Như Tấm Bánh Bẻ Ra

Mùa hè năm đó, anh em con từ Đà Lạt trở lại Sài Gòn sau chuyến nghỉ hè của nhà Dòng. Chuyến xe chiều sẽ đi ngang qua Thị Trấn, nơi nhà mình ở trọ. Con muốn mời anh em ghé thăm nhà mình lắm. Nhưng sao mời được! Nhà mình thuê ở trọ lúc đó nhỏ quá, lại nằm trong con hẻm sâu dích dắc. Anh em thì đông, đi đường xa đã mệt. Nên thôi…

Con tự nhủ, thôi thì khi xe chạy ngang nhà con sẽ tranh thủ nhìn lại cái khung cảnh quen thuộc một chút cũng được. Biết đâu lại được nhìn thấy Má ở khúc đường nào đó của Thị Trấn. Má giờ này đang bán “ca hai”, cho mấy khách ăn lúc chiều xâm xẩm. 

Thị Trấn ấy như một cái lòng chảo. Hai bên là hai con dốc. Về nhà mình, dù đi hướng nào, cũng có thể nhìn thấy Thị Trấn trước khi xe đến nhà. Mỗi lần có dịp về nhà, con thường xuống xe ở quãng xa trên đỉnh con dốc. Đứng từ trên nhìn xuống, có thể quan sát cả Thị Trấn. Rồi từ trên đỉnh dốc, con tàn tàn đi bộ xuống, thế nào cũng gặp được Má đang lui cui bên chiếc xe đẩy bán cháo lòng. Có lúc con làm Má giật mình: Ủa con, mới về hả? Sao hong chịu báo trước gì hết, cái thằng…

Nhưng hôm đó chiếc xe chở con và anh em trong nhà Dòng chạy nhanh quá. Anh em trên xe thì vẫn đang hát hò vui vẻ. Dư âm của những ngày hè vẫn còn kéo dài, và tâm hồn mọi người đang rất thư giãn thoải mái. Con dõi mắt nhìn qua khung cảnh đang trôi đi vùn vụt bên ngoài khung cửa xe. Con ráng với tầm mắt của mình về phía trước. Và con thấy Má.

Ở phía trước, phía bên phải con đường, Má đang cặm cụi đẩy chiếc xe bán cháo lên ngược chiều con dốc.

Ở thời điểm mà hai chiếc xe gặp nhau, con như một người nhìn xuống từ trên cao. Con ráng nhón người lên khỏi ghế, nhoài người ra để nhìn xuống, nhưng chiếc nón lá đã che mất khuôn mặt của Má. Dáng người nhỏ bé. Chiếc áo khoác đã ngã màu. Đôi tay Má như gắn liền với chiếc xe đẩy. Vậy rồi mọi thứ bỗng tan ra…

Hai chiếc xe ngược chiều lướt vụt qua nhau trong một khoảnh khắc. Khoảnh khắc ấy sao mà chóng vánh quá đỗi. Con thấy mình đang bị trôi tuột qua không cách chi kìm lại được.

Con tì tay lên cửa kính của xe, ngoái đầu nhìn lại. Má vẫn đang cặm cụi đẩy chiếc xe bán cháo ngược lên con dốc, đâu có biết con đang ở trên chiếc xe vừa mới chạy vụt qua. Mỗi ngày có biết bao nhiêu chuyến xe khách chạy qua trên con đường của Thị Trấn này. Những chiếc xe cứ chạy qua rồi chạy qua, ngược con đường chiếc xe đẩy của Má.

Chỉ một thoáng thôi thì chiếc xe đẩy của Má đã mất hút ở phía sau. Chiếc xe của con thì vẫn lao về phía trước.

Anh em trên xe không hiểu tại sao đang vui mà mặt con lại méo xẹo. Con đã ráng kìm lòng lắm, mà vẫn không sao thắng được cảm xúc của mình. Chưa bao giờ con nhìn rõ như thế sự khác biệt giữa cuộc đời của con và cuộc đời của Má. Cũng chưa bao giờ con nghiệm thấy sự bất lực lớn đến như vậy nơi chính mình. Với con đường đang đi, sẽ còn bao nhiêu lần nữa con lướt trượt qua cuộc đời của Má cách âm thầm và chóng vánh như thế? Sẽ còn bao nhiêu lần con tận mắt nhìn thấy những vất vả của Má mà chính mình thì không làm được gì?

Con mang theo mãi cái hình ảnh ấy. Dù đi bất cứ nơi đâu, con vẫn luôn thấy Má đang đẩy chiếc xe bán cháo lòng lên ngược chiều con dốc trong một buổi chiều tà.

Từ ngày cả gia đình mình chuyển lên Thị Trấn đến lúc ấy đã là mười năm chẵn rồi. Mười năm Má vẫn cứ trung thành đi về, ngày hai ca với chiếc xe đẩy bán cháo. Con thì rời gia đình đã lâu. Con đường con đi và con đường của má cứ như hai con đường ngược chiều. Con mỗi lúc một lớn lên. Con đường của con chừng như mỗi lúc một nâng con lên cao hơn. Những chân trời của con cứ dần dần mở ra ở phía trước. Góc trời của Má thì vẫn vậy. Nhịp sống và cuộc đời của Má thì vẫn vậy. Nhưng dấu hiệu của thời gian và tuổi tác, nắng và mưa, gió và bụi, cứ mỗi lúc một in dấu sâu hơn và rõ nét hơn trên gương mặt và trên dáng người của Má…

Hồi đó, chưa bao giờ má cho con đi phụ bán cháo với má. Má cứ nói: để cho mấy đứa em nó làm! Chắc má sợ con ra đường riết rồi quen. Má sợ con bị giữ chân lại ở cái Thị Trấn này. Má không muốn con chỉ lẩn quẩn với cái góc trời của Má.

Hồi gia đình mình mới lên đây, từ mùa hè đầu tiên, con đã quyết định nghỉ học để đi làm. Lý do con đưa ra thật đơn giản nhưng dễ thuyết phục: nhà mình đông anh em, thà hy sinh một đứa để năm đứa kia được học hành đàng hoàng, còn hơn là cả sáu đứa đều học hành dở dở dang dang! Vậy là con đi làm trong một xưởng mộc. Tìm được việc cho mình, con vui lắm. Lần đầu tiên trong đời con kiếm được nhiều tiền như vậy. Đủ để mua sắm sách vở cho mấy em của con trong mùa học mới. Đủ để mua chiếc xe đạp đầu tiên trong cuộc đời. Đủ để con nghĩ rằng ra đời chẳng có gì khó, kiếm tiền chẳng có gì khó. Đủ để con tin rằng mình đã lớn, và chuyện giúp đỡ gia đình mình là chuyện trong tầm tay…

Vậy mà con vẫn thấy trong mắt Má ánh buồn rười rượi. Hình như Má cứ sợ con bị giữ chân lại ở cái Thị Trấn này. Tất cả những gì Má làm cho con từ nhỏ đến lớn, dường như đều không nằm ngoài mục đích đẩy con đi xa. Có lẽ hơn ai hết Má biết rằng con cần tìm cuộc sống ở một chốn khác, rằng con được sinh ra để sống một cuộc đời khác.

Tự nhiên một tai nạn vô duyên trên cánh tay bắt con phải nghỉ làm ở xưởng mộc, phải ở nhà, phải vật vã để tìm lại cho đời mình một khởi đầu mới. Má săn sóc con trong mấy ngày dưỡng thương mà cứ cười cười, như thể mừng cho con vừa kết thúc một giai đoạn đáng kết thúc, để có thể bắt đầu một giai đoạn mới của cuộc đời.

Vậy là con đi học lại, bắt đầu lại những ngày tháng quay cuồng với bài vở, quay bên ngoài guồng quay của cơm áo gạo tiền mà Má đang đang phải quay…

Trong suốt thời gian con học hành, hình ảnh chiếc xe đẩy của má luôn đã là nguồn động lực thôi thúc con bước về phía trước. Những hy sinh của má càng nung đúc hơn trong lòng con ước mơ được làm linh mục. Con sẽ dâng Lễ của con trên bàn thờ mỗi ngày, trong một ngôi nhà thờ nào đó, như má đã hằng dâng Lễ của má mỗi ngày bên chiếc xe đẩy, trên những con đường gió bụi của Thị Trấn này.

Hồi nhỏ, có một lần con được giúp lễ, được đứng rất gần bên cạnh vị linh mục chủ tế. Lòng con rúng động trước nghi thức bẻ Bánh. Tấm Bánh trắng tinh nguyên và tròn trịa như vậy lại bị bẻ vỡ ra thành nhiều mảnh. Trên tấm Bánh Thánh là hình Chúa chịu nạn. Khi tấm Bánh Thánh bị bẻ ra làm đôi, rồi làm tư, thân hình của Chúa cũng bị bẻ ra làm đôi, làm tư… Hồi đó, con đã ngây ngô tự hỏi: Tại sao phải bẻ tấm Bánh ra? Tại sao tấm Bánh tròn trịa đẹp đẽ như thế phải vỡ vụn? Lớn lên, từ từ con mới có câu trả lời cho chính mình: không bẻ ra thì tấm bánh đâu còn là tấm bánh. Không bẻ ra, làm sao tấm bánh có thể trở thành của ăn nuôi sống con người? Ơn gọi của tấm Bánh là bẻ mình ra.

Tấm bánh ấy con đã gặp. Không chỉ trên bàn thờ. Không chỉ trong Thánh Lễ.

Tấm bánh ấy con đã gặp trong vô vàn những cảnh đời của cuộc sống thường ngày. Có những người cha bẻ mình ngày ngày trên chiếc xích lô để kiếm tiền nuôi con vào đại học. Có những người mẹ bẻ mình ra mỗi ngày bên đống rác thải và phế liệu để tìm về cơm áo cho đàn con. Có những con người ngày ngày bẻ mình ra với mưa với nắng với gió với bụi với những lầm than vất vả của dòng đời, đong đầy yêu thương để làm tròn thiên chức của các bậc làm cha làm mẹ.

Tấm bánh ấy con đã gặp nơi chính cuộc đời của má.

Trong những ngày tháng học hành, con được dạy rất nhiều về chức linh mục. Người ta nói rất nhiều về những hy sinh trong cuộc đời của một linh mục. Rằng cuộc đời vị linh mục là một hy tế thông phần Thập Giá. Rằng mỗi Thánh Lễ là một lần vị linh mục hiến tế đời mình… Tất cả những lý thuyết cao siêu và xa lạ ấy đã trở nên thân thuộc với con vô cùng khi được soi rọi dưới ánh sáng của những hy tế được dâng lên trong cuộc sống thường ngày. Ý nghĩa và giá trị của Bí Tích Thánh Thể được dâng trên bàn thờ trở nên rõ ràng hơn trong con nhờ những hy tế từ giữa lòng đời.Chính những tấm bánh bẻ ra giữa dòng đời dạy con về giá trị hy tế của thiên chức linh mục.

Mai này con sẽ là linh mục. Con chưa mường tượng được những Thánh Lễ con dâng mỗi ngày sẽ như thế nào. Nhưng nhìn Má, nhìn hy lễ Má dâng mỗi ngày trên bàn thờ là chiếc xe đẩy bán cháo lòng, con biết con có một gương mẫu để noi theo. Con biết con có một mẫu gương sống động về Bí Tích Thánh Thể để biết bẻ mình ra mỗi ngày vì sự sống của người khác.

Con biết, mình đã có một mẫu gương gần gũi và sống động để sống đời linh mục của mình.

Cao Gia An, S.J., Trích tuyển tập “Nhật Ký‎‎ của một linh mục trẻ”

Advertisement

Phòng Riêng

Con về, ba đưa tận tay chiếc chìa khóa phòng. Gương mặt ba toát lên một niềm vui lấp lánh: Nè con, phòng của con!

Vậy là lần đầu tiên con có một căn phòng riêng trong căn nhà của gia đình mình. Căn phòng nhỏ, bày biện đơn sơ hơn rất nhiều so với phòng của con ở nhà Dòng. Một cái giường ngủ. Một tủ quần áo. Một bàn làm việc nho nhỏ. Trên tường là tượng Chúa chịu nạn còn mới nguyên. Con mở cửa vào căn phòng riêng mà nghe lòng mình tràn dâng rất nhiều thổn thức.

Vậy là nhà mình đã có nhà sau một quãng thời gian dài sống trong những căn nhà trọ ọp ẹp và bất ổn.

Vậy là tới cái tuổi gần sáu mươi, ba đã thực hiện được bước đầu tiên cho chí làm người của mình, là an cư. Bao giờ thì đến bước thứ hai là lạc nghiệp hả ba? Rồi ba còn đủ thời gian để thực hiện những ước mơ còn dang dở khi gia đình mình đã an cư lạc nghiệp không?

Có được một căn nhà riêng là ước mơ cả đời của ba. Hồi còn trẻ, ba còn mang nhiều dũng chí, cứ muốn bay nhảy hết chỗ này đến chỗ khác. Chỉ cần nghe nói chỗ nào làm ăn được là ba không ngại xông vào, kéo cả gia đình đi theo. Anh em tụi con không còn nhớ rõ gia đình mình đã đi qua bao nhiêu con đường, sống ở bao nhiêu căn nhà. Cứ đến, rồi đi. Những cuộc gặp gỡ và chia tay cứ liên tục chồng chéo lên nhau. Có những chỗ ở chưa kịp quen thì đã lên đường. Mỗi khi có người hỏi sao gia đình mình cứ đi hoài, sống hoài cái kiếp ở trọ, ba cười khì khì trả lời theo kiểu nửa giỡn nửa thiệt: “Thầy bói nói tui tới năm bốn mươi tuổi mới có nhà!”

Cái “năm bốn mươi tuổi” chẳng mấy chốc đã đến. Nhưng gia đình mình thì vẫn cứ chuyển đi đều đều. Ba không còn cười khì khì, cũng không còn trả lời kiểu nửa giỡn nữa thiệt được nữa. Những lúc có ai hỏi sao gia đình mình cứ đi hoài, trán của ba nhăn hơn và tiếng thở dài của ba cũng nặng hơn…

Nhưng không sao. Anh em tụi con đã quen với những cuộc lên đường rồi. Cứ đi hoài, chẳng đứa nào có nhiều bạn bè. Nhưng nhờ vậy mà anh em quấn quýt thành một đám chơi thân với nhau. Đi đâu cũng có nhau. Làm gì cũng có nhau. Nếu cuộc đời là một cái vòng xoay, cả nhà mình sẽ cứ nắm tay nhau mà xoay mãi. Chẳng có gì là đảm bảo. Cũng chẳng có chi là yên ổn. Nhưng đầm ấm và hạnh phúc là điều gia đình mình chẳng bao giờ thiếu. Bởi vì mình làm gì cũng có nhau. Đói no có nhau. Vui buồn có nhau. Sướng khổ có nhau.

Nhưng rồi tự nhiên con lớn lên. Tự nhiên con ấp ủ trong lòng mình ước mơ sống đời tu. Vậy là khi chỉ vừa đủ lớn, con bị tách riêng ra khỏi cái vòng xoay của nhà mình.

Con vẫn thường nói rằng quyết định khó nhất trong cuộc đời mình là quyết định xách giỏ ra khỏi nhà để đi học. Đi học nghĩa là đi xa nhà. Con biết, đi xa nhà thì cuộc sống của con sẽ ổn hơn, tương lai của con sẽ mở ra rộng hơn và đẹp hơn. Phải đi học tiếp thì con mới có cơ hội thực hiện ước mơ đi tu. Nhưng như vậy cũng có nghĩa là một mình con bước đi về hướng càng lúc càng xa và càng lạ với những người thân yêu nhất của mình. Con cũng mất đi cơ hội chia sẻ với gia đình mình những ngày tháng đồng cam cộng khổ. Con sẽ phải làm người đi bên lề tất cả những long đong vất vả của gia đình mình. Mấy đứa em con còn nhỏ, còn phải vặn mình để lớn lên. Rồi những va chạm với cuộc đời sẽ biến các em con thành những người thế nào? Liệu những va đập và tổn thương có làm các em của con trở nên khác đi không? Liệu có khi nào con trở về nhà sau một chặng hành trình dài, và sẽ phải ngỡ ngàng vì thấy mọi thứ trong nhà mình không còn như cũ nữa không?

Những ngày ở trong nhà đệ tử của Dòng, mỗi lần có dịp về là mỗi lần con phải đi kiếm nhà. Gia đình mình vẫn là những người ở trọ. Thị Trấn nơi gia đình mình ở nhỏ xíu, nhưng ngang dọc chằng chịt biết bao nhiêu là hẻm to hẻm nhỏ. Gia đình mình lại là những người mới đến, chẳng có nhiều người thân quen. Ở với gia đình trên vùng đất mới chưa được hai năm thì con lại đi học xa… Vậy nên lần nào về nhà con cũng có cảm giác mình đang phải đi tìm cái gì đó thân thuộc vô cùng thân thuộc giữa một thế giới xa lạ vô cùng xa lạ.

Đã có một lần con muốn bỏ tu. Gọi là “bỏ tu” cho oai, chứ thật ra lúc ấy con chỉ mới là ứng sinh trong nhà Dòng, đã được kể chính thức là người của Dòng đâu! Năm ấy con được về nghỉ Tết, với lời dặn dò từ cha Giám đốc: con ráng thu xếp mọi chuyện gọn gàng, nhất là thu xếp cho cái lòng mình gọn gàng, để chuẩn bị có thể vào Nhà Tập.

Hồi đó con còn bị say xe dữ lắm. Lần nào về được tới nhà là con cũng đã lả cả người ra, mệt muốn chết. An ủi của con là lần nào con về cũng có đám em chạy ào ra đón, la hét um xùm. Đứa thì xách giỏ, đứa thì kéo tay… Nhưng lần ấy con về hơi trễ. Trước khi về, lại nhiều việc quá, nên con không kịp gọi điện hỏi để biết nhà mình đang ở đâu. Khi con về đến Thị Trấn thì đêm đã muộn. Con cứ phải đi lòng vòng tìm nhà. Mấy bác xe đạp ôm ngồi ở góc đường cũng chẳng biết đường nào mà chỉ cho con, lý do là vì nhà mình chuyển đi nhiều quá, hết nhà này đến nhà kia, chẳng ai biết bây giờ nhà mình đang ở nhà nào.

Tự nhiên có một nỗi dỗi hờn vô cớ dâng đầy trong lòng con. Hờn chính mình mà giống như hờn cả thế giới vậy. Con thấy mình giống như một người khách lạ, sau một năm trời rong ruổi với những chân trời xa, giờ muốn tìm về nhà để nghỉ ngơi và cảm nếm chút êm ấm của bầu khí gia đình, nhưng lại không biết nhà mình đang ở đâu nữa. Thấy mình vẫn còn đi lạc khi đã về gần đến nhà lắm rồi. Thấy cuộc sống và chọn lựa của mình thật kỳ quặc… Lúc đó con nghĩ, nếu chính mình không tìm được cho gia đình mình một căn nhà ổn định, liệu mình còn có thể tìm được cái gì khác lớn lao cho cuộc đời của mình đây? Nếu cả với những người mình yêu quý nhất mình còn không làm được điều gì tốt đẹp cho họ, thì mình còn mong làm được điều gì tốt đẹp cho những người khác?

Con xách giỏ đi lòng vòng trên những con đường của Thị Trấn. Những ánh điện đường vàng vàng nửa sáng nửa tối. Những con hẻm đêm sâu hun hút. Mấy cái quán nhậu còn chập chờn nửa đóng nửa mở. Mấy tiệm ăn khuya buồn thiu. Mấy người bán hàng nửa thức nửa ngủ. Có cả mấy cô gái đứng đường nửa khoe mình ra ánh sáng, nửa trốn lẫn vào trong cái chập chờn nhập nhoạng… Khung cảnh này thật ra chẳng lạ lẫm gì với con. Hai năm ở với gia đình trên vùng đất này, trước khi đi học xa, con vẫn thường sống với phố đêm như thế. Hồi đó nhà mình ở thuê trong một căn nhà nhỏ, điện đóm thì tù mù, tiền điện lại mắc… Mỗi tối, con thường mang sách vở ra ngồi dưới cột đèn đường để học. Thời gian đầu, con trở thành cái cớ để nhiều người bàn tán. Người thương thì khen: trời ơi cái thằng nhỏ siêng học! Người ghét thì quở: học hành cái kiểu gì lạ, học kiểu đó thì ra ngô ra khoai gì chứ! Người xấu bụng hơn nữa thì mỗi sáng cứ lạng chung quanh cái xe bán hàng rong của ba má mà buông lời khích bác: nghèo mà không an phận, bán cháo lòng mà còn bày đặt cho con đi học! Những lời mỉa mai ấy đã không ảnh hưởng nhiều đến con, ngược lại còn trở nên động lực để con cố gắng học hành và học cho thật tốt.

Nhưng mà tối hôm nay, khi con lại lang thang trên những con phố này, tự nhiên con nghe dội lại cái cung giọng mỉa mai ấy, từ tận chính đáy lòng của mình: nghèo mà còn bày đặt đi tu!

Năm đó con dự tính ăn Tết xong thì sẽ ở nhà luôn, không đi nữa. Tính tìm việc gì đó làm để phụ giúp với gia đình mình trong những tháng ngày truân chuyên vất vả. Tính hy sinh cuộc đời của mình để các em của con được chăm sóc kỹ hơn và được học hành đàng hoàng hơn. Mấy ngày Tết, con chỉ ở nhà, vùi đầu trong nỗi buồn của mình, và trong những toan tính…

Vậy mà Tết xong con lại xách giỏ đi. Nỗi nhớ nhà Dòng, nhớ con đường mình đang đi, nhớ tới cái ước mơ còn dang dở về đời tu vẫn đang cháy âm ỉ trong lòng mình.

Con bước lên xe, biểu mình đừng có quay đầu nhìn lại, mà nỗi buồn cứ dâng lên hỗn độn. Con tự nhủ mình, không, không phải, không phải là con đang chạy trốn. Là con phải gác lại phía sau những gì cần gác lại, để có thể lao mình về phía trước. Là con ra đi để thực hiện ước mơ của đời mình, ước mơ của cả gia đình mình. Là con đang bước theo một tiếng gọi kỳ lạ, con không giải thích được bằng lý trí, nhưng tiếng gọi ấy rất thực hướng con đến với những gì thực sự cao quý hơn… Những gì con phải bỏ lại sau lưng không phải là những gì không cao quý, nhưng chỉ đơn giản là những gì con phải bỏ lại sau lưng. Cuộc đời con ở phía trước. Vậy là con đi. Mang theo cả một trời yêu thương trong lòng mình. Những gì bỏ lại phía sau trở thành động lực để đẩy con bước về phía trước. Giữa vô vàn những tâm tình, trên chuyến xe về lại thành phố, con chỉ kịp dâng lên Chúa một lời nguyện ngắn: Gia đình mình đó, con để lại cho Chúa, nhờ Chúa chăm sóc dùm con!

Sau khi khấn Dòng, con được về thăm nhà. Cả nhà mừng với con, vì con đã là một tu sĩ. Căn nhà mà cả gia đình mình đang thuê trọ lúc ấy nằm trong xóm chợ, chỉ rộng hơn căn phòng riêng của con ở nhà Dòng một chút. Buổi tối, sáu anh em tụi con nằm lăn ra nền đất, rỉ rả nói với nhau đủ thứ chuyện trên trời dưới đất.

Nhà mình vẫn nghèo. Ba má vẫn vất vả. Các em của con vẫn còn phải vặn mình mà lớn lên giữa dòng đời. Mọi chuyện vẫn vậy. Cảnh sống của gia đình mình vẫn vậy. Nhưng con thấy mình  được lớn lên. Lòng con ra khác nên con nhìn mọi sự cũng khác.

Những ngày tháng huấn luyện đầu tiên ở trong nhà Dòng, con đã có cơ hội được sống ở rất nhiều nơi khác nhau, với rất nhiều người khác nhau. Đã có lúc con ở được gần hai tháng trong những căn chòi của những người dân tộc miền núi. Đã có những đêm con được ngủ gầm cầu với những người vô gia cư. Có những ngày tháng con được lênh đênh trên sông nước với những con người không tìm ra một mảnh đất để dừng chân. Con được sống với các em trong trại mồ côi. Con được ở với những người già trong các trại dưỡng lão. Con được ở và dạy học cho các em khiếm thị, được thăm viếng và chăm sóc cho những bệnh nhân tâm thần, được chơi với các bạn trẻ di dân sống trong những khu nhà trọ tồi tàn… Sống với họ, con dần dần được họ huấn luyện để lớn lên, để trái tim con mở rộng ra, để con có thể nhìn cuộc sống này ở nhiều góc độ khác nhau.

Vậy là Chúa giải phóng con khỏi nỗi bận tâm cỏn còn của mình bằng việc đặt vào con những thao thức lớn hơn, những trăn trở thực hơn, những ước mơ hướng đến một gia đình xã hội rộng hơn, và còn đau khổ nhiều hơn. Con nhận ra xã hội mình đang sống có vô vàn mảnh vỡ. Và mảnh vở của nhà mình không phải là mảnh vở lớn nhất, không phải là tình trạng bi kịch nhất. Nhà mình, nói cho cùng, không thuộc về số những người nghèo nhất và khổ nhất. Chúa mở rộng tầm mắt của con và cũng mở rộng lòng con để con được sống với một gia đình lớn hơn, nhiều đổ vỡ và bi thương hơn. Mở ra, để con được chữa lành và được tự do với những gánh nặng của chính cuộc đời mình.

Và hôm nay con về. Tự nhiên được sống trong căn nhà của chính gia đình mình. Tự nhiên có một căn phòng nhỏ trong căn nhà của gia đình mình.

Sau một hành trình dài cứ miệt mài bước đi trên con đường mà con được dẫn đi, con nhìn lại, và ngỡ ngàng nhận ra cách Chúa đã luôn chăm sóc cho những gì mà con không thể tự tay mình chăm sóc. Chúa đã luôn lo liệu giúp con những gì tự con không thể lo liệu. Ngang qua bàn tay của nhiều người lắm. Ngang qua những dấu chỉ hữu hình lắm.

Thật là kỳ diệu!…

Cao Gia An, S.J., Trích tuyển tập “Nhật Ký‎‎ của một linh mục trẻ”

Ngày mở tay

 

Con ngoảnh đầu nhìn lại.

Sau lưng mình chẳng có ai.

Sân nhà thờ ngập nắng. Gió lùa lồng lộng. Những giây cờ đủ màu sắc rung lên phần phật trong gió. Bên ngoài cổng nhà thờ là con đường chính của xứ đạo. Bên kia con đường là màu xanh ngút ngàn của vườn cây đang vào mùa đơm hoa kết trái.

Tiếng chiêng tiếng trống được gióng lên. Những hồi kèn ngân vang giục giã. Đoàn đồng tế bắt đầu di chuyển về phía trước. Vậy là con bước theo…

Lòng con vừa rộn ràng vừa xao xuyến. Cảm giác bồi hồi thật khó tả.

Trong những ngày tháng tuổi thơ, đã rất nhiều lần con được tham dự Thánh Lễ có đoàn đồng tế. Bầu khí trang trọng của những Thánh Lễ ấy đã lưu lại trong lòng con nhiều dấu ấn sâu đậm. Con còn nhớ rất rõ, lần đầu tiên mình được tham dự Thánh Lễ có thật nhiều Cha là vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Năm đó con vừa tròn 6 tuổi. Ba dẫn con đi tham dự Thánh Lễ Truyền Dầu ở nhà thờ Chánh Tòa của Giáo Phận. Bầu khí hôm ấy thật linh thiêng và long trọng. Một đoàn Linh Mục đồng tế với phẩm phục áo lụa màu vàng, như một dòng chảy liên tục kéo dài từ cổng vào đến tận bậc thềm của nhà thờ. Con với ba đứng lẫn trong đoàn người dự Lễ. Ba chỉ cho con các Cha mà ba quen biết. Có một số Cha đã từng ghé thăm nhà mình. Khi đến với gia đình mình, các Cha bình dân dung dị và khác lắm. Giờ mặc phẩm phục linh mục, đứng trong hàng đồng tế, nhìn ai cũng nghiêm trang và thánh thiện vô cùng. Khi chỉ cho con các Cha ngày xưa học cùng lớp với mình, giọng ba tự nhiên như chùng xuống. Con biết, ước mơ về đời tu là một ước mơ dang dở nhưng chưa bao giờ lịm tắt trong lòng ba. Chỉ vì những đổi thay của thời cuộc. Chỉ vì sinh ra vào thời buổi khó khăn… Ba về làm nông dân cuốc đất. Để đêm đêm, ba gởi gắm ước mơ dang dở ấy vào những câu chuyện kể ru con vào giấc ngủ. Những câu chuyện luôn bắt đầu như thế này: “hồi xưa, lúc ba còn ở chủng viện…” Những câu chuyện kể của ba đã gieo vào con những hạt giống đầu tiên của ước mơ sống ơn gọi dâng hiến.

Trong Thánh Lễ Truyền Dầu năm ấy, con có cảm giác như những hạt mầm ơn gọi đã bắt đầu cựa mình vươn dậy trong con. Con nghe lòng mình cháy bỏng ước mơ sẽ là người viết tiếp những trang còn dang dở trong ước mơ của ba. Con ước lớn lên mình sẽ được đứng trong hàng đồng tế, sẽ được mặc phẩm phục linh mục, sẽ không phải chỉ là người đứng xem Lễ từ bên ngoài nhưng là người cử hành Thánh Lễ.

Ước mơ ấy thầm kín nhưng mãnh liệt, cứ âm thầm mà lớn lên trong long con.

Hôm nay ước mơ ấy thành sự thật.

Con bước đi trong đoàn đồng tế.

Nhưng con lại không nghĩ rằng lần đầu tiên mình xuất hiện thì sau lưng mình chẳng có ai. Chưa bao giờ con phải sống cái cảm giác sau lưng mình không còn ai. Nhất là trong bầu khí thiêng liêng này. Một đoàn rước kéo dài, nhưng mọi người đều đứng ở phía trước. Con là người đứng ở cuối cùng.

Hôm nay con là nhân vật chính.

Con thấy như toàn bộ sức nặng của cả hai hàng người đều được đặt trên đôi vai mình. Mọi người bước đi như một dòng chảy, cứ tự nhiên tiến về bàn thờ. Con thấy mình bị hút vào dòng chảy ấy.

Bỏ lại khoảng trời sau lưng.

Bỏ lại con đường đầy nắng và gió.

Vậy là con bước về phía trước, theo đoàn rước tiến vào nhà thờ.

_____+_____

Trong đoàn rước có rất nhiều người con quen biết. Đúng hơn, đó là những người thân thiết nhất của con. Đi ngay phía trước con là cha Bề Trên, người đã nhận con vào làm ứng sinh trong nhà Dòng từ mười lăm năm về trước. Kế bên Ngài là người mà con trân trọng gọi là Cha Bố, người đã hết lòng nâng đỡ con trong quãng đời sinh viên và trong suốt thời khoảng gian đầu tiên khi con mới chập chững tìm hiểu ơn gọi. Phía trước nữa là các Cha trong đoàn đồng tế, đa số là những người thân thiết với con và gia đình, những người bạn, người anh, người cha của con.

Ngay trước đoàn đồng tế là ba má. Má hôm nay mặc một chiếc áo dài màu sậm, rất ra dáng của một bà cố. Ba thì diện một bộ đồ vest, nhìn sang và đẹp quá chừng. Con biết, cả ba và má đều rất hạnh phúc trong giây phút này. Cả hai đang sống rất sốt sắng tâm tình của người dâng con trong Đền Thánh. Vậy là cuối cùng những hy sinh và những giọt mồ hôi của má cũng được Chúa đền đáp xứng đáng. Vậy là cuối cùng ba cũng được đứng trong hàng đồng tế, cách mấy Cha mang phẩm phục linh mục chỉ một chút chứ có bao nhiêu!

Khi con bước theo đoàn người tiến vào lòng nhà thờ, đi vào giữa hai hàng người, tự nhiên lòng con trào dâng một niềm an ủi thật khó diễn tả. Ấm áp và hạnh phúc vô cùng. Con không còn cảm thấy lạ lẫm và e sợ nữa. Con cũng không còn thấy cô đơn vì sau lưng mình chẳng còn ai nữa. Lòng con như tan ra và bay vút lên hòa theo tiếng hát của cả cộng đoàn. Hóa ra đây đâu phải là Thánh Lễ của riêng con. Hóa ra ơn gọi này đâu phải là chuyện của cá nhân con. Hóa ra con có được ngày hôm nay đâu phải chỉ nhờ công sức cố gắng và khả năng của chính mình. Đúng hơn, hôm nay con dâng Thánh Lễ của mọi người. Hôm nay mọi người dâng con lên Chúa như hoa quả kết tinh từ biết bao hy sinh, bao mồ hôi nước mắt, bao ý nguyện âm thầm, bao lời kinh tha thiết. Hóa ra trong thiên chức linh mục của con mọi người đều có phần cả.

Vậy là con mạnh dạn bước lên cung thánh. Cúi mình thật sâu hôn bàn thờ, con mỉm cười hạnh phúc và thầm thỉ đọc lời tâm nguyện là châm ngôn đời linh mục của con: Hinneni. Lạy Chúa, Con Đây!

Hinneni là một từ Do-thái. Từ ấy đã đánh động con ngay từ buổi đầu tiên khi con bắt đầu làm quen với ngôn ngữ này. Cái tiếng Do-thái lạ lắm, cho phép ghép nhiều thành tố vào với nhau để lập nên một từ có nghĩa. Hinne là một từ phổ thông, được dùng chỉ như một từ đệm để thêm một chút sắc thái nào đó cho câu, chứ thật ra tự mình từ ấy chẳng có ý nghĩa gì. Trong những bài học đầu tiên của con ở bộ môn chú giải Kinh Thánh, có Cha giáo sư còn khuyên: mỗi khi gặp từ này thì nên làm lơ nó đi, khỏi mất công đọc và dịch. Nói chung, tự bản chất, hinne là một từ không mang nhiều sắc thái văn chương và rất ít giá trị diễn nghĩa. Chẳng hạn, sau khi ông A-đam và ba E-va ăn trái cấm, khi Chúa gọi ông: “A-đam, ngươi ở đâu?”, A-đam chỉ có thể đáp buâng quơ theo kiểu hinne, hinne

Thế nhưng khi được gắn thêm tiếp vĩ ngữ –ni để thành hinneni, từ này có một ý nghĩa hoàn toàn khác.

Hinneni là lời đáp trả tích cực của những người được Thiên Chúa gọi. Như lời của Áp-ra-ham thưa với Đức Chúa khi Chúa gọi ông và mời ông dâng hiến con mình là I-sa-ac (St 22,1). Như lời của Mô-sê trước bụi gai bốc cháy (Xh 3,4). Như lời đáp nhanh nhảu của cậu bé Sa-mu-en giữa đêm trường trong Đền Thánh của Thiên Chúa (1Sam 3,4). Như lời đáp của I-sa-ia ở khởi đầu ơn gọi ngôn sứ của mình (Is 6,8). Lời thưa “Xin Vâng” của Đức Maria khi được dịch sang tiếng Do-thái cũng sẽ là Hinneni.

Ngày hôm nay con liều lắm nên mới dám cất lời, hòa vào vô số những cung giọng đã vang lên dọc suốt dòng lịch sử cứu độ để đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa.

Tiếng Do-thái còn dạy con rằng, âm nhấn của toàn chữ này nằm ở cuối cùng. -ni có nghĩa là “tôi”, là “con”, ở ngôi thứ nhất số ít. Chính “cái đuôi” này mang lại ý nghĩa và sức nặng cho toàn chữ. Chính việc đặt trọn vẹn con người của mình vào lời đáp trả mới làm nên ý nghĩa trọn vẹn của một ơn gọi. Bằng không, tất cả chỉ là một lời đáp hinne buâng quơ…

_____+_____

Thánh Lễ mở tay của con diễn ra trong một ngôi nhà thờ ọp ẹp. Bốn bề trống trơn. Thật ra, đó chỉ là một căn nhà tạm được dựng lên trong thời gian chờ đợi xây nhà thờ. Từ trên cung thánh nhìn xuống, con nhìn thấy những cây cột gỗ được chắp vá tạm bợ. Mái tôn thấp và cũ. Trần nhà thờ không che đậy và không trang trí. Bốn bên nhà thờ không hề có vách. Sân nhà thờ nền đất. Mọi thứ hãy còn ngổn ngang và bề bộn… Nhưng con dám chắc, nếu dâng Lễ mở tay trong một ngôi nhà thờ khang trang và hoành tráng, có lẽ tâm tình của con sẽ không được sốt mến và đẹp như ở đây, vào lúc này. Con là đứa con đầu tiên của giáo xứ này được làm linh mục. Mọi người mừng với con, như mừng một mầm xanh sớm mọc lên trên vùng đất nghèo và cỗi cằn của sa mạc. Mầm xanh là dấu hiệu hữu hình của ân sủng, là dấu chỉ của việc được Thiên Chúa ghé mắt đoái thương.

Mầm xanh báo hiệu một mùa sống mới.

Vậy là mọi sự chỉ mới khởi đầu.

 

Cao Gia An, S.J., Trích tuyển tập “Nhật Ký‎‎ của một linh mục trẻ”

Dành Riêng

 

Đã có lúc hắn nghĩ rằng bi kịch cuộc đời nằm ở chỗ hắn thích đi tu từ nhỏ. Cả nhà ai cũng biết và thích cái ý thích của hắn. Thế là tự nhiên hắn trở thành kẻ được dành riêng. Đi đâu, làm gì, ở đâu, với ai, hắn đều được chăm sóc đặc biệt. Ai cũng ra sức vun đắp, để xây dựng hắn thành một ông Cha tương lai.

Muốn làm ông Cha thì không được ngủ nướng. Sáng sớm, vừa nghe tiếng chuông đồng hồ là hắn phải lồm cồm bò dậy, dù trong lòng còn vô cùng tiếc nuối cái giường êm và cái mền ấm.

Muốn làm ông Cha thì phải tập đĩnh đạc và đạo mạo chứ không có cái kiểu chạy nhảy ồn ào lung tung. Vậy nên hắn thường chỉ có thể thèm thuồng đứng từ xa nhìn đám bạn tung tăng hò hét.

Muốn làm ông Cha thì phải để ý lời ăn tiếng nói. Chỉ cần lỡ lời dùng một vài câu tiếng lóng học được đâu đó từ đám bạn bè, là hắn bị cả nhà bủa vây chỉnh đốn cho tới nơi tới chốn.

Muốn làm ông Cha thì phải siêng năng đi lễ đọc kinh và cầu nguyện. Ông Cha đâu chỉ có làm lễ mỗi tuần một lần vào ngày Chúa nhật. Ngày nào ông Cha cũng phải làm lễ. Vậy nên hắn phải tập thói quen ngày nào cũng đến nhà thờ. Chỉ cần hắn nhơm nhớm lân la với mấy cái lý do đại loại như: hôm nay tri mưa quá! Hay, hôm nay con mt quá!… là ngay lập tức hàng trăm cái lý do khác dồn dập đổ vào hắn: ông Cha thì không làm biếng, ông Cha thì không được đổ thừa lý do này lý do kia, ông Cha thì phải đạo đức thánh thiện…

Từ ngày công khai bày tỏ ý định thích đi tu, hai cái lỗ tai của hắn cứ đầy lên với bao nhiêu là điều mà “ông Cha thì phi”“ông Cha thì không được”. Đã có lúc mệt quá, hắn giơ hai tay lên, kêu: Tri ơi, ch là mun đi tu thôi mà, phi kh vy sao!

Kêu thì kêu vậy thôi, chứ thực lòng hắn vẫn thích đi tu lắm, thích làm ông Cha lắm. Chỉ cần nghĩ tới chuyện lớn lên được mang trên mình cái áo dòng đen, một tay ôm quyển Sách Thánh, một tay cầm xâu chỗi Mân Côi, đi qua đi lại ngoài hiên nhà thờ…. là tâm hồn hắn đã mê mẩn.

Con nít thì luôn có khả năng hy sinh nhiều thứ để đạt được điều làm mình mê mẩn. Chẳng hạn, để mua được một quyển truyện tranh mà mình thích, con nít có thể hy sinh làm nhiều chuyện lắm, như là sẵn sàng hy sinh nhịn ăn sáng hàng tuần để tiết kiệm tiền, hoặc sẵn sàng hy sinh đội mưa đội nắng đi mò cua bắt ốc ngoài đồng.

Vì mê mẩn với ước mơ được làm ông Cha, hắn sẵn sàng hy sinh nhiều niềm vui bình thường của một đứa con nít để bắt đầu tập sống cuộc đời được dành riêng của một người đi tu. Hắn tập sống như một ông Cha, trước khi tự đặt cho mình những câu hỏi khó trả lời, đại loại như: liệu Chúa có chọn mình không? Hay, liệu Chúa có muốn dành riêng mình không? Những câu hỏi đó, sau này, lớn lên, khi được học đôi chút về điều gọi là phân định ơn gọi, mới làm cho hắn đau đầu và trằn trọc mất ngủ.

Nhưng càng lớn hắn càng khám phá ra rằng muốn sống như một người được dành riêng thật chẳng dễ tí nào.

Người được dành riêng là người mất rất nhiều những cái chung.

Bước vào thời sinh viên, hắn bắt đầu nộp đơn vào nhà Dòng để xin tìm hiểu ơn gọi. Hắn được gởi ở trong một nhà xứ gần trường, thay vì được ở chung trong ký túc xá với bạn bè. Bạn bè ai cũng khen hắn điềm đạm và có cốt cách. Chỉ có hắn mới biết cái giá của việc gọi là điềm đạm và cốt cách ấy là hắn chẳng thể nào tham gia vào mấy cái trò quậy phá nhố nhăng mà vui rầm trời của bọn bạn bè cùng lớp. Chỉ có hắn hiểu cái cảm giác tiếc ngẩn ngơ khi không được vui tới bến với bạn bè trong những đêm hội hè lửa trại. Chỉ có hắn mới là người phải sống những nghịch lý của kẻ được dành riêng giữa một đám đông bạn bè. Chỉ có hắn mới phải cảm nếm tính tạm bợ và vay mượn của những niềm vui rất đỗi bình dị đời thường…

Những ngày cuối tuần, bạn bè được nghỉ ngơi, mọi người rủ nhau đi vui vẻ tiệc tùng và hát Karaoke. Hắn thì một mình đạp xe đạp về nhà Dòng để tiếp tục chiến đấu với bao nhiêu là những môn học khác, như nhân bản, tâm lý đời tu, trưởng thành tâm cảm, vân vân và vân vân. Con đường hắn đi về nhà Dòng mỗi cuối tuần bao giờ cũng là con đường ngược gió. Gió từ bên ngoài và gió nổi lên cả từ bên trong lòng hắn. Hắn vui và vẫn nuôi rất nhiều thao thức với hành trình dành riêng mà hắn đang đi. Nhưng thỉnh thoảng hắn cũng dừng lại, tự làm cho mình đau đầu với rất nhiều câu hỏi, kiểu như: a, mình đang đi đâu, đang làm gì vy ta? a, sao mình phi khác người vy ta? a, con đường phía trước s dn mình ti đâu đây ta? Liu mình còn đi tiếp trên con đường này được bao lâu na vy ta?…

Sống như người được dành riêng, hắn phải kỹ lắm. Không chỉ trong cách sống hay trong lời ăn tiếng nói, hắn phải kỹ ngay cả trong ánh nhìn và trong tư tưởng của mình nữa. Có nhiều ánh mắt đọng lại nơi hắn hơi lâu. Hắn biết chứ, vì hắn không phải là người gỗ. Chuyện đó cũng bình thường đối với những người ở tuổi của hắn thôi. Những ánh mắt sâu thăm thẳm và buồn vời vợi cứ lần lượt đặt vào hắn, rồi trượt đi. Hắn để cho trượt đi. Vì hắn biết, chỉ cần để cho hai ánh mắt gặp nhau, dừng lại với nhau hơi lâu một chút thôi, chắn hắn sẽ chìm mất trong cái thăm thẳm và buồn vời vợi ấy… Trong giờ hồi tâm mỗi tối, hắn cứ tự dặn mình phải tập nghiêm túc và trong sáng hơn trong ánh nhìn, trong những tư tưởng vơ vẩn mà mình cưu mang. Tại hắn được dành riêng.

Ngày đầu tiên chính thức được đặt chân vào nhà Dòng, hắn đã đứng tần ngần trước tấm biển thông báo: “Khu vc dành riêng, xin min vào”. Chỉ là tần ngần một chút vậy thôi, rồi hắn hùng dũng đẩy cửa bước vào. Bởi hắn biết, đó là khu vực dành cho hắn, cho những cuộc đời được dành riêng. Hắn thấy lòng mình hạnh phúc gì đâu!

Có một lần hắn có bạn đến thăm. Hắn gặp lại ánh mắt thăm thẳm và buồn vời vợi đã trượt qua đời hắn ngày xưa. Ánh mắt ấy giờ đã đặt vào một người khác, người được bạn giới thiệu là bạn của bạn. Hắn và họ nói chuyện với nhau, vẫn gần gũi và thân thương như ngày nào. Kết thúc cuộc viếng thăm, người ta chở nhau hòa mình vào phố thị. Hắn một mình quay bước vào lại nhà Dòng, về lại với căn phòng riêng của hắn, về lại với nhịp sống đều đặn của đời tu, về lại với cuộc đời của người đã được dành riêng…

Nhà Dòng của hắn nằm gần bên rìa của phố thị. Âm thanh của thành phố không quá gần cũng không quá xa so với nhịp sống tĩnh lặng của hắn. Mỗi lần đêm xuống, đèn lên, hắn rút lui đời mình vào một khoảng tĩnh lặng và thanh vắng. Tối, sau khi với tay tắt ngọn đèn đọc sách, căn phòng nhỏ của hắn trở nên rộng thênh thang, tan vào màn đêm không biên giới. Đó là lúc hắn cảm nghiệm rất rõ cuộc đời được dành riêng của mình. Ngoài kia, rất nhiều những âm thanh vọng vang từ đường phố: tiếng cười nói, tiếng xe cộ, tiếng nhạc xập xình… Trong này, chỉ một mình hắn lặng lẽ. Giữa những phồn hoa đô hội của cuộc sống, một ranh giới rất rõ ràng được dựng lên cho hắn, trong đêm.

Sáng sớm, hắn thức dậy khi cả thành phố hãy còn ngủ vùi, khi đất trời còn mờ tối và sương đêm còn bãng lãng. Khi những ánh nắng đầu tiên vừa ló rạng, hắn ngẩng đầu nhìn lên, hướng lòng mình lên, để cho cả cuộc đời mình được dọi sáng và sưởi ấm trong ánh nắng ban mai tinh khiết.

Tự nhiên hắn thấy cuộc đời mình đẹp.

Hắn thấy diễm phúc vì mình sống hạnh phúc cuộc đời của người được dành riêng.

Hắn thấy mình may mắn lắm, vì thích đi tu từ hồi còn nhỏ…

 

Cao Gia An, S.J., Tập Truyện Ngắn “Bên Ngoài Cổng Nhà Thờ”  – 2019

%d bloggers like this: