Tâm sự một người thầy

 

Chẳng nhớ là từ lúc nào mình đã quen với việc được gọi là Thầy. Nhớ hồi đầu nghe gọi hai tiếng: “Thầy ơi!!!” mình thấy vừa ngồ ngộ, vừa ngài ngại, lại vừa thích thích. Cũng vui, lúc đầu người ta gọi mình đủ kiểu: có người kêu Thầy xưng tui, có người gọi Thầy xưng con, có người gọi Thầy xưng em, có kẻ còn tử tế đề nghị: trẻ măng mà gọi Thầy gì, nghe già chát, gọi bằng anh cho trẻ trung thân thiện, hén!

Dù sao đi nữa, mình vẫn thật hạnh phúc khi được gọi là Thầy.

Làm Thầy thì chẳng có gì cao xa lắm đâu, mình bị các học trò vượt mặt hoài. Một lần, mình về thăm lại trường cũ, gặp lại mấy nhóc học trò xưa. Chúng lớn nhanh đến nỗi mình chẳng còn nhận ra. Có đứa cao hơn mình tới một cái đầu, nó nhìn mình từ… phía trên, cười cười: Thầy ơi, hình như càng lớn thầy càng nhỏ lại phải hông? Nhớ hồi đó Thầy to lớn vĩ đại lắm cơ mà!

Có phải mình nhỏ lại không ta? Không biết, nhưng hình như mình đã đứng lại, còn các học trò của mình vẫn đang trên đà lao về phía trước.

Có những học trò thời tập tành viết lách, nhờ mình sửa hộ mấy bài làm văn, mấy bài thơ con cóc. Mình khuyến khích nhóc viết và gởi bài cho trang báo mà mình vẫn cộng tác. Một thời gian sau, cái tên của nhóc xuất hiện ngang hàng với cái tên của mình trên mặt báo. Một thời gian sau nữa, đọc một số bài viết của nhóc, mình ước giá mà mình có thể viết hay được như thế!

Cũng có một thời gian mình làm gia sư, mách nước cho mấy nhóc vài ngón đàn để chuẩn bị thi vào nhạc viện. Một thời gian sau gặp lại, nhìn cách mấy nhóc lướt tay trên phím đàn, mình biết mình lại bị vượt mặt rồi.

Mình hạnh phúc vì được làm Thầy. Chẳng phải vì mình giỏi giang, nhưng vì mình đã liều lấy ra từ trong cái kho tàng nghèo nàn của mình để chia cho người khác. Thật hạnh phúc khi những điều bé nhỏ mình cho đi lại trở nên như những hạt giống nảy nở âm thầm và sinh hoa kết quả trong bao cuộc đời khác.

Mình hạnh phúc vì được làm Thầy. Không phải để cho người ta cái gì, nhưng là để đọc ra những tiềm năng trong mỗi người, và khuyến khích họ để cho những tiềm năng ấy bùng vỡ.

Mình hạnh phúc vì được làm Thầy. Chẳng phải để dẫn người khác đi con đường mà mình nghĩ là tốt, nhưng là để động viên họ can đảm bước đi trên con đường riêng của họ. Dĩ nhiên, có những con đường dẫn người ta đi đến một chân trời xa, nơi ấy chẳng còn một khoảng trống nào dành cho mình. Cũng tốt chứ sao! Mình chỉ có thể cho người ta dựa một thời gian, rồi sau đó phải đẩy họ lên đường để sống cuộc đời riêng của họ chứ.

Mình hạnh phúc vì được làm Thầy. Chẳng phải để là người chuyên đi gỡ rối tơ lòng… thòng, (mà lắm khi càng gỡ càng rối), nhưng là để được làm người lặng lẽ lắng nghe và chia sẻ phần nào nỗi đau với những người tin tưởng và tâm sự với mình.

Mình hạnh phúc vì được làm Thầy. Không phải để cho người khác noi gương, nhưng là để chỉ cho họ những tấm gương khác đáng cho họ noi theo.

Với lòng biết ơn, mình nhớ đến những người đã đi qua cuộc đời mình, những người đã cho mình nhiều ngọt bùi, cũng như những người đã tạo ra cho mình nhiều sóng gió. Tất cả đều là những người thầy của mình. Tất cả đã đi qua và đã đọng lại một phần trong con tim mình. Tất cả đã góp phần định hình nên nhân cách sống và con người hiện tại của mình.

Cũng với lòng biết ơn đó, mình nhớ đến những học trò đã đi qua cuộc đời mình. Qua họ, mình được huấn luyện từng ngày để làm Thầy. Nhờ họ, mình tìm thấy ý nghĩa của việc làm Thầy. Quan trọng hơn, không có họ… sao mình làm Thầy được chứ!

הרבה למדתי מרבותי”
ומחברי יותר מהם
“ומתלמידי יותר מכולם

Tôi học được nhiều từ những người thầy.
Tôi học được nhiều hơn từ các đồng nghiệp.
Nhưng tôi học được nhiều nhất
là từ các học trò của mình
(Babli, Makot 10.1)

Cao Gia An, S.J., Tâm Sự Một Loài Hoa Trên Tường Đá, nxb Tôn Giáo 2018, 152-155

Advertisement

%d bloggers like this: