Rối…

 

 

Cuối cùng thì ông cũng xác minh được điều mình muốn xác minh: vợ ông đã chết cách đây hơn bốn mươi năm. Ông tìm thấy điều mình muốn tìm sau một thời gian rất dài. Giống như có một viên đá vừa được cất ra khỏi lồng ngực ông. Nhưng lạ quá, lòng ông không nhẹ nhõm tí nào! Có ý nghĩa gì không khi cái chết của một người là giải phóng cho một người khác? Vợ chết, chứng minh rằng phép Hôn Phối đã không còn ràng buộc ông, và ông không bị vướng mắc ngăn trở gì trong cuộc sống với người vợ sau này. Vậy là cái mặc cảm đè nặng trên ông suốt ba mươi năm trời đã được tháo cởi.

Nhưng thực lòng ông không thấy vui.

Người vợ có hôn phối với ông là người mà ông thực lòng yêu thương. Ngày cưới vợ là ngày hạnh phúc nhất trong khoảng thời gian tuổi thanh xuân của ông. Nhưng ngày hạnh phúc thường qua mau. Lấy vợ chưa được tròn một năm thì ông đi lính. Chưa kịp có một đứa cháu để nối dõi cho ông nội, để bà nội ẵm bồng. Chiến tranh không chỉ lấy đi tuổi xuân của ông, chiến tranh còn phá nát niềm hạnh phúc có một mái ấm gia đình mà ông chỉ vừa kịp nhấm nháp. Ông cầm súng lên đường, chiến đấu để bảo vệ cho một quê hương rất rộng, đi hết từ làng này sang làng khác, anh dũng chiến đấu từ chiến trường này sang chiến trường khác. Ông sống sót trở về, thấy làng quê của mình tan hoang đổ nát. Người chinh chiến thì bình an trở về, còn quê hương thanh bình bỏ lại sau lưng đột nhiên biến mất. Xóm làng đột nhiên biến mất. Những người thân yêu nhất của ông cũng biến mất. Ngày trở về, chẳng còn ai đón ông. Chẳng còn ai để ông thăm hỏi tin tức. Xóm làng đổ vỡ lặng ngắt, chẳng còn ai để có thể trả lời cho ông…

Vậy là ông bắt đầu cuộc đời lưu lạc. Không phải vì ông muốn ra đi, nhưng là ông chẳng còn chốn nào để quay về. Ông bắt đầu hành trình tìm kiếm những người thân của mình, như hành trình mò kim đáy bể.

Ông vào sống trong xóm đạo của những người di cư. Họ đạo đức lắm. Họ cũng là những người bị đẩy khỏi quê hương xứ sở như ông, chẳng còn gì để bám tựa ngoài một niềm tin mãnh liệt vào chính Thiên Chúa, Đấng bất biến bất chấp bao biến đổi thăng trầm của thế sự. Tin vào Thiên Chúa bất biến, họ cũng tin rằng sự gì Thiên Chúa đã liên kết là bất biến, loài người không được phép phân ly. Rất nhiều người đã kết luận rằng chuyện của ông không giải quyết được. Trừ phi phải chứng minh được rõ ràng rằng vợ của ông đã chết, chẳng ai có quyền tuyên bố hủy hôn để ông được tự do đi bước nữa với bất cứ một người phụ nữ nào khác nữa theo luật đạo. Ông tin rằng hôn nhân của ông và người vợ trước là do chính Thiên Chúa liên kết. Nhưng chính loài người đã phân ly chuyện mà Thiên Chúa liên kết nơi cuộc đời của ông và vợ ông. Chiến tranh là gì nếu không phải là giải pháp điên khùng cho thất bại trong tương quan giữa người với người, nước với nước, ý thức hệ này với một ý thức hệ khác. Và nạn nhân của nó không chỉ đơn thuần là những kẻ nằm dưới hòm tên mũi đạn… Ông nhận thấy rất rõ mình chỉ là nạn nhân. Nạn nhân không được an ủi không chỉ từ luật đời mà còn theo lẽ đạo.

Sau mười năm trời tìm kiếm trong vô vọng, ông đi thêm bước nữa với người phụ nữ thứ hai trong cuộc đời của ông. Vậy là ông thành kẻ bên lề, bị dạt ra khỏi những sinh hoạt bình thường của giáo xứ. Người ta gọi ông là kẻ bị rối. Ông cũng thấy mình bị rối. Nhưng rối vì cái gì thì ông không thật sự hiểu rõ. Vì không hiểu rõ nên ông cũng không tìm thấy được lối ra cho chính mình. Cũng không ai chỉ cho ông thấy được một lối ra. Bao nhiêu lần nộp hồ sơ để xin cứu xét, nhưng vô vọng, cuối cùng ông nhận ra rằng trường hợp của mình cũng chỉ là một trong vô số những trường hợp được giản lược hóa qua những bộ hồ sơ nằm yên lặng gọn gàng trong một văn phòng nào đó. Biết đâu những người phải thụ lý hồ sơ của ông cũng không tìm được lối ra… Ông mơ hồ nhận thấy chuyện của mình giống như một gút thắt mà chính những người thắt gút cũng không biết phải tháo cởi như thế nào. Vậy thì còn ai có thể tháo cởi được cho ông?

Ông vẫn đều đặn đến nhà thờ. Lúc đầu, ông còn tự cho phép mình ngồi vào bất cứ chỗ nào còn trống, giống như bao nhiêu người bình thường khác. Đến lúc rước lễ, mọi người đứng lên, rời khỏi chỗ của mình, tiến về cung thánh. Chỉ có mình ông phải ngồi lại. Những người ngồi cùng băng ghế mỗi lần đi ngang qua chỗ của ông thì phải lách mình. Lúc đó ông mới thấy sự khác người của mình. Việc ngồi lại của ông trở nên một chướng ngại cho những người có thể đứng dậy tiến lên rước lễ. Ông khao khát được đứng dậy. Ông khao khát được tiến lên, giống như những người chung quanh ông. Nhưng ai cho ông đứng dậy? Ai có thể nâng ông đứng dậy? Không ai cả. Vậy nên ông chấp nhận chọn cho mình một góc thật sâu và thật khuất ở cuối nhà thờ, để có thể lặng lẽ tham gia Thánh Lễ mà không làm cản trở một ai. Ông nhắm mắt cầu nguyện để không thêm tủi thân tủi phận khi thấy những người khác được đứng lên đi rước lễ còn mình thì phải ngồi lại…

Ngày gặp lại một người đồng hương hiếm hoi còn sống sót sau cơn binh lửa, ông nhận được tin cả gia đình ông đều đã chết từ bốn mươi năm trước, vào đêm làng ông bị dội bom.

Ông tưởng cuộc đời mình còn bị thắt gút. Ai cũng tưởng rằng cuộc đời ông còn bị thắt gút. Ai cũng cho rằng ông bị rối trong cuộc đời thứ hai của mình. Ông cũng đã sống như một người bị rối, tin rằng mình bị rối… Người đồng hương lại cho ông biết ông không rối. Cuộc sống hôn nhân ba mươi năm nay của ông lẽ ra phải được xem là không bất hợp pháp. Đảm bảo cho tất cả những điều ấy là cái chết của vợ ông.

Có điên khùng không khi đã có lúc ông đã thà tin rằng mình bị rối, thà chịu rằng cuộc sống hôn nhân của mình lúc này là bất hợp pháp theo lẽ đạo. Vì như vậy có nghĩa là người vợ trước của ông vẫn còn sống, dù là ở một nơi nào đó, với một ai đó. Ông đã chấp nhận mang tiếng rối. Chấp nhận chỗ của mình chỉ là một góc khuất trong nhà thờ mỗi khi tham dự Thánh Lễ. Chấp nhận rằng mình không xứng đáng lên rước Chúa. Chấp nhận không được hiệp thông trọn vẹn với nhịp sống và nhịp phụng vụ của Giáo Hội mẹ của ông… Ông chịu tất cả, chỉ với một hy vọng mong manh rằng vợ ông còn sống.

Giờ, có người cho ông biết rằng vợ ông đã chết. Là mở toang một khung cửa, hay là đóng sập lại một khung cửa? Là tháo tung một nút thắt đã ba mươi năm cầm buộc cuộc đời ông, hay chỉ đơn giản là chỉ ra rằng cuộc đời ông vốn chẳng có một nút thắt nào? Là tin vui hay tin buồn?

Thương người vợ trước của mình nhiều, ông còn thương người vợ hiện tại của mình nhiều hơn. Là con gái, ai chẳng mong được một lần khoác lên mình bộ áo cô dâu. Ai mà chẳng mong đám cưới của mình được cử hành long trọng trong Thánh Lễ nhà thờ. Nhưng vì thương ông, bà đã hy sinh tất cả. Bà chấp nhận cùng ông chia sẻ tiếng đời dị nghị, cùng ông đi qua bao nhiêu năm cuộc đời mang theo cái gút rối không ai giải gỡ được. Từ một cô giáo lý viên năng nổ trong giáo xứ, bà chấp nhận rút lui vào một góc nhà thờ giống như ông. Vậy là họ cùng nắm tay nhau đi qua ba mươi năm cuộc đời, như một cặp vợ chồng không được hiệp thông trọn vẹn với nhịp sống đạo mà tuần nào họ cũng trung thành tuân giữ, với Giáo Hội mà họ hết lòng yêu mến, với Thiên Chúa mà họ hết dạ kính thờ.

Giờ thì tốt rồi. Nhưng điều tốt sao lại đến muộn quá, liệu còn có ý nghĩa gì không? Ai sẽ trả lại cho họ ba mươi năm, một nửa cuộc đời, để họ có thể bắt đầu lại những tháng ngày không giông bão? Để họ có thể sống lại trọn vẹn hành trình đức tin, không phải của những kẻ đi bên lề…

Ông nhớ đến niềm hạnh phúc nhỏ nhoi đã nuôi sống ông bà trong suốt ngần ấy thời gian. Mỗi năm một lần, vào dịp Tuần Thánh, ông chở bà đi Xưng Tội để sốt sắng dọn mình rước Chúa trong ngày Lễ Phục Sinh. Sau lễ Phục Sinh, họ lại trở về hành trình sống của hai kẻ đi bên lề, chờ Lễ Phục Sinh năm tới. Mỗi lần thấy ông buồn, bà chỉ an ủi bằng một câu đơn giản: thôi anh, s ca ti mình vy ri!

Đã nhiều lần ông tự hỏi mình “số” có nghĩa là gì? Là ý định của Thiên Chúa, hay chỉ là những nhào nặn của bàn tay con người? Phải chăng đã là con người, dù có là những người hết mực tin tưởng vào Thiên Chúa, thì không một ai có thể thoát khỏi những long đong của số kiếp làm người?

Giờ thì tốt rồi. Ông có thể an ủi bà rằng: s ca ti mình không phi như vy! Giờ thì ông sẽ báo với bà rằng họ có thể là vợ chồng đường đường chính chính, danh chánh và ngôn thuận.

Giờ thì ông mới biết mình không bị rối.

Cao Gia An, S.J.

(Tập San Mục Đồng 6, Muối Mặn Gừng Cay)

Advertisement

%d bloggers like this: