
Đám cưới của chị Diệp không có tiếng pháo. Cây phượng vĩ đầu làng rực rỡ cách vô tình. Xác hoa phượng rải đầy trên lối vào xóm nhỏ. Chị Diệp lấy chồng đột ngột. Đám cưới của chị cũng không được tổ chức trong nhà thờ, không dựng rạp đãi khách, không làm bận rộn cả xóm làng. Mọi sự hoàn tất chỉ trong vỏn vẹn một buổi chiều.
Đó là một buổi chiều mùa hạ buồn tênh.
Cho dù anh Tư nói thế nào đi nữa, thằng Củn cũng không thể không ghét chị Diệp được. Sao bỗng dưng chị ấy lại đi lấy chồng, mà chồng chị lại không phải là anh Tư chứ? Chẳng phải anh đã từng thương chị quá đỗi quá chừng đó sao? Chẳng phải chị đã đã từng nhiều lần thủ thỉ: không có anh Tư không biết đời em sẽ ra sao, đó sao? Hay đó chỉ là chuyện hợp tan xoay vần của những người lớn giữa dòng đời lưu lạc?
Vợ chồng là duyên phận. Người ta vẫn thường bảo thế. Anh Tư đã từng nói rằng anh vừa tin vừa không tin vào duyên phận. Anh không tin người ta thành vợ thành chồng chỉ như là cách để trả nợ nhân duyên của một tiền kiếp nào đó. Nhưng anh tin duyên phận là chuyện của những người yêu nhau, khi họ tìm mọi cách đạp bằng sóng gió để đến được với nhau.
Anh Tư ở sau nhà thằng Củn, mà nhà nó thì đối diện với nhà chị Diệp. Vậy nên trong chuyện tình của anh chị, thằng Củn đóng vai trò là cái gạch nối. Đó là nó hay nghĩ vậy. Còn thực tế thì anh Tư và chị Diệp thương nhau từ hồi nó còn chưa sinh ra. Bố chị Diệp mất sớm, hai mẹ con chị nương tựa vào nhau mà sống. Mẹ chị Diệp là bạn thân với mẹ anh Tư. Chẳng cần hứa hẹn cũng cẳng cần cam kết, hai người mẹ cứ âm thầm vun quén cho duyên tình của đôi trẻ. Nhà anh Tư có một vườn Cau, cây vươn thẳng tắp lên trời. Cuối nhà chị Diệp lại có một vườn Trầu lúc nào cũng xanh um mướt rượt…
Kỷ niệm đẹp nhất của thằng Củn với anh Tư và chị Diệp là những đêm trăng gánh nước ở giếng làng. Giếng nằm ở đầu làng, dẫn vào xóm nhà của anh Tư và chị Diệp bằng một con đường con cong. Nhịp sống của làng quê thường vắng lặng về ban ngày, vì cả ngày ai cũng bận rộn làm việc quần quật ngoài đồng. Chỉ khi tối đến, những người làm đồng trở về, nhà nhà lên đèn, cả xóm làng mới bắt đầu trở nên rộn ràng nhộn nhịp. Nhất là ở cái giếng làng. Nhất là vào những đêm trăng sáng vằng vặc…
Anh Tư lo cho chị Diệp nhiều cái tức cười lắm. Anh không cho chị gánh nước đầy thùng, anh nói sợ chị đau lưng. Chị Diệp khỏe thí mồ mà đau cái gì. Chị vác lúa chạy ào ào, thanh niên xóm này có mấy ai dám bì với chị… Mỗi lần thấy anh Tư lo lắng vậy, chị Diệp hay cười lắm. Nước múc lên từ giếng làng bao giờ cũng trong veo và ngọt lịm, nhưng cái trong và ngọt của nước chẳng thể nào sánh được với tiếng cười của chị. Tiếng cười của một người con gái ở tuổi mới lớn, có một người để yêu và có một người hết mực yêu thương mình.
Nhưng có gì chóng tan cho bằng tiếng cười của tuổi thanh xuân? Có gì mỏng manh cho bằng chuyện tình yêu ngây thơ của tuổi trẻ giữa dòng đời nhiều trắc trở?
Mẹ chị Diệp lại nằm viện. Lần này người ta phải chuyển mẹ chị lên thành phố để mổ.
Ngày mẹ phục hồi sức khỏe cũng là ngày cưới của chị Diệp. Chị lấy con trai của một người bạn hồi xưa của mẹ, là người đã trang trải và lo hoàn toàn cho mẹ chị trong thời gian bà nằm viện.
Cuộc sống mà, luôn có những mối liên hệ vòng vo chừng như chẳng chịu theo một quy luật nào. Tình yêu, hứa hẹn, cam kết, và tất cả những điều người ta rút lòng rút ruột cho nhau, có khi chẳng bằng một cái liên hệ vòng vo chẳng ai lường được.
Tối hôm trước ngày chị Diệp lên xe hoa, anh Tư đi đâu mất biệt, bỏ thằng Củn một mình thơ thẩn ra giếng làng. Tối hôm đó, thằng Củn gặp chị Diệp đang gục đầu bên thành giếng. Nó nửa muốn nói chuyện với chị, nửa lại không. Ngẩng đầu lên thấy thằng Củn, chị Diệp ôm chầm lấy nó mà khóc. Nó đứng ngay đơ. Bao nhiêu lời cay đắng chuẩn bị để dành cho chị như biến đâu mất tiêu… Cuối cùng, thu hết can đảm, nó chỉ có thể vừa nói vừa mếu: “Chị Diệp ơi, sao tự nhiên chị lại đi lấy chồng chứ?” Rồi nó khóc hu hu như thể mình vừa đánh mất điều gì đó quý giá lắm. Thấy nó khóc, chị Diệp càng ôm nó chặt hơn. Chị thổn thức: “Em có thương chị không?” Tự nhiên nó vùng ra, thoát khỏi vòng tay của chị, rồi hét to lên: “Không, em ghét chị lắm! Em chỉ thương anh Tư thôi”
Anh Tư đáng thương lắm. Thằng Củn nhớ, có một lần có người bà con ở thành phố xuống tặng cho chị Diệp một cây trâm cài tóc bằng ngà. Cặp mắt của chị Diệp sáng trưng. Hồi đó, anh Tư buồn lắm khi nhìn thấy cặp mắt sáng trưng của chị Diệp. Anh nói mình có bỏ ra cả đời chắc cũng không thể nào mua được cái niềm vui lấp lánh trong mắt của chị. Tự nhiên anh thấy mình nghèo quá, thấy chị trở nên xa xôi quá…
—+—
Từ khi chị Diệp về nhà chồng, anh Tư cũng ra đi biền biệt chẳng một chút tin tức. Nhưng cái đám cưới chóng vánh của chị Diệp không cứu được mẹ chị. Sau một thời gian phục hồi ngắn ngủi, bà lại phải đột ngột vào bệnh viện. Và lần này bà không về nữa. Chỉ có chiếc xe cứu thương của bệnh viện chở xác bà về. Chỉ có những người tẩm liệm vội vàng cho bà vào chiếc quan tài đặt ngay trước cửa nhà.
Chị Diệp về, khóc ngất lên ngất xuống bao nhiêu lần trước khi chạm được vào chiếc quan tài của mẹ. Người đi đưa đám tang mẹ chị Diệp lặng lẽ và thưa thớt.
Đó là một chiều Thu gió chướng.
Những chiếc lá phượng bé xíu mỏng tanh, vừa kịp chuyển vàng đã tung bay xác xơ trước gió.
Cuối mùa Thu năm đó, gia đình thằng Củn cũng chuyển đi làm ăn và sinh sống ở xa. Thằng Củn ra đi, mang theo hồi ức về một câu chuyện buồn. Quê hương bỏ lại sau lưng. Nhưng dấu ấn của nỗi buồn dường như chẳng chịu bỏ rơi nó, mặc dù nó chỉ là một đứa nhỏ ngoài cuộc. Thỉnh thoảng nó lại tự hỏi, không biết những người trong cuộc bây giờ ra sao? Anh Tư đang ở đâu? Liệu anh có tìm được tương lai tươi sáng cho mình chưa? Liệu anh có tìm được cho mình một hạnh phúc riêng nào đó không? Đôi lúc nó lại tự nghĩ, chắc mỗi người cũng đều đã có một cuộc đời cho riêng mình rồi. Lớn lên, đi vào giữa lòng đời, nó mới nhận thấy rằng có gì là ghê gớm lắm đâu một câu chuyện tình của tuổi xuân tan vỡ, như câu chuyện của chị Diệp với anh Tư. Cuộc đời nhiều éo le, có biết bao nhiêu người thương nhau mà không được cùng nhau ăn đời ở kiếp. Có bão bùng sóng gió thế nào rồi mọi chuyện cũng qua thôi. Có thế nào thì người ta vẫn có cách để sống tiếp cuộc đời của mình đó thôi…
Và cuộc sống vẫn cứ từng ngày trôi với cái nhịp bình ổn cố định của nó.
—+—
– Chú ơi, chú làm gì ở đây vậy? – Tiếng gọi đột ngột của một chú nhóc kéo Tuấn trở về với thực tại. Chú nhóc này nhìn quen thiệt là quen…
– Chú hả, chú đâu có làm gì đâu con.
– Vậy á? Sao con thấy giống như chú đang muốn tìm cái gì á…
– Sao con biết chú muốn tìm cái gì á?
– Thì tại con thấy chú đứng đây lâu lắc, mặt chú thì cứ ngơ ngơ nãy giờ nè…
– Ờ…vậy hả… Mà con là người ở xóm này phải không, nhà con ở đâu?
– Dạ ở cuối con đường này nè, ngay chỗ có hàng cau cao ơi là cao xanh ơi là xanh luôn kìa chú. Chú có muốn đến thăm nhà của con không?
Vậy là Tuấn theo chân chú nhóc, như một người lạ, trên con đường cong cong từ đầu làng về cuối xóm nhỏ.
Con đường đầu mùa xuân đầy nắng và gió.
Ở cuối con đường, bên hàng cau xanh ngát, Tuấn gặp lại bóng dáng quen thuộc của năm nào:
– Chị Diệp…
Người phụ nữ giật, mình ngoảnh đầu nhìn lại:
– Xin lỗi, cậu là…
– Em là Củn nè, thằng Củn ngày xưa hay theo chân anh chị đi gánh nước ở giếng làng nè!
Sau một thoáng ngỡ ngàng, chị Diệp chạy đến nắm chặt tay Tuấn:
– Ôi, là Củn đây sao? Em về hồi nào vậy? Vào nhà, vào nhà chị đi em…
Nhà của chị Diệp vẫn là căn nhà xưa, nhưng đã được sửa sang khang trang và tiện nghi hơn rất nhiều. Vừa bước vào nhà, đập vào mắt Tuấn là tấm hình cưới đặt trang trọng ngay dưới bàn thờ. Trong hình, chị Diệp cười rạng rỡ như một nàng công chúa trong tấm áo cô dâu xúng xính, đầu đội một chiếc voan trắng muốt. Chú rể đứng bên cạnh chị có cặp mắt giống hệt cặp mắt của chú nhóc đã mời Tuấn về nhà. Là anh Tư.
Quay sang xoa đầu chú nhóc, chị Diệp bảo:
– Ra vườn gọi ba vào đây đi con. Nói ba là có khách quý đến thăm!
– Chị à…
Chừng như hiểu được thắc mắc của Tuấn, đưa mắt nhìn vào tấm hình cưới, chị Diệp cười thật tươi:
– Là giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc đời của chị đó, chú à. Đâu có ngờ có ngày anh chị được cầm tay nhau bước lên bàn thờ. Còn được làm lễ cưới trong nhà thờ nữa…
—+—
Sau khi mẹ mất, chị Diệp tiếp tục cuộc đời làm dâu xa xứ. Như một chiếc thuyền đã lạc trôi trên bến bờ lạ. Người chị phải gọi là chồng là một kẻ nghiện ngập, hung hăng và thù hằn với cả thế giới. Khinh chị nghèo lại cô thân cô thế, hắn xem chị không khác gì một con ở được rước về để giúp việc trong nhà. Ngày nào chị cũng phải đưa lưng ra chịu đòn roi bạo hành. Mặt mũi tay chân chị lúc nào cũng sưng phồng bầm tím… Chị nghĩ, chắc kiếp trước mình còn nợ nần hắn điều gì đó mà chưa kịp trả, nên đành ngậm ngùi cúi mặt sống cho trọn kiếp này để trả cho xong nợ vậy.
Khi chị đã hoàn toàn buông tay, mặc cho số phận muốn ra sao thì ra, thì anh Tư đột ngột xuất hiện. Anh nói: Chịu ơn người ta thì mình phải trả ơn. Nhưng có nhiều cách để trả. Không ai có quyền bắt mình phải từ bỏ hạnh phúc cả đời chỉ vì chữ ơn chữ nghĩa… Anh nắm tay, kéo chị ra khỏi địa ngục trần gian, đưa chị trở về xóm cũ, sống lại trong căn nhà cũ, cùng chị đối mặt với đủ thứ khó khăn ập đến.
Anh còn lên trình với Cha xứ về trường hợp của anh chị. Anh xin Cha giúp đỡ và hướng dẫn để anh chị được học giáo lý hôn nhân và được thành vợ thành chồng theo phép đạo.
Chị Diệp kể, trong Thánh Lễ cưới của anh chị, chị nhớ nhất là câu Cha giảng: Thiên Chúa luôn có thể vẽ thẳng trên những đường cong.
Ở khởi đầu, con đường của anh và con đường của chị giống như hai con đường cong về hai hướng khác nhau, đẩy anh với chị mỗi người về một ngã. Đã có lúc họ tưởng đã mất nhau vĩnh viễn. Ai biết đâu có những con đường, khi bị tách khỏi nhau, cứ cong mình theo một hướng nào đó thật kỳ diệu để tìm về bên nhau. Anh và chị đã phải bước đi trên những chặng đường cong gập ghềnh. Nhưng anh chị được Chúa chúc phúc. Con đường có đa đoan gập ghềnh thế nào đi nữa, cuối cùng Chúa vẫn có cách để đưa anh chị đến một kết thúc có hậu…
Trên bầu trời một bóng mây vừa bay qua, để lại một khoảng trời xuân trong veo và xanh thăm thẳm. Trời xuân đổ xuống khoảng sân trước nhà chị Diệp con nắng vàng ươm như rót mật. Trước sân, hàng cau vươn thẳng mình, chìa những táng lá xanh um như những cánh tay dang rộng mở ra với trời. Trên thân cau là dây trầu quấn quýt. Sau bao mưa gió, lá trầu xanh càng thêm thắm xanh. Sau bao biến đổi thăng trầm, trầu và cau đã được quấn quýt bên nhau…
Tự nhiên Tuấn nhớ lại lời của anh Tư ngày trước: Anh không tin người ta thành vợ thành chồng chỉ như là cách để trả nợ nhân duyên của một tiền kiếp nào đó. Anh tin duyên phận là chuyện của những người yêu nhau, khi họ tìm mọi cách đạp bằng sóng gió để đến được với nhau.
Cao Gia An, S.J. – Roma cuối năm 2017

Like this:
Like Loading...