Một Chút Tết

 

Chỉ cần một chút Tết thôi
Khổ bao nhiêu khổ nữa rồi cũng tan
Bếp hồng ấm lại màu than
Cổng vang tiếng khách nhà vang tiếng cười

Nắng Xuân rãi lụa vàng tươi
Đường về luýnh quýnh bước người tha hương
Em, mùa xuân sắc diệu thường
Anh, nghiêng vai rũ bụi đường xa xôi

Chỉ cần một chút Tết thôi
Duyên mình sẽ thắm thành đôi duyên tình

Gia An, Tập Thơ “Chạm Một Miền Xuân” (nhiều tác giả)
NXB Hội Nhà Văn 2017, tr. 135.

 

Advertisement

Tết Quê

 

N ăm nay có Tết không em?
Anh đi xa mãi vẫn thèm Tết quê

Thèm cái lạnh độ Xuân về
Thèm con nắng giãi bờ đê ngọt lành
Thèm hương thịt mỡ, dưa hành,
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh, và…

Em ơi, em ở lại nhà
Giữ giùm anh chút mặn mà Tết quê
Chút linh thiêng độ Xuân về
Không còn Tết, nghĩa là quê không còn

Dù cho sông cạn núi mòn
Còn Xuân còn Tết là còn quê hương

Gia An, Tập Thơ “Chạm Một Miền Xuân” (nhiều tác giả)
NXB Hội Nhà Văn 2017, tr. 132.

 

Về Thôi…

 

Từ ta dứt áo ra đi
Đời như đã chẳng còn gì là Xuân

Thời gian thì cứ xoay vần
Chân thì cứ mãi nhịp chân giang hồ…

Từ chiều gió dạt sóng xô
Lòng như lá đã cạn khô cuối mùa

Về thôi, tìm lại Xuân xưa
Về thôi, sống phút giao thừa thiêng linh

Về thôi, ấm lại chữ tình
Nồng lên bếp lửa gia đình đoàn viên.

Gia An, Tập Thơ “Chạm Một Miền Xuân” (nhiều tác giả)
NXB Hội Nhà Văn 2017, tr. 91. 

 

Lời Nguyện Hoán Cải

“bỗng nhiên có một luồng sáng
từ trời chiếu xuống
bao phủ lấy ông”
(Cv 9.3)

Xin cho con được một lần quỵ ngã
Từ đỉnh cao hiển hách oai hùng
Bao toan tính mộng đời vụt tan rã
Như bụi trần dưới vó ngựa mù tung…

Xin cho con được một lần chạm đất
Lê lết bò càng trên sỏi đá cằn khô
Xin dạy con biết một lần sấp mặt
Ôm đau thương trong dấu lệ mờ.

Xin cho con được một lần chới với
Khi lý tưởng cuộc đời bỗng sụp đổ tàn phai
Xin dẫn con về miền ăn năn thống hối
Con thì thầm: “Lạy Chúa, Ngài là ai?…”

Xin cho con được một lần mù tối
Trước hào quang lấp lóa bủa vây
Xin cho con được một lần yếu đuối
Để được người dẫn lối cầm tay.

Xin một lần đẩy con vào đêm tối
Con chạm dần vào vụn vỡ phù hoa
Tước khỏi con bao hào nhoáng nhạt nhòa
Con về giữa miền đơn côi quạnh vắng.

Xin một lần dẫn con vào cõi lặng
Con một mình, và trống rỗng vây quanh…
Xin ánh sáng tự trời cao chiếu thẳng
Ôm phủ đời con trong ơn tái tạo thành.

Xin cho tim con được một lần hoán cải
Để thế gian lịm chết trong con
Khi mọi sự là phân tro rác rưởi
Con chỉ còn Ngài là Chúa của đời con.

Cao Gia An, S.J
Monte Cucco – Roma

 

Thầy biết con yêu mến Thầy (4)

Chương II: LÊN ĐƯỜNG

“Con chồn có hang, chim trời có tổ
nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”
(Mt 8,20)

Gioan

Cả dân tộc của chúng tôi được định hình trên đường.

Truyền thống kể lại rằng thủy tổ của chúng tôi là người thành Ur, ở một xứ sở phương Nam của vùng Lưỡng Hà Địa xa xôi, tận hạ lưu sông Êu-phơ-rát. Đó là vùng đất mỡ màng trù phú, nhưng con người lại hoàn toàn không có quyền gì trên cuộc đời của mình. Ở đó người ta thờ thần Mặt Trăng, thờ Enlil, Marduk, Nanshe, Amarzuen, Enki, Shamash, Utu, Anu, Nabu, Muati, Adad… và rất nhiều những vị thần khác nữa. Truyền thuyết từ đó kể rằng các thần đã dựng nên loài người để loài người làm nô lệ và phục dịch cho các thần. Mọi biến động thăng trầm trong cuộc hiện sinh của một kiếp người đều nằm trong bàn tay điều khiển và sinh sát của các thần. Có các thần yêu thương và chăm lo cho con người, nhưng cũng có các thần sẵn sàng dùng bệnh dịch và lụt hồng thủy để hủy diệt loài người…

Để đến được xứ sở mà chúng tôi đang bám trụ hôm nay, ông tổ của chúng tôi đã từ bỏ vùng Lưỡng Hà Địa trù phú, bước vào một cuộc đời du mục. Bỏ lại sau lưng là quê hương, xứ sở, và họ hàng thân thuộc, ông mang theo gia đình và đoàn tùy tùng của mình vào chuyến phiêu lưu. Đó không chỉ là hành trình đi tìm kiếm tương lai của một người trẻ. Chính xác, đó là hành trình đi theo tiếng gọi và tìm kiếm chân dung của một Đức Chúa chân thật và cá vị. Đức Chúa ấy không chỉ là chủ tể của muôn loài muôn vật, nhưng còn là Đấng mà người ta có thể gọi một cách thân thương Adonay, “Thiên Chúa của con”. Đức Chúa ấy không chỉ là một Đấng quyền năng, nhưng còn là một Đấng giàu lòng thương xót. Đức Chúa ấy biết nhìn xuống và cảm thương với thân phận con người. Đức Chúa ấy biết rung động trước con người, và có thể nhìn thấy nơi con người những điều “rất tốt đẹp”.

Từ quê hương thành Ur, đoàn lữ hành của tổ tiên chúng tôi đi ngược dòng về phương Bắc, lên đến thượng nguồn sông Êu-phơ-rát. Tại Kha-ran, họ  chuyển hướng hành trình theo lối Tây Nam, đi băng qua vùng đất của người Ca-na-an, đến Shi-khem, qua thung lũng Khép-rôn và sa mạc Nê-ghép để vào Ai-cập. Sau một thời gian ngắn định cư trên xứ sở của các Pha-ra-ô, đoàn lữ hành của các tổ phụ chúng tôi lên đường đi ngược lại hành trình tìm về xứ Ca-na-an. Đây là vùng đất Hứa chảy tràn sữa và mật mà Đức Chúa đã dành cho tổ phụ của chúng tôi. Người thiết lập giao ước với các tổ phụ, để chúng tôi trở thành dân riêng của Người và Người là Thiên Chúa duy nhất của chúng tôi. Người hứa cho dòng dõi chúng tôi nhiều như sao trên trời và cát bãi biển.

Theo những thăng trầm của dòng đời, có một thời gian dài tổ tiên chúng tôi phải làm nô lệ bên Ai-cập. Xuyên suốt dòng lịch sử của dân tộc chúng tôi, người hàng xóm phương Nam đầy tham vọng bá quyền này luôn là một mối họa khôn lường. Họ bắt dân chúng tôi làm nô lệ và lao công để xây cho họ những điện đài và thành quách. Họ tìm đủ mọi cách để sát nhập và đồng hóa chúng tôi vào dân của họ. Không thành công, họ lại tìm mọi cách để kìm kẹp và tru diệt chúng tôi.

Không cam chịu kiếp sống nô lệ, những người bị áp bức đã lên đường tìm về cố hương nơi có mộ phần của các tổ phụ. Chúng tôi gọi biến cố ấy là Xuất Hành. Đó là một chuyến hành trình đầy chông gai và thử thách, hành trình băng qua sa mạc để về Đất Hứa. Hành trình ấy kéo dài bốn mươi năm. Rất nhiều xương thịt của đồng bào chúng tôi đã bị vùi lại trong sa mạc cát nóng. Thế hệ lữ hành của cha ông đã qua đi, để cho thế hệ con cháu tiến vào Đất Hứa.

Như vậy, cả dân tộc chúng tôi được định hình trên đường, ngang qua những chuyến đi, ngang qua những cuộc xuất hành. Cuộc xuất hành từ đất Ai-cập là biến cố nền tảng, khẳng định căn tính của một dân được Đức Chúa chọn làm dân riêng. Đó là một dân độc lập và tự do.

Hôm nay Người đến, giúp chúng tôi sống lại căn tính tự do của dân tộc mình. Người đưa chúng tôi lên đường. Chưa ai biết hành trình phía trước thế nào. Nhưng ai cũng rộn ràng háo hức. Người bứng chúng tôi ra khỏi cái tù đọng và đơn điệu của nhịp sống thường ngày, đẩy chúng tôi vào cái long đong vô định nhưng đầy hấp dẫn của một cuộc mạo hiểm. Người cho chúng tôi được cháy lên với bầu nhiệt huyết và những khát vọng của tuổi trẻ. Với Người, chúng tôi khám phá những chân trời rộng hơn trên quê hương xứ sở của chính chúng tôi.

Bỏ lại làng Na-khum, Người dẫn chúng tôi đi khắp miền Ga-li-lê.

Nếu có ai muốn hình dung về vùng đất chảy tràn sữa và mật, chỉ cần đến vùng Ga-li-lê của chúng tôi. Đây là đất được chia cho bốn bộ tộc Đan, Dơ-vu-lun và Ít-sa-ca và Náp-ta-li. Phương Nam là vùng đồi núi Sa-ma-ri. Phương Đông là vùng Thập Tỉnh, liên hiệp mười thành phố mới được xây bởi người Ro-ma. Đông Bắc là vùng cao nguyên Go-lan với rặng Hec-mon cao ngất, là nơi đầu nguồn nước chảy vào Biển Hồ và sông Gio-đan. Tây Bắc là xứ sở trù phú của vương quốc Phê-ni-xia vùng Biển. Là vùng bình nguyên bình yên và trù phú, Ga-li-lê là điểm giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị và là điểm đến của rất nhiều sắc dân khác nhau. Thế nên từ thời của ngôn sứ I-sa-ia, Ga-li-lê đã được gọi là vùng đất của dân ngoại. Từ góc nhìn tôn giáo, đó là vùng đất nhiễu nhương và tạp nhạp.

Người xuất thân từ vùng nhiễu nhương và tạp nhạp ấy. Chúng tôi cũng là những đứa con sinh ra trên vùng đất nhiễu nhương và tạp nhạp ấy. Trong thực tế, đã có rất nhiều người con ưu tú của dân tộc chúng tôi chọn tách mình ra khỏi cuộc sống, tìm về vùng hoang mạc hẻo lánh, để được sống trung tín với lề luật và truyền thống của cha ông. Họ theo đuổi một lối sống nhiệm nhặt, giữ chay và cầu nguyện, tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời và thánh ý của Đức Chúa ngang qua những trang Kinh Thánh. Họ trở thành những bậc thầy về thiêng liêng và đời sống đạo đức. Họ hút về mình rất nhiều người trẻ, những kẻ “tầm sư học đạo”, muốn tìm một con đường tìm một lối đi.

Con đường của Người đi thì ngược lại. Và Người dẫn chúng tôi đi ngược lại con đường của những người xuất thế.

Khi mỗi người chúng tôi đang còn mê mải trên vũng đời của riêng mình thì Người đến. Người gọi chúng tôi đi. Người xuất hiện theo cách của một minh sư đi tìm đồ đệ. Không phải là chúng tôi chọn Người, nhưng chính Người đã chọn chúng tôi. Mọi sáng kiến và kế hoạch đều đến từ phía Người.

Theo chân Người, chúng tôi vẫn tưởng Người sẽ dẫn chúng tôi đi thật xa. Lánh khỏi chốn hồng trần bụi bặm. Tách khỏi cái tạp nhạp nhiễu nhương. Chúng tôi vẫn tưởng Người sẽ huấn luyện chúng tôi ở một nơi nào đó khác, bằng một nhịp sống khác, với những bài học khác… Nhưng không. Người dẫn chúng tôi nhập thế. Chỗ mà Người muốn dạy chúng tôi không phải là một vùng trời xa xôi hẻo lánh, nhưng là ngay giữa cuộc sống thường ngày, trên con đường chúng tôi đi về mỗi ngày. Trường học của chúng tôi nằm ngay giữa lòng đời. Bài học dành cho chúng tôi được rút ra từ chính những con người hữu hình, những hình ảnh cụ thể, những cuộc gặp gỡ giữa người với người. Người bắt đầu dạy chúng tôi khởi đi từ những hạt giống được gieo vào lòng đất, những mẻ cá được kéo lên từ giữa lòng biển, từ vườn nho đến ruộng lúa, từ những cánh chim trên trời đến những bông hoa ngoài đồng, từ hạt muối đến nắm men và những chiếc đèn dầu, từ những đồng tiền đến những kho báu, từ cây sung cây vả đến hạt cải và những cây cỏ lùng… Những kẻ mà Người muốn chúng tôi gặp gỡ và đối thoại là bất cứ loại người nào, từ các kinh sư luật sĩ ký lục biệt phái và những kẻ công chính cho đến những người thu thuế, những cô gái lầm lỡ, những kẻ bị coi là tội lỗi bị dạt ra bên lề, những người bệnh tật đau yếu, những kẻ bị nhiễm thần ô uế và bị quỷ ám…

Thiên Chúa mà Người muốn giới thiệu và rao giảng cho chúng tôi không phải là một vị thần cao xa trừu tượng, nhưng là một người Cha, và chúng tôi là con cái được quy tụ trong mái nhà của Người. Nơi trái tim và ánh mắt của Người, chúng tôi chạm vào trái tim và ánh mắt của Thiên Chúa. Công trình mà Người muốn chúng tôi cùng chung tay xây dựng là một công trình vĩ đại, nhưng không vượt quá tầm tay của con người. Công trình ấy được Người gọi là “Nước Thiên Chúa”, và Nước ấy đã đến gần. Nước ấy được xây dựng bởi chúng tôi, giữa chúng tôi. Công dân của Nước ấy không phải là những con người ưu tuyển theo lối nhìn đạo đức của người đời. Nước ấy thuộc về những ai biết mở lòng mình ra đón nhận, và biết để cho mình được đón nhận.

Đó là một con đường dài.

Và chúng tôi chỉ là những kẻ mới biết đi chập chững.

Trên hành trình mới, Người dần gỡ chúng tôi khỏi những cậy dựa và bám víu mà cuộc sống đã đặt vào chúng tôi. Với Người, chúng tôi trở thành những học trò nhỏ, tập nhìn lại cuộc sống bằng ánh mắt mới, tập suy nghĩ trên con đường mới, tập mở lòng đón nhận những giá trị mới.

Cùng Người, chúng tôi bước vào hành trình của những kẻ “không có chỗ tựa đầu…”

 

Thầy biết con yêu mến Thầy (3)

Chương II: LÊN ĐƯỜNG

“Con chồn có hang, chim trời có tổ
nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”
(Mt 8,20)

Phêrô

Thế là tôi bỏ mọi sự mà theo Người. Bỏ lại cha già trên chiếc thuyền. Bỏ lại những người làm công đã bao năm cùng tôi chia ngọt xẻ bùi. Bỏ lại rất nhiều điều thân thuộc trong ngôi làng Na-khum. Tôi bước vào cuộc phiêu lưu của đời mình.

Nghĩ cũng lạ. Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên, nhờ làm theo lời Người, anh em chúng tôi bắt được một mẻ cá lạ lùng. Sau đó thì cả nhóm chúng tôi tự nguyện biến thành cá để cho Người bắt gọn! Mẻ cá nào lạ lùng hơn: Hai chiếc thuyền rỗng tự nhiên được đổ đầy cá đến đỗi gần chìm, hay những cuộc đời tưởng đã đầy đã đủ tự nhiên bị làm rỗng và bị hút một cách không cưỡng nổi trước lời mời gọi của Người?

Để trấn an tôi, Người bảo: “Đừng sợ!” Chỉ với hai tiếng ngắn gọn, Người chạm rất sâu vào cõi lòng tôi. Là một người trẻ, tôi không thiếu ước mơ và hoài bão. Nhưng đời tôi cũng không thiếu nỗi sợ. Đôi khi tôi vẫn tự hỏi, tại sao mình lại được sinh ra trong hoàn cảnh nhiễu nhương thế này? Tại sao mình chỉ là một kẻ chài lưới tầm thường trong một ngôi làng vô danh? Liệu một kẻ chài lưới tầm thường có làm được gì cho quê hương và dân tộc mình trong hoàn cảnh bần cùng nhiễu nhương chăng? Cuộc đời ngoài kia như quá rộng, có chỗ nào cho tôi chăng?

Người đến, như một cơn gió cuốn tôi đi. Những âu lo và trăn trở cũng bị thổi bay theo một cách nào đó thật lạ. Tôi bước đi. Thấy lòng mình nhẹ tênh. Thấy đời mình rộng thênh…

Người ta nhìn chúng tôi bằng ánh mắt kỳ lạ. Nhưng cái nhìn ấy sớm được thay thế bởi sự háo hức của những kẻ đi tìm. Cũng phải! Không chỉ mình tôi mới là kẻ bị Người làm cho chếch choáng ở phút đầu gặp gỡ.

Nơi nào có bước chân Người đến, nơi đó có người được cứu. Tôi không thể nào quên ấn tượng về ngày đầu tiên theo bước chân Người. Người dẫn chúng tôi vào Hội Đường của làng Na-khum. Ở đó, Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền. Ở đó, chúng tôi được chứng kiến những dấu lạ mà trước đây chúng tôi chỉ được nghe kể về các ngôn sứ quyền năng của chúng tôi. Không ai dám đối mặt với Người, từ những kinh sư luật sĩ thông thạo Sách Thánh và Lề Luật, cho đến những kẻ bị ám bởi ma quỷ và thần ô uế. Ở đó, toàn dân đều sững sốt về Người. Bước chân của Người kéo theo đông đảo bước chân của đoàn lũ dân chúng. Người giảng cho họ nghe những lời giảng dạy đầy mới mẻ và có uy quyền. Cả thành xúm lại trước mặt người.

Tôi nghĩ rằng tôi đã chạm tay vào giấc mơ của đời mình. Giấc mơ ấy là gì thì tôi chưa thể gọi tên hay giải thích được. Nhưng từ khi gặp Người, tôi thấy trái tim mình đầy lắm. Nhìn đoàn người lũ lượt kéo đến nghe lời Người, lòng tôi xốn xang lắm. Những gương mặt lam lũ nhưng sáng lên với ánh mắt khát khao. Họ nghe như hớp lấy từng lời của Người. Lời Người như lấp đầy khoảng trống và chạm đến góc say mê thẳm sâu nào đó trong thế giới của những con người nghèo khó và lầm than. Người chạm đến họ. Chạm đến những bệnh tật và thương tích bên ngoài. Chạm đến cả những khao khát và thiếu hụt bên trong.

Tôi nhìn thấy mình nơi gương mặt và ánh mắt của những kẻ tìm đến với Người. Tôi như chạm được vào những thiếu hụt và khao khát của họ. Bởi đó cũng là những khao khát và thiếu hụt của lòng tôi, của đời tôi. Cùng nhau, chúng tôi đến với Người. Họ dạy tôi bài học đầu tiên quý giá rằng chỉ dừng lại ở cái thiếu hụt của mình thì mãi mãi mình vẫn là kẻ thiếu hụt. Mở ra với những thiếu hụt của người khác là cách tốt nhất để tôi vượt qua tình trạng thiếu hụt của đời mình.

 Vậy là Người dẫn tôi đi, vượt qua những thiếu hụt của đời tôi.

Con đường Người đi luôn là một con đường khác. Khi những người làng Na-khum muốn giữ Người lại, cũng là lúc Người bỏ họ mà đi. Có lẽ vì làng chúng tôi quá nhỏ để có thể giữ chân Người. Nhưng cũng có thể vì Người còn một kế hoạch lớn lao hơn, cho nhiều người hơn… Ơn gọi của Người là lên đường, và sứ mạng của Người là ra đi.

Người đi, và kéo theo những kẻ Người muốn cùng đi.

Ngang qua trạm thu thuế, Người gọi Mát-thêu. Tôi biết Mát-thêu, mặc dù chưa bao giờ tôi tiếp xúc với con người này. Tôi cũng hiểu tại sao chỉ bằng một cái nhìn và một lời mời, Người có thể bứng Mát-thêu ra khỏi chiếc ghế đã từ lâu anh yên vị. Người đến như một cơn gió lốc thổi qua, ai có thể cưỡng lại được chứ!

Với người dân làng Na-khum, chỗ ngồi của Mát-thêu là nơi hội tụ tất cả những gì đáng khinh và đáng ghét. Đó là chỗ của những người chung tay với ngoại bang để bòn rút trên xương máu của dân mình.

Có một đôi lần tôi đi ngang qua chỗ Mát-thêu. Ánh mắt chúng tôi đã chạm vào nhau trong một khoảnh khắc.  Chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi và tình cờ thôi, nhưng đủ để chúng tôi nhìn thấy khát vọng của lòng mình nơi ánh mắt của nhau, tôi tin vậy. Có thể lắm chứ. Một kẻ ngày ngày ngồi nơi chiếc bàn thu thuế trong căn phòng tối của cuộc đời. Một kẻ ngày ngày rong ruổi với chiếc thuyền con trên mặt biển lớn. Cả hai cùng chia chung một khát vọng: tìm thấy cuộc đời của chính mình!

Lúc này đây, khi đã được kéo ra khỏi chiếc thuyền con của đời mình, tôi mới bắt đầu nghĩ về chiếc ghế mà Mát-thêu đang ngồi. Nói gì thì nói, đó vẫn là niềm mơ ước của nhiều người. Người ta có thể khinh ghét và dè bĩu một địa vị xã hội nào đó, cho đến khi người ta có cơ hội ngồi vào nó. Tôi không biết Mát-thêu đã ngồi ở chiếc bàn thu thuế bao lâu. Nhưng rõ là ngồi càng lâu thì người ta càng khó đứng dậy. Bất chấp những khát vọng và thao thức giữa lòng người, bất cứ một chỗ ngồi nào giữa lòng xã hội đều có khả năng tạo nên một sức ì và làm tê liệt mọi vẫy vùng phản kháng. Ngày ngày cắm cúi bên bàn thu thuế, trên những con số, với những đồng bạc cắc, Mát-thêu sống cuộc đời của một chiếc thuyền bị mắc cạn. Có chiếc thuyền mắc cạn nào lại không mơ về khơi xa…

Bất chấp những định kiến mà dân làng Na-khum dành cho Mát-thêu, tôi vẫn tin rằng chiếc bàn thu thuế ấy vốn không thuộc về Mát-thêu. Hay đúng hơn, anh không thuộc về chỗ ấy. Tôi không biết cơ duyên gì đã đưa Mát-thêu đến ngồi trên chiếc bàn thu thuế của làng Na-khum, nhưng tôi biết chiếc bàn ấy chẳng thể nào giữ chân anh. Mát-thêu là con người rất có cốt cách, và ngòi viết của anh chắc chắn có thể làm được điều gì đó lớn lao hơn nhiều so với chuyện chỉ đếm những con số và chỉ cộng những khoảng tiền.

Hơn ai hết, Người nhận ra điều đó. Đi ngang qua, Người đưa mắt nhìn, và gọi anh. Vậy là anh bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người. Cái khoảng cách từ anh đến Người coi vậy mà gần trong gang tấc. Nó được rút ngắn chỉ bằng một loạt những động tác kiên định và dứt khoát: đứng dậy đi theo. Tôi biết, với Mát-thêu, chuyển từ tư thế ngồi sang tư thế đứng là cả một cuộc cách mạng của cuộc đời. Đứng dậy là vùng lên, là vượt thắng, là thả rơi tất cả những gì trước đây đã ràng buộc và kiềm chân mình lại. Là để cho mình được lay tỉnh khỏi một cơn mê dài. Đứng dậy rồi, Mát-thêu bước đi. Đi là chuyển từ tâm thế thụ động sang tư thế chủ động, là để cho sức mạnh từ thâm sâu con người mình bùng phát, là để cho đời mình chuyển bước. Đi là sống. Những bước đi của Mát-thêu là những bước đi theo một hướng rất rõ nét: theo sát gót chân của một con người.

Ngay khi Mát-thêu đứng dậy đi theo Người, Người theo Mát-thêu về nhà của anh ấy. Ai cũng biết rằng nhà của Mát-thêu là nơi hội họp thường xuyên của những người làm nghề thu thuế và những kẻ bị người ta cho là tội lỗi. Nhà của Mát-thêu là nơi người ta thường xa lánh để giữ cho sự công chính của mình không bị tì vết. Nhưng đó lại là căn nhà mà Người muốn bước vào. Bằng việc đứng dậy và buông rơi mọi thứ, Mát-thêu mở toang cửa nhà mình để đón bước chân Người. Và bước chân ấy đã không ngại ngần bước vào. Đã có thể đặt vào Hội Đường và những nơi thiêng thánh, bước chân ấy cũng không ngại đặt vào những nơi bị coi là bùn nhơ tội lỗi.

Nhìn ngắm những bước chân đầu tiên của Người, tự nhiên và thanh thoát, bước qua ngưỡng cửa nhà Mát-thêu, lòng tôi rung lên niềm mừng vui khôn tả. Đẹp thay những bước chân của người loan báo Tin Mừng! Đẹp thay những bước chân cứu độ của người đi tìm và cứu những gì hư mất!

Đồng bàn cùng Người và những người bạn của Mát-thêu, những kẻ mà trước đây tôi vẫn thường giữ một khoảng cách, trong không gian đầy ắp tiếng cười, tôi mới hiểu ra thế nào là giá trị của tình người. Trái tim của Người là trái tim dành cho những con người, nhất là những người bị dạt ra bên lề xã hội. Người không tìm kiếm một căn nhà sạch sẽ mà lạnh lẽo cứng ngắc. Người thích những căn nhà còn bề bộn ngổn ngang nhưng ấp áp tình người. Người không muốn bước vào căn nhà của những người đã thấy mình đầy, mình đủ, mình đã hoàn thiện và xứng đáng. Người thích những căn nhà còn nghèo, còn thiếu, và còn thấy mình cần phải mở ra để đón nhận. Người không muốn bước vào nhà người ta để xem diễn kịch, để gặp những con người đẹp đẽ lúc nào cũng đeo mặt nạ. Người thích xem những tấm lòng ngay, thấy những con người thực. Người bước vào chính cái không gian mù tối trong cuộc đời của Mát-thêu. Và không gian ấy bừng sáng.

Vậy là chúng tôi bước theo Người, như những kẻ được Người chinh phục. Người dẫn chúng tôi bước vào cuộc Xuất Hành mới trong hành trình cuộc đời của mỗi người.

Thầy biết con yêu mến Thầy (2)

Chương I: GẶP GỠ

“Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ,
những người đánh cá đã ra khỏi thuyền
và đang giặt lưới”
(Lc 5,2)

Gioan

Tôi ngỡ ngàng trước giây phút họ gặp nhau. Giây phút Người đặt chân xuống thuyền của anh ấy, tôi biết, có một điều gì đó thật lớn lao đang làm thay đổi trọn vẹn cuộc đời của chúng tôi. Từ rất lâu rồi, tôi đã nghĩ rằng cuộc sống này không dành cho chúng tôi. Cuộc sống này chỉ là cái gì đó tạm bợ, và vùng biển hồ này chẳng thể nào đủ rộng để giữ chân chúng tôi được.

Khi một con người vĩ đại đang ngủ, cần một con người vĩ đại khác lay tỉnh.

Anh ấy là một con giao long đang trầm mình giữa vũng biển hồ nhỏ nhoi. Một vùng biển hồ nhỏ nhoi này làm sao đủ để anh ấy có thể thỏa sức vẫy vùng. Anh ấy được sinh ra cho một cuộc sống khác, cho một ơn gọi khác.

Chúng tôi là bạn của nhau từ thời niên thiếu. Làng Na-khum của chúng tôi, ngôi làng may mắn mang tên Do-thái của một vị ngôn sứ trong Kinh Thánh, tọa lạc bên bờ Bắc của Biển Hồ, là một hải cảng sầm uất với nghề đánh cá. Sự no ấm của cả làng bắt nguồn từ những chiếc thuyền đầy cá. Mỗi sáng sớm, chúng tôi thức giấc khi mặt trời vẫn còn ngủ vùi. Tiếng gọi nhau trên bãi. Tiếng mái chèo khua nước. Tiếng người hò nhau kéo lưới. Tiếng chợ. Tiếng cười vỡ ra giòn tan khi ánh nắng đầu ngày xuất hiện. Cùng với ánh sáng từ trời, chúng tôi đón vào đời mình sự ấm no và bình yên đến từ những chiếc ghe thuyền đầy tôm cá.

Nghề đánh cá khiến ngôi làng của chúng tôi thay da đổi thịt mỗi ngày. Lúc này, mặc dù người ta còn gọi địa phương chúng tôi là Kfar-Na-khum, làng Na-khum, nhưng thực chất chúng tôi đã là một tiểu trấn phồn vinh. Chúng tôi là nơi đến của những thương gia, là đất sống của những người làm nghề thu thuế. Nơi này, như rất nhiều đô thị khác dưới quyền bảo hộ của Đế Quốc Ro-ma, không thiếu những cô gái điếm và những người tội lỗi bị xã hội khinh miệt và xa lánh. Để gìn giữ an ninh trật tự, người Ro-ma đặt một binh đoàn dưới quyền chỉ huy của một viên đại đội trưởng.

Làng của chúng tôi được thành lập bởi vương triều Has-mo-ne-an. Thật ra, trên bản đồ của toàn bộ vùng đất này, quê hương xứ sở của chúng tôi chỉ là một rẻo đất nhỏ xíu và vô danh vô phận. Sự bình yên hay biến động trong đời sống chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào những biến chuyển trong lòng các Đế Quốc lớn bao đời làm những kẻ xâm lăng và thôn tính. Ai-cập. Át-sua. Ba-by-lon. Ba-tư. Hy-lạp. Và lúc này là Rô-ma. Vào khoảng giữa thời kỳ chuyển giao giữa Hy-lạp và Ro-ma, chúng tôi đã được hưởng nếm một giai đoạn độc lập ngắn ngủi, đến từ chiến thắng sau cuộc nổi dậy của những anh hùng dân tộc thuộc gia đình Mác-ca-bê. Họ là những người lập nên triều đại Has-mo-ne-an hiển hách. Mặc dù giai đoạn độc lập ấy chỉ thoáng qua. Nhưng theo cách của một tia chớp giữa màn đêm, họ đã thắp lên giữa lòng những người yêu nước một ngọn lửa âm ỉ chỉ chực bùng cháy. Đã có rất nhiều người trẻ như chúng tôi chọn con đường quá khích, sẵn sàng dùng bạo lực để đạt đến lý tưởng giải phóng dân tộc.

Nhưng đó không phải là lựa chọn duy nhất.

Có những người không quan tâm đến biến chuyển đổi thay của thời thế, rút lui về sa mạc để sống thành những cộng đoàn khổ chế và nhiệm nhặt. Họ cầu nguyện và hy vọng chính Thiên Chúa sẽ can thiệp, như chính Người đã nhiều lần đích thân can thiệp vào giữa dòng lịch sử của dân tộc chúng tôi.

Cũng có những người chấp nhận đặt chân vào chốn nhiễu nhương, chọn con đường dấn thân và cộng tác với chính quyền thống trị, để xây dựng xã hội và tìm mưu ích cho dân tộc.

Không phải là không có những kẻ cơ hội, như những người thu thuế, sẵn sàng bắt tay với ngoại bang để bóp chẹt và bòn rút trên xương máu của dân tộc mình.

Nhưng mặc kệ những biến động của chính trị và bao thế lực ngoại xâm. Với chúng tôi, những người chài lưới mới thật sự là những anh hùng và là biểu tượng của nguồn sống. Họ ra đi trong đêm, vật lộn với những cơn sóng biển, dò tìm để mang về sự sống và ấm no. Họ là biểu tượng của sức mạnh, của no ấm, và là kết tinh của những gì đáng tự hào. Thế nên nếu phải dựng tượng cho ngôi làng của mình, chúng tôi sẽ khắc tượng một người chài lưới thân hình cuồn cuộn cơ bắp và ánh mắt sâu thăm thẳm. Họ đẹp hơn cả những chiến binh Hy-lạp, và oai phong hơn nhiều so với binh lính Ro-ma lúc nào cũng xúng xa xúng xính trong những bộ quân phục lòe loẹt.

Anh ấy là thủ lãnh của chúng tôi, những kẻ làm nghề chài lưới đánh cá.

Nhà anh ấy ở kế bên bờ Biển Hồ, trên con đường chính nối từ bến cảng về trung tâm ngôi làng. Đó là một ngôi nhà rộng với một khoảng sân rất rộng, là nơi lui tới thường xuyên của bạn bè và người quen. Bộc trực, thẳng thắng, và chân tình là những nét tính cách rất đặc trưng của anh ấy. Nhờ vậy mà nhà anh ấy lúc nào cũng đầy bạn bè lui tới.

Kế bên nhà anh ấy là một Hội Đường tráng lệ. Cần phải nói rằng chúng tôi là những người kính thờ Đức Chúa. Trong làng của chúng tôi, những người được xem là đàn ông thực sự không phải là những kẻ lúc nào cũng chỉ biết vung vít với sức mạnh của nấm đấm. Đàn ông là người đại diện cho toàn dân trong những buổi cầu kinh của Hội Đường. Họ là gương mặt, là giọng nói, là số phận của dân tộc chúng tôi. Dù có là những kẻ đầu đội trời chân đạp đất, bước chân vào đến Hội Đường, trên đầu họ là những chiếc mũ kip-pa, loại mũ không vành nhỏ bé vừa bao gọn vòm đầu, là biểu tượng của bàn tay che chở mà Đức Chúa đặt trên chúng tôi và cha ông chúng tôi qua suốt dòng lịch sử. Dòng lịch sử ấy dạy chúng tôi rằng, người đàn ông thực sự không phải là kẻ chỉ biết đứng thẳng ngẩng cao đầu, nhưng là người biết quỳ gối và kính sợ Đức Chúa.

Thế nên chúng tôi không có gì phải ngỡ ngàng khi thấy anh ấy quỳ gối phủ phục trước mặt Người. Vòng tay ôm lấy trọn chân Người, anh ấy thốt lên: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” Trong cơn bối rối và kính sợ, anh ấy đã sống rất thật với chất trẻ trong mình. Anh ấy ôm chặt thế, bảo Thầy tránh đi đâu được! Chắc là trong cơn hân hoan quá độ, anh ấy đã bối rối không biết mình đang nói gì. Thật ra, anh ấy đâu có muốn Thầy tránh xa. Có lẽ anh ấy muốn nói thế này: Lạy Thầy, con là kẻ tội lỗi, xin đừng tránh xa con…

“Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta như bắt cá!” – Người đã đáp lời anh ấy như thế. Bắt cá là nghề của anh ấy, cái nghề đã lớn lên từng ngày và đã làm nên cuộc đời của anh ấy. Giờ thì anh ấy có một nghề mới: thu phục người ta. Thật kỳ diệu, nghề mới của anh ấy lại được so sánh trên nền của cái nghề cũ.

Tôi bỗng giật mình nhớ lại câu đầu tiên mà Người nói với anh: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá!” Từ khi đón Người vào nhà mình, sứ mạng của anh ấy là chèo ra chỗ nước sâu. Anh ấy đã đáp lời Người thật dễ thương làm sao: “Thưa Thầy, chúng con đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới.”  Ngay lập tức anh ấy làm một cuộc mạo hiểm ra chỗ nước sâu, và tất cả chúng tôi đều bị cuốn theo vào cuộc mạo hiểm ấy.

Cuộc mạo hiểm làm thay đổi trọn vẹn tương lai và vận mệnh cuộc đời của chúng tôi.

 

Thầy biết con yêu mến Thầy (1)

Chương I: GẶP GỠ

“Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ,
những người đánh cá đã ra khỏi thuyền
và đang giặt lưới”
(Lc 5,2)

Phêrô

Tôi khom người giặt lưới. Có gì vô vị như công việc này chăng? Khom người xuống để nhúng tấm lưới xuống nước, thẳng người lên để nâng tấm lưới lên không. Dòng nước sẽ lo giữ lại và cuốn đi tất cả những rác rến bèo nhèo bám vào mảnh lưới. Tất cả những gì con người phải làm là vòng cử động đơn điệu khom người xuống rồi thẳng người lên. Sau một đêm vất vả với sông hồ, tất cả những gì tôi thu được chỉ là một manh lưới trống.

Bình minh ló rạng. Những tia sáng đầu ngày xuyên qua tấm lưới trống huơ trống hoác. Những tia sáng nhảy nhót trên mặt nước cứ như bỡn cợt trêu ngươi trước cái nghèo nàn trống trãi của đời tôi, của lòng tôi.

Hai chiếc thuyền đang đậu dọc bờ hồ. Ấy là tất cả gia tài mà tôi có. Hai chiếc thuyền trống rỗng. Sóng nước mấp mô. Hai chiếc thuyền nhẹ hẫng chòng chành cứ trồi lên hạ xuống theo nhịp điệu đều đặn của những cơn sóng. Nhịp điệu ấy tẻ nhạt và chán ngắt như chính nhịp điệu của cuộc sống. Nắng đổ đầy vào khoang thuyền, càng làm lộ rõ cái trơ huơ trống rỗng. Gió biển lùa vào, lồng lộng mênh mang…

Là cái trống trãi của khoang thuyền, hay là cái thênh thang trống vắng của lòng tôi? Là cái đơn điệu của sóng đời, hay là cái tẻ nhạt nhàm chán trong nhịp sống thường ngày của tôi? Đi ra rồi đi vào, cuộc sống có gì khác hơn là một vòng khép kín trên một lũng sông hồ bé tẹo?

Bình minh lấp lóa trên mặt biển. Ngoài kia con nắng đã lên, sao lòng tôi vẫn đang còn khắc khoải tìm kiếm một mùa nắng mới? Vẫn còn nhiều góc khuất trong lòng tôi đến độ nắng trời không thể nào dọi vào được chăng? Ở một góc nào đó thật sâu trong lòng, tôi vẫn không thôi tìm kiếm một điều gì đó mới mẻ hơn, tươi tắn hơn, chắc chắn và ổn định hơn. Là gì nhỉ? Thành công ư? Hay là danh vọng? Hay là hạnh phúc? Hay đơn giản chỉ là những khao khát cồn cào và những tìm kiếm chưa thể gọi tên đang ẩn khuất giữa lòng tôi, những điều mà cuộc sống bình yên này vốn dĩ không đủ sức để thỏa mãn và lấp đầy?

Có lẽ tôi là kẻ quá mơ mộng hão huyền chăng? Hạnh phúc ư? Nếu sáng hôm nay những gì tôi gỡ ra khỏi chiếc lưới của mình không phải là những mảnh rác vô dụng mà là những chú cá tươi ngon, thì tôi đã chẳng hạnh phúc sao? Ước mơ của tôi liệu có phức tạp và vô hình như tôi nghĩ không, hay đơn giản chỉ là một mẻ lưới nặng vừa đủ và một chiếc thuyền vừa lưng lửng cá?

Đơn giản là thế, nhưng phải tìm thì mới có. Cái hạnh phúc ấy đâu thể nào tự dưng nhảy vào khoang thuyền đời tôi. Tôi đi tìm cái hạnh phúc nhỏ nhoi ấy trên lòng biển. Tôi săm soi rà soát từ ngóc này đến ngách kia, từ bờ này đến bãi nọ… Vậy mà nói cho cùng, tôi cũng đâu thể nào làm chủ cái hạnh phúc nhỏ nhoi của đời mình. Phần lớn tất cả những gì tôi có thể làm là chờ đợi. Tung một vòng lưới rộng bằng chính vòng tay cỏn con của mình, gác mái chèo giữa lênh đênh mặt biển, tôi chờ. Làm sao tôi có thể biết được những gì đang diễn ra trong lòng biển, dưới khoang thuyền. Làm sao tôi có thể làm chủ được những gì đang trôi vào mảnh lưới đời tôi. Tôi là kẻ đi săn bắt, hay đơn giản tôi chỉ là một kẻ ăn mày? Tôi là người kiến tạo và tìm kiếm, hay đơn giản chỉ là người đang chờ đợi một sự giáng phúc thi ân từ giữa lòng mẹ biển? Chiến đấu với những cơn sóng đời, con người tôi dần trở nên cứng rắn vạm vỡ. Nhưng biển cả lại dạy tôi về sự nhỏ bé và yếu đuối kỳ lạ của mình. Thật sự tôi là ai, tôi là gì? Những cố công chèo chống của tôi có ý nghĩa gì? Những tìm kiếm nhỏ nhoi hàng ngày đang đưa tôi về đâu? Có thật sự đây là cuộc sống của tôi chăng?

Biển sớm bình yên, nhưng lòng tôi đầy biến động. Nắng khơi và gió biển trong trẻo biết bao, nhưng lòng tôi vẫn là một tiếng thở dài hoang lạnh.

Chính lúc ấy, Người xuất hiện. Theo sau là một đám đông chen lấn để đến gần Người. Người chầm chậm nhìn ra bờ biển, chầm chậm tiến đến hai chiếc thuyền đang đậu dọc bờ hồ. Nhẹ nhàng Người đặt chân lên khoang thuyền trống. Là khoang thuyền của tôi. Tại sao là khoang thuyền của tôi? Ngẫu nhiên tình cờ ư?  Tôi không biết.

Sóng vẫn ì oạp vỗ bờ, nhưng khoang thuyền đã thôi chênh chao lúc lắc. Tôi ngẩng đầu lên, bỗng dưng ngộ ra một điều thú vị. Khoang thuyền của tôi cứ chênh chao lúc lắc theo từng nhịp biến chuyển của sóng đời là vì nó thiếu một sức nặng. Chỉ cần có một sức nặng đặt vào, những máy động của sóng đời cũng đâu đến độ làm nó bấp bênh đến thế. Là tôi đã thả rỗng lòng mình. Là tôi đang mải mê tìm kiếm một điều gì đó bên ngoài lòng mình. Tôi ra đi, cắm cúi kiếm tìm trên những mảnh lưới đời, bỏ lại lòng mình, một khoang thuyền trống trơ và rỗng tuếch.

Người đã bước vào khoang thuyền ấy, lặng lẽ như một người khách lạ. Người đưa mắt nhìn tôi. Đó là lần đầu tiên tôi chạm vào ánh mắt Người. Lòng tôi ngất ngư chếch choáng. Là do những tia lấp lánh trên mặt biển sớm, hay là do ánh mắt của Người đang nhìn tôi?

Người xin tôi chèo thuyền ra xa bờ một chút. Ra là Người muốn mượn tạm chiếc thuyền của tôi! Rồi Người ngồi xuống. Từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông dân chúng. Tiếng Người vang động trên mặt biển sớm. Những tia nắng đầu ngày rọi vào mặt Người chói lọi. Tôi ngỡ ngàng nhìn thấy đám đông đang chăm chú lắng nghe như hớp lấy từng lời của Người.

Ai đó đã nói rằng có những con người như châu báu. Dù chưa bao giờ gặp mặt họ và cũng chưa bao giờ nghe nói về họ, nhưng ngay ở lần đầu tiên gặp gỡ người khác có thể nhận ra ngay người ấy là châu báu. Không thể giải thích rõ ràng tại sao, nhưng tôi biết chắc rằng cái ấn tượng ấy tuyệt đối không sai lầm. Con người ấy đang ở đây. Châu báu ấy tôi đã gặp lúc này. Ngay ở đây. Trên chính khoang thuyền đời tôi.

Tôi đảo mắt một vòng ra mặt biển mênh mông. Cũng cái bầu không khí thoáng đãng ấy, cũng cái nắng đầu ngày rực rỡ ấy, cũng cái mùi gió biển thân thương ấy. Đã từ rất lâu, tôi trở nên quen thuộc với mặt biển này, bờ hồ này, và khung cảnh sống này. Quen thuộc đến độ mọi sự trở nên bình thường và tẻ nhạt trong tôi. Nhưng sáng hôm nay, có điều gì chuyển biến lạ lắm! Có cái gì đó mới mẻ đang dần dần nhen nhóm và thành hình. Là cuộc sống quanh tôi đang chuyển biến, hay là lòng tôi đang âm thầm biến chuyển? Cái chuyển biến ấy bắt đầu với sự xuất hiện đột ngột của Người, nơi một góc nhỏ bé này của cuộc sống, nơi bước chân tôi đi về ngày qua ngày, nơi chính khoảng trời rất riêng của đời tôi. Người ngồi đó, điềm nhiên tự tại, mà sao lòng tôi như bị đụng chạm, bị thấu suốt đến tận từng ngóc ngách.

Ánh mắt tôi lại trở về bên Người, dừng lại nơi chiếc thuyền nhỏ mà Người đang ngồi. Từ lâu tôi đã dùng chính hình ảnh chiếc thuyền này để mô tả về cuộc đời mình. Chông chênh và trống trãi như thế đó. Trơ vơ và buồn bèo như thế đó. Lắm khi cũ kỹ và vô dụng như thế đó… Ai ngờ, cũng có lúc nó trở nên hữu dụng như hôm nay. Chiếc thuyền cả đời chỉ quen vật vờ với sóng gió, giờ bỗng dưng nằm hiền ngoan để nâng bước chân Người, để làm một điểm tựa cho Người, để đón Người vào nhà, để đưa Người đến với khắp bàn dân thiên hạ.

Từ trên thuyền, Người cất lời giảng dạy. Những lời thấm sâu vào con tim của những con người đang miệt mài tìm kiếm một ý nghĩa sống cho cuộc đời.

Người đã mượn của tôi chiếc thuyền. Chỉ là mượn tạm thôi! Một chốc, rồi Người sẽ ra đi. Còn lại sẽ vẫn là một khoang thuyền cô đơn và trống trãi như nó đã từng cô đơn trống trãi. Tự nhiên tôi thấy lòng mình buồn một nỗi buồn khó tả. Người đến, có gì đó đầy đầy trong tôi. Nhưng sự hiện diện của Người cũng khiến tôi nhận diện rõ hơn những trống trãi giữa lòng mình. Người đã đổ vào lòng tôi điều gì đó thật mới mẻ. Nhưng những cái mới mẻ này sẽ tồn tại được bao lâu?

Liệu Người có muốn “mượn” đời tôi như cách Người đã mượn chiếc thuyền của tôi không nhỉ? Liệu tôi có thể trở nên như một chiếc thuyền để đón Người vào nhà chăng? Người có muốn dừng lại bên tôi, và có muốn dùng đời tôi như dùng chiếc thuyền này, để đi khắp mọi nơi, để đến với khắp mọi người, để cả biển cả cuộc đời này được hưởng nếm sự hiện diện ấm áp của Người, để khắp cùng bờ cõi được vọng vang lời đẹp đẽ của Người?

Mãi miên man với những câu hỏi không dứt, tôi không để ý là Người đã nói xong với đám đông dân chúng. Đám đông đang tản mác để trở về với cuộc sống của họ.

Nghĩa là Người sẽ ra đi.

Tôi không dấu giếm sự quý mến dành cho Người, dù đấy chỉ lần đầu gặp mặt. Người có một sức hút không diễn tả được. Nếu phải nói rằng đây chính là định mệnh của đời tôi, tôi không nghĩ mình đã quá thổi phồng.

Đã từ lâu, tôi muốn tìm một đảm bảo chắc chắn cho cuộc đời mình. Tôi muốn tìm một điểm tựa thật sự an toàn cho tương lai của mình. Giờ tôi mới hiểu rằng cái đảm bảo ấy không phải là một nghề nghiệp, không phải là một mớ gia tài, không phải là một địa vị, cũng không phải là một cam kết hứa hẹn. Cái đảm bảo ấy là một con người. Đâu đó trong thế gian này, luôn có những con người có một sức đảm bảo kỳ lạ, đáng để người khác tin tưởng một cách tuyệt đối.

Bỗng dưng tôi nghĩ, nếu không thể giữ Người lại bên tôi, sao tôi buông mình để được cuốn theo bên Người? Có lẽ cách tốt nhất để tìm thấy một đảm bảo thật sự là tôi phải rời bỏ những cái tạm bợ của mình, để nhường một khoảng trống cho những mời gọi của Người. Lần đầu tiên Người đến gặp gỡ tôi, Người là người nói, còn tôi là kẻ nghe. Tôi đã nghe bằng đôi tai, bằng ánh mắt, bằng con tim, bằng trọn vẹn cả những thao thức và xáo động trong hồn mình. Sự hiện diện của Người mang tôi trở về với những gì rất thực tế và rất sống động đang ồn ào diễn ra trong lòng tôi.

Một lần gặp gỡ đã như quen thuở nào. Vậy đó!

Cha Xứ Dở

Bà Quản Vân khóc nấc khi anh vừa dứt câu chuyện. Ông Vân buông tiếng thở dài thườn thượt, đầu cúi gằm như cố tránh ánh nhìn của anh. Anh cố gắng hết mức để có thể dành cho họ ánh mắt yêu thương và cảm thông. Trước những giọt nước mắt và tiếng thở dài của người khác, anh luôn thấy mình bất lực. Tất cả những kiến thức anh được học về kỹ năng chăm sóc mục vụ trở nên rỗng không và thừa thãi.

Sân nhà thờ buổi trưa vẫn đầy nắng. Gió vẫn nhởn nhơ thổi tung đám lá vàng bay tan tác. Chỉ có anh và vợ chồng bà Quản Vân ngồi như hóa đá trong văn phòng nhà xứ. Mỗi người theo đuổi một nỗi niềm riêng, nhưng chia nhau cùng một tâm trạng bất lực.

Càng ngày anh càng nhận ra mình bất lực trước nhiều việc. Hồi mới ra trường, nghĩa là hồi vừa được thụ phong và mới được bổ nhiệm về giáo xứ, con tim của anh ắp đầy nhiệt huyết và bao lý tưởng đẹp lắm. Anh đã từng tin rằng với những người dám tin cậy vào Thiên Chúa, không gì là không thể làm được. Xứ đạo nơi anh được gởi về là một vùng kinh tế mới, ở một huyện vừa mới lên Thị Trấn. Xuất thân là dân xã hội học, anh nhìn vào xứ đạo của mình không chỉ bằng cái nhìn thiêng liêng, nhưng còn bằng óc phân tích xã hội. Anh nhìn ra được cả những điểm sáng và điểm tối trên cánh đồng mình được gởi đến. Anh nhận ra rất nhiều tiềm năng còn ngủ vùi chưa được đánh thức đúng mức. Anh cưu mang rất nhiều hoài bão và kế hoạch lớn lao dành cho đoàn chiên được trao phó trong tay mình.

Hai năm đầu đời làm cha xứ là thời gian để cho lý tưởng của anh và thực tế của cuộc sống cọ xát. Bằng sức của mình, anh vốn không thể rút ngắn cái khoảng cách giữa lý tưởng và thực tế. Đó là bài học đắt giá đầu tiên mà anh phải nhọc nhằn cảm nếm.

Đã có người gọi anh là ông cha lập dị. Anh chấp nhận mang cái tiếng đó vào người, còn vui nữa là khác!

Ngày đầu tiên về nhận xứ mới, người ta dẫn anh đi  chào hỏi những người có địa vị thế giá trong địa phương. Anh tưởng chào hỏi chỉ dừng lại ở những lời  chào và những câu hỏi thăm, hay cái bắt tay thân mật và hứa hẹn tốt đẹp trong tương quan cùng cộng tác với nhau để lo cho dân. Sau câu chào, người ta đòi mâm cỗ. Người ta gọi đó là “biết sống”. Những người có trách nhiệm trong giáo xứ truyền đạt cho anh kinh nghiệm ngoại giao nhiều năm: phải biết khôn khéo đi đêm với họ để được việc của mình. Chưa phải đi sâu vào nghĩa của từ “đi đêm”, anh đã nhận thức rất rõ đó là việc càng ngày càng tạo thêm những mảng tối và càng đẩy xã hội mà anh muốn xây dựng tuột một cách không thể vãn hồi xuống đáy vực. Vì không thể cộng tác, anh đành chấp nhận mang tiếng lập dị. Cộng với tiếng lập dị, anh nhận luôn cái nhận xét “Cha còn non quá, chưa biết s đời!”

Anh thích đi chơi với đám trẻ con. Ngày đầu tiên, anh mở toang cánh cửa ngăn cách giữa nhà xứ và nhà thờ, thấy đám nhóc nào đi ngang anh cũng đưa tay vẫy vẫy. Quà gặp mặt cho bọn trẻ là vài viên kẹo ngọt, vài bọc snack. Chẳng bao lâu mà căn phòng nhà xứ đã đầy đám trẻ con, lúc nào cũng ồn ào vui nhộn. Người lớn vào trước phòng anh thường cứ phải khép nép “d thưa” trước cửa. Chỉ có đám con nít là tự do chạy nhảy hò hét như thể ở nhà. Lắm khi người ta còn thấy anh tham gia hò hét chung với đám nhóc. “Cha xì tin quá, chng có tí mc thước nào!” Không sao. Trẻ con là tương lai của giáo hội mà!

Nhưng rồi có nhiều lúc anh bất lực nhìn những “tương lai” ấy lớn lên dưới sự ảnh hưởng của văn hóa truyền thông được thả lỏng tràn lan. Có những đứa trẻ vào ngồi ghế đá nhà xứ chỉ vì nhà xứ có wifi chạy nhanh, cắm mặt vào chiếc điện thoại mà quên trời quên đất. Anh thấy sự dễ thương của mình, những món quà nho nhỏ của mình, những lời hay ý đẹp của mình… cũng không thể kéo bọn nhóc ra khỏi cái màn hình điện thoại. Một thế giới ảo và xa lại hấp dẫn hơn thế giới thực và gần ngay trước mắt. Chỉ cần có chiếc điện thoại và wifi, mọi thứ khác liền trở nên vô hình.

Anh bất lực trước trường hợp lỡ dại của những đứa trẻ chưa kịp sống thời thiếu nữ thì đã mang cái tiều tụy khủng hoảng của người thiếu phụ. Anh càng bất lực khi không thể “phạt vạ”, như một số người lớn tuổi trong xứ vẫn thường đòi hỏi và lý luận: để gìn giữ lề thói của làng xóm và khuôn phép của đạo nghĩa. Ai nói gì thì nói, anh vẫn là kẻ ngoan cố trong xác tín của mình: vòng tay của một vị linh mục không được phép khép lại trước những lỡ lầm của người khác. Có thể có rất nhiều luật, nhiều lệ, nhiều chuẩn mực phép tắc… đã kéo dài trong suốt dòng truyền thống. Nhưng mẫu gương của Đấng mà anh yêu mến và quyết noi theo không cho phép anh nói lời kết án. Anh hạnh phúc lắng nghe lời phê phán: “Trái tim cha mm quá!”

Anh là người đứng ra thông báo với vợ chồng bà Quản Vân về tin con bé nhà ông bà “lỡ dại”. Con bé vừa mang vóc dáng thiếu nữ chưa được bao lâu, thì đã dại dột có mang với một đứa bạn cùng xóm. Ngoài anh, nó không dám thú nhận với ai. Nó nhờ anh can thiệp để thông báo với gia đình của nó, để nói chuyện với gia đình bên kia…

Sau những thủ tục cần thiết, anh làm lễ cưới cho hai đứa nhỏ. Lễ cưới diễn ra trong nhà thờ. Thế là có cớ để nhiều người dị nghị và đàm tiếu. Con bé ăn cơm trước kng, mang cái bng càng ngày càng phình to ra như vy mà cha vn cho làm l trong nhà th. Thit là… 

Xuất thân là dân thành phố, anh biết rất rõ rằng để cái bụng càng ngày càng phình to chưa phải là điều kinh khủng nhất trong số những tội mà con người hiện đại có thể mắc phải. Anh đã thấy có rất nhiều cô gái buông tuồng theo lối sống hư hỏng, và chưa bao giờ để cho cái bụng mình phải phình to. Không lẽ như vậy mới được xét là xứng đáng được làm lễ trong nhà thờ? Anh đã thấy rất nhiều cảnh thương tâm của những cô gái lỡ dại, có cả những cô gái được sinh ra trong gia đình công giáo, vì áp lực của thể diện gia đình, vì những toan tính ích kỷ và thực dụng, đã chấp nhận giải pháp không để cho cái bụng mình phải phình to. Để che đậy một tội, người ta lại phải phạm một tội khác lớn hơn. Với người trẻ của thời hiện đại, phạt tội liệu có còn là phương pháp giáo dục tốt nhất để gìn giữ lề thói đạo nghĩa không? Răn đe và nghiêm cấm liệu có còn là cách tốt nhất để giáo dục lương tâm không? Còn có cách nào khác để vẽ lại dung mạo của một Giáo hội bao dung và từ nhân hơn? Giá trị của một con người và giá trị của luật lệ, điều gì nên đặt lên trên?…

Càng và chạm nhiều với thực tế, anh càng gặp nhiều cảnh đời đau lòng. Những cảnh đời đau lòng đặt ra cho anh nhiều câu hỏi vô phương trả lời, nếu chỉ dựa trên những gì anh đã được học, dựa trên những phương tiện anh đã được trang bị, hay dựa trên những luật lệ mà trước đây anh đã từng trân giữ và xác tín. Càng bước đi trong hành trình của một người mục tử, anh càng thấy rằng rốt cuộc mình chỉ có thể là một cha xứ dở.

Là một cha xứ dở, vì anh không chấp nhận đóng cửa ở lì trong nhà xứ, trong một khuôn viên bình yên và miễn nhiễm, để giữ cho mình được an toàn, để giữ cho cái oai của mình không bị ai xem thường. Anh chấp nhận những bầm dập của va đập, của lời ra tiếng vào. Anh chấp nhận hình ảnh của mình bị xấu đi dưới mắt một số người, để đi tìm và cứu những cuộc đời đang cần được cứu vớt.

Làm cha xứ thì anh đã là một cha xứ dở rồi. Anh chỉ xin cho mình được làm một mục tử thấm mùi của chiên…

Cao Gia An, S.J.  –  Roma 2017

%d bloggers like this: