Miền cỏ xanh dưới lòng sông

 

Tự nhiên con sông ấy biến thành con sông ốm đói. Cái bề mặt bình yên và phẳng lặng tự bao đời của nước đột ngột biến mất, thế vào là cái mấp mô trơ trọi của lòng sông. Như con bò gầy trơ xương, nước cạn, con sông khoe ra cả những góc cạnh cáu bẩn bầy hầy. Dọc hai mé sông, rác rến và ni lông phế thải đọng lại phất phơ với gió. Những cây cọc tre trồi trơ trẽn chẳng biết giấu mình vào đâu. Những con cá ngoi ngóp trong vũng bùn đã cạn kiệt và đặc quánh.

Trên con sông ốm đói có nhiều con người ốm đói. Những chiếc xuồng mắc cạn nằm chỏng chơ phơi manh lưới trống trơn vắt vẻo. Vài ba túp lều rải rác mọc lên dưới lòng sông, vẹo xiêu và tạm bợ cứ như bị cắm lộn chỗ. Từ bên trong những túp lều ấy, vọng ra ánh nhìn ngơ ngác của những người đi lạc ngay tại nơi vốn là chốn mình sinh ra. Nắng chiều đổ đầy lòng sông một thứ vàng nhợt nhạt. Cũng con nắng ấy, cũng ráng chiều ấy, nhưng thiếu cái sóng sánh mềm mại của con nước, nắng trời như đổ vào khoảng lụi tàn không không.

Mọi chuyện bắt đầu khi một dự án thủy điện được xây trên dòng sông, cách xóm chài nghèo gần một trăm cây số. Nước chảy từ thượng nguồn bị chặn lại. Nước tuôn xuống từ trời bỗng dưng bị biến thành một thứ ân huệ xin cho, bị quản lý theo cơ chế nhỏ giọt. Cư dân xóm chài vừa ngóng cổ cầu mưa, vừa thấp thỏm chờ người ta xả đập đưa nước về sông. Nhưng ai biết đâu là vị trí thực sự của những con người thấp cổ bé miệng ở một xóm chài vô danh trên bàn cân của những kế hoạch vĩ mô. Ai biết thêm những thứ gì nữa sẽ được người ta xả ra kèm theo con nước. Muốn hay không muốn, người ta vẫn cứ phải liên đới với nhau cách chặt chẽ hơn rất nhiều so với những gì người ta tưởng nghĩ. Dân làng chài ngơ ngác tự hỏi ai là những con người ta, ở một nơi xa lắc xa lơ nào đó, lại nắm trong tay cái quyền sinh sát cả cuộc đời của họ?

Cư dân xóm chài của dòng sông ốm đói tan tác mỗi người một phương. Bỏ thuyền lên đất liền, là chấm dứt một cuộc đời lưu lãng sông hồ, hay lại tiếp tục kiếp giang hồ phiêu bạt theo cách khác, ở những nơi khác?

˜™—– + —–

Thằng bé long ngóng đặt chân xuống đất. Cái nền đất thì cứng và cố định, nhưng dáng đi của nó thì ngả nghiêng lạ lẫm. Từ lúc sinh ra, chưa bao giờ thế giới dưới chân nó thôi chênh chao. Dưới lòng thuyền, mỗi khi nó đặt chân chỗ nào, chỗ ấy lún xuống dưới sức nặng của nó. Trên mặt đất cứng, chừng như người ta không có sức nặng.

Nó được sinh ra trên thuyền vào một đêm mưa bão. Không bà mụ, không đèn đuốc, chỉ có tiếng khóc của trẻ thơ chào đời và tiếng khóc của người cha tiễn vợ mình ra đi vì ca sinh khó. Xác mẹ nó được chôn trộm đâu đó trên một rẻo đất dọc bờ sông. Với những người sống kiếp lưu lãng sông hồ, đất là một miền mơ xa hoa và lạ lẫm. Sống là ra đi. Mẹ nó đã bỏ đất lên thuyền để sống, để đi theo tiếng gọi con tim, đi theo cha nó. Hành trình của mẹ nó đã dừng lại trên một rẻo đất vô danh dọc bờ sông. Cha con nó lại tiếp tục chảy xuôi theo dòng đời. Có thể gọi là thỏa chí vẫy vùng trên sông nước, mà cũng có thể gọi là lênh đênh với kiếp du thủ du thực.

Chợt một ngày con nước đột ngột biến mất. Những cuộc đời bỗng dưng bị mắc cạn, châng hẫng và ngoi ngóp.

Thuyền không đi nữa, nhưng thằng bé thì chẳng chịu đứng yên một chỗ. Mỗi ngày vài lần, nó lò dò ra khỏi thuyền. Lúc đầu nó chỉ dám đi luẩn quẩn quanh thuyền. Dần dần nó đi xa hơn, một mình leo ngược dốc lên bờ sông, để từ trên bờ nhìn xuống cái xóm chài tạm bợ lọt thỏm giữa lòng một thung lũng hỗn độn. Sau lưng nó là cả thành phố ồn ào. Chiều xuống. Đèn lên. Nó lạ lẫm nhìn về phía ánh đèn đêm của thành phố. Sống trên thuyền, nó đã quen thấy mọi thứ chung quanh đều chuyển động và cứ tuồn tuột trôi qua. Trên đất, cả cuộc sống như cùng dừng lại và phơi bày trước mắt nó. Không còn trôi và mất. Chừng như chỉ cần vươn tay là có thể chạm được, có thể với tới, có thể nâng niu và nắm giữ.

Mặt đất rộng hơn rất nhiều so với căn lều bé xíu của nó. Thằng bé phát hiện ra điều đó vào ngày nó gặp một đám trẻ khác.

– Ê!

Thằng bé giật mình khi nghe có tiếng gọi. Nó quay đầu nhìn dáo dác.

– Ê, bên này nè! – Một bàn tay nhỏ xíu vẫy vẫy từ phía sau một chiếc lều – Bên này, bên này…

Chạy về hướng tiếng gọi, nó gặp một mái tóc bù xù, một gương mặt đen nhẻm và một cặp mắt sáng trưng của một con nhóc trạc tuổi nó.

– Đang làm gì đó? – Con nhóc hỏi, cười khoe nguyên cái hàm răng sún.

– Đâu có làm gì đâu! – Nó cười đáp lại.

– Vậy thì lại đây phụ một tay đi! – Con nhóc dúi ngay cái thau thiếc đang cầm vào tay nó.

Vậy là thằng nhóc nhập bọn với đám trẻ chui ra từ những chiếc thuyền mắc cạn. Đám nhóc đang hì hụi khuấy bùn tát nước. Mặt mày lấm lem bùn đất, nhưng đứa nào cũng hớn ha hớn hởn.

– Bắt gọn đám cá này, tối nay đắp bùn nướng lên là hết xẩy! – Tiếng một đứa nào đó trong nhóm reo lên phấn kích.

Sau màn tát nước bắt cá, bọn trẻ không cần phải tốn nhiều thời gian để trở thành bạn của nhau. Lòng sông được đổ đầy bởi tiếng cười và đủ thứ trò chơi của bọn nhóc. Những vũng nước hiếm hoi còn sót lại bị quậy lên, ướt đầm đìa trên đầu trên cổ lũ trẻ. Những cánh diều chấp chới bay cao với nắng chiều và gió lộng. Cả bầy trẻ tíu tít đuổi theo trái bóng lăn trên nền đất. Hình như bọn nhóc có cách rất riêng để khám phá và để thấy thế giới này luôn mới. Tại nơi mà những người lớn ngoi ngóp mắc cạn, bọn trẻ vẫn có thể có một khung trời tuổi thơ đẹp như mơ.

Hình như tiếng cười của bọn trẻ làm giật mình nhiều người lớn. Những ánh nhìn thôi lạc hồn và ngơ ngác. Thì ra, dù dòng sông không còn chảy, cuộc sống vẫn cứ trôi. Bất chấp những thịnh suy thăng trầm, sự sống vẫn cứ tiếp diễn liên tục theo cách rất riêng của mình.

Chiều chiều, có người vác cuốc đi dò đất. Nhiều luống đất được xới lên, bốc theo mùi phù sa và hương đất mới thơm ngát. Những hạt mầm được gieo xuống, chất chứa cả một trời hy vọng. Thỉnh thoảng, vài cơn mưa đột ngột kéo về. Nước không đủ để lấp đầy lòng sông, nhưng đủ để làm xanh lên những luống cỏ dọc đôi bờ. Xanh con đường, xanh bờ đê. Xanh với những ngồng rau tươi. Xanh trên từng nét môi cười.

Những lầy lội dưới lòng sông dần được hong khô. Những rẻo đất hoang trơ trọi bắt đầu được cỏ xanh phủ kín. Những đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ. Những đàn cò trắng kéo nhau về tìm mồi. Và cuộc sống lại bắt đầu như thế.

Không phải chỉ đến khi giải quyết hết mọi vấn đề thì người ta mới có thể sống. Đời người thì quá ngắn, và những vấn đề của cuộc sống thì quá nhiều. Vậy nên vừa sống vừa giải quyết thôi! Cũng như không phải chỉ đến khi có được một vùng đất lý tưởng thì miền cỏ mới lên xanh. Cỏ cây mang sức mạnh tiềm tàng không thể bị bóp nghẹt của sự sống. Dù là trên thảo nguyên mênh mông hay dưới lòng sông cạn cùng hoang phế, mùa qua mùa, cỏ vẫn cứ lên xanh.

Biết rằng sẽ còn nhiều người đau đáu với những đổi thay và thịnh suy thăng trầm của một kiếp người. Biết rằng thỉnh thoảng sẽ có kẻ đứng giữa miền cỏ xanh mà bần thần, vì da diết nhớ về miền chập chùng sóng nước. Miền cỏ vẫn cứ mọc lên, xanh mướt.

Thằng nhóc, con nhóc, và đám nhóc, sẽ đi lên từ dưới lòng sông. Và trên những con đường có dấu chân người qua, miền cỏ sẽ mọc lên, xanh mướt.

Cao Gia An, S.J.

Advertisement

%d bloggers like this: