bắn, Việt phải đứng từ xa, giương ná, Phựt… Rào…. Chim đâu không thấy, chỉ thấy một mớ lá dâm bụt xanh ngắt rơi lả tả. Thằng Trung khoái chí vỗ tay:

  • .. Chú em thấy chưa! Đâu có dễ ăn…

Việt lại bặm môi giương ná. Phựt… Rào…

  • … Cố lên chú em! Còn cách đỉnh cao nghệ thuật xa lắm!

Liên tiếp ba buổi trưa Việt rình bắn chim sẻ bên hàng rào dâm bụt. Chờ hoài không thấy kết quả, thằng Trung đâm chán, không thèm làm ‘huấn luyện viên’ kiêm khán giả nữa. Bị bỏ lại một mình, Việt lại cặm cụi chinh phục mục tiêu của mình. Hình như lũ chim sẻ đã bắt đầu sợ. Hàng rào dâm bụt mấy nay đã thưa dần tiếng chim…

Phụt… Bụp… Đúng là âm thanh của đạn đập vào mục tiêu rồi, nghe mềm và êm quá. Sau mấy ngày lăn lộn, cuối cùng cũng có kết quả. Việt nhãy cẫng, tính hét lên gọi thằng Trung. Nhưng rồi nó kịp khựng lại, thận trọng chong mắt nhìn vào hàng rào chỗ viên đạn vừa lướt qua. Phải kiểm tra kết quả thật kỹ lưỡng, chứ không lại bị ông anh cười cho thúi mũi.

Việt thận trọng từng bước, tiến gần đến kết quả. Xác lá dâm bụt hãy còn rơi lả tả. Dưới chân nó, vài cánh hoa dâm bụt đỏ tươi bị dập nát. Vườn trưa lặng ngắt tiếng chim.

Cuối cùng thì nó cũng thấy kết quả từ làn đạn của mình.

Trên hàng rào, lấp ló trong vòm lá, xác con chim sẻ bị bắn chết treo. Viên đạn đập vào phần cổ, làm đầu con chim sẻ bị ngoẹo qua một bên. Một bên tròng mắt con chim nhỏ bị lồi ra, khiến con mắt như to hơn, trợn trừng ngơ ngác. Con chim sẻ không bị rớt xuống đất nhờ đôi chân còn bám chặt vào cây dâm bụt. Đôi chân bé xíu và co quắp.

Gió thổi qua, xác con chim sẻ đong đưa trên ngọn cây. Vài giọt máu rỉ ra từ miệng nó, chưa kịp nhỏ xuống đất thì đã bị gió cuốn dạt đi…

Đây là điều mà thằng Trung gọi là đỉnh cao nghệ thuật đó sao?

Việt rùng mình choáng váng. Nó lùi vội mấy bước, như sợ gió sẽ thổi tạt những giọt máu tươi bám vào người nó, như sợ mùi tanh của máu sẽ ám vào người nó. Đây không phải là kết quả mà Việt muốn thấy. Nhưng chẳng phải là điều mà nó đã theo đuổi bấy lâu nay đó sao?

Hóa ra suốt một thời gian dài nó đã cất công theo đuổi, nhưng thực chất lại không biết mình theo đuổi thứ gì. Hóa ra nó đã vất vả luyện tập cho mình một kỹ năng gọi là nghệ thuật, nhưng lại không biết đích xác đâu là đích đến cuối cùng của những vất vả ấy.

Nó nhớ đến giá trả. Nhớ đến những buổi trưa lén lút cắt chuối, hì hục đào măng, cặm cụi thu gom từng hạt điều. Để làm gì?

Nó nhớ đến những lời tung hô đường mật theo kiểu vừa đánh vừa xoa của thằng Trung. Nhớ đến những trái xoài vỡ nát, những chùm mận rụng rơi, những vòm lá xanh bị xé rách toạt dưới làn đạn của nó.

Nó nhớ đến những hạt cát bé xíu vung vãi trên nền trời khi viên đạn đầu tiên của thằng Trung chạm đích. Lấp lánh như thế, nhưng chẳng phải là sao trên trời.

Hóa ra những lung linh chỉ tồn tại trong mơ tưởng của nó thôi.

Sau tất cả, chỉ còn Việt đứng một mình, giữa vườn trưa lặng ngắt tiếng chim.

Cao Gia An, S.J.

Roma 01.06.2017

Advertisement

%d bloggers like this: