Cây Khô


Đông.

Hàng cây khô dầm mình trong tuyết lạnh. Tuyết phủ trắng cả cánh rừng. Tuyết tràn ngập trên những tán cây. Trên nền tuyết trắng tinh là hàng cây khô đen đủi trần trụi…Để chiều theo cái sở thích lang thang của mình, bạn chấp nhận đi dạo một vòng trong cánh rừng mùa Đông. Bạn không thích mùa Đông. Bạn không chịu nổi hình ảnh những hàng cây khô trơ trọi. Nhìn những tán cây, bạn nghĩ đến cuộc đời mình. Thương cho những hàng cây phải dầm mưa giãi gió, cũng là thương cho cuộc đời mình quá mỏng manh trước bão tố phong ba. Thương cho tán cây xác xơ trần trụi, cũng là thương cho cái nghèo nàn đơn điệu của cuộc đời mình…

Đông. 

Những sắc màu của cuộc sống mất hút vào cõi không bí ẩn. Còn lại chỉ là hai gam màu đen trắng đối chọi nhau đến tận cùng. Giữa vùng tuyết trắng xóa, hàng cây đen đủi trở nên thô kệch và vô duyên đến kỳ lạ. Tấm thảm tuyết không thể trắng tinh là bởi sự xe kẽ của những vệt đen từ thân cây. Không gian không trở nên đồng nhất là bởi sự vươn lên của những tán cây lì lợm. Những tán cây khô queo như đã chết.

Đông. Hàng cây u miên trầm mặc không thể làm gì khác ngoài việc trân mình chịu đựng sự giày xéo của những cơn mưa tuyết.

Mình lại rất thích ngắm những hàng cây trơ trọi của mùa Đông. Cây mùa Đông là những hàng cây sống và sống mạnh mẽ nhất, dù phải khoác bên ngoài cái dáng vẻ ủ dột như đã cằn khô ỉu chết. Cây mùa đông trở về với cái lặng lẽ âm trầm, trút bỏ đi tất cả những gì là hào nhoáng phù hoa. Những chồi cây của mùa đông bé nhỏ mỏng manh nhưng kiên cường bền bỉ trước cuộc đời, trước thiên nhiên, trước sự đổi thay vần xoay của trời đất.

Đi lòng vòng dưới những hàng cây mùa đông, mình nhiều lần dừng lại để lặng lẽ chiêm niệm về giá trị của sự sống, về những đổi thay của cuộc đời, về sức bật của những nguồn sống tiềm tàng trong mỗi loài sinh vật.

Con người sống động bởi nguồn nội lực bên trong. Có những người sống giữa bao thử thách chông gai mà vẫn cứ bình lặng tiến về phía trước. Có những người qua bao mưa giầm gió tạt mà vẫn cứ trơ gan đối mặt với đời. Có những người trải qua bao nghịch cảnh tan thương mà vẫn giữ được bóng dáng của nụ cười. Lại có những người đi qua phố chợ náo nhiệt mà lòng lặng câm ủ rũ. Có những người nằm trên mớ nhung lụa đài các mà lòng cứ lãnh cảm thờ ơ…

Sức sống của bất cứ một sinh vật nào cũng bừng lên từ bên trong.

Chúc bạn biết quay trở về với mình, khám phá ra sự giàu có trong tâm hồn mình, để sống tự tin và quảng đại hơn với người khác.

Chúc bạn có thể tìm cho mình nhiều niềm vui từ những điều bình dị gần gũi của cuộc sống, để sống mạnh mẽ vững vàng hơn mỗi ngày.

Chúc bạn đủ can đảm trầm ngâm bên những hàng cây mùa đông đang trầm mình trong tuyết lạnh, để học được nhiều giá trị sống tốt đẹp và để biết yêu hơn cuộc sống này…

Roma – Mùa Đông 2009

Advertisement

Xin Lỗi, Có Phải Tên Cậu là Bình An?

Mùa Giáng Sinh nào Chúa cũng len lén
gởi cho mình một món quà ý nghĩa.
Năm nay, món quà ấy đến sớm ghê!
Bạn chia sẻ với mình nhé!
(Roma – Mùa Vọng 2009)

Hết giờ làm việc. Anh hòa mình vào phố. Phố lạnh mùa đông. Anh thu mình co ro trong chiếc áo choàng, chỉ muốn bước thật nhanh về nhà. Lướt qua góc phố quen thuộc, anh nhận ra một bóng người cũng đang co ro thu mình trong góc tối. Như một thói quen tốt lành, anh chậm bước, cúi đầu chào, và cười một cái thật tươi. Mái đầu ủ rũ ngẩng lên nhìn anh. Đôi mắt sáng ngạc nhiên làm anh giật mình… Anh đang dạm bước đi thì bóng người ấy dợm đứng lên:

Xin lỗi, có thể cho tôi một chút xíu thời gian được không?

Anh than thầm, phiền toái rồi. Chắc lại… xin tiền. Anh lặng lẽ bước đi. Ông lão gào lên sau lưng:

Xin lỗi, cậu có hiểu tôi nói gì không?

Anh lắc đầu, xua tay, ra vẻ tui đây hổng hiểu gì hết.

Ông già thả phịch thân người xuống đất, mặt buồn xo.

Thật ra anh hiểu chứ. Nhưng anh sợ phiền. Ở thành phố này, những người lang thang như thế không phải là ít. Ngày nào anh cũng gặp, cũng thấy. Thấy nhiều, anh thấy thường. Trên phố, bao nhiêu người đi lướt qua, có thèm bận tâm gì đến những kẻ lang thang đâu. Anh là người xa lạ, đa mang làm gì chứ?

Đi tiếp. Lạnh. Anh nhận ra mình cũng tầm thường và vô tâm như bao nhiêu người khác. Anh nhận ra con người tự nhiên của mình chỉ đủ tốt bụng nữa vời để cho ông lão một nụ cười, nhưng không dám cho tiếp. Anh nhận ra mình hèn ghê, sợ đủ điều.

Đi tiếp. Có cái gì đó vẫn đang bám theo anh. Là ánh mắt. Ánh mắt của ông lão…

1, 2, 3… 180 độ, quay!  Anh sãi bước thật nhanh tới bên ông lão:

– Tôi hiểu. Nhưng tôi có thể giúp gì được ông?

– Tôi  chỉ muốn nói chuyện…

Anh sững người:

– Tôi  nghe…

Vậy là ông lão nói. Nói về cái lạnh khắc nghiệt xứ này. Nói về những con người lạnh lùng đang lướt đi trên phố. Nói về những cây cột đèn đang được trang hoàng để chuẩn bị đón Giáng Sinh. Nói về mùa Giáng Sinh nào đó khi ông lão còn trẻ. Nói về… nhiều nhiều những thứ khác. Gần một tiếng đồng hồ trôi qua, anh không hiểu sao mình có thể ngồi nghe ông lão được. Anh chỉ biết rằng, anh không thể đứng lên giữa chừng. Anh đang đối diện với một tâm hồn cô đơn…

………………..

Trước khi chào tạm biệt ông lão, anh hỏi:

– Ông  có tin Chúa không?

Ông lão lặng lẽ gật đầu.

– Ông có nguyện ước gì với Chúa trong mùa Giáng Sinh này không? Có muốn nhận quà gì không?

Ông lão ngước lên nhìn anh:

– Tôi nguyện ước rằng thế giới này có thêm nhiều người như cậu. Cậu đã chào tôi, đã cười với tôi, đã lắng nghe tôi. Cậu là món quà Giáng Sinh Chúa gởi tới cho tôi.  Cám ơn cậu… Xin lỗi, có phải cậu tên là Bình An?

Những Mùa Gió Đã Xa

Trước đây, chưa bao giờ nó nghĩ rằng sẽ có ngày mình sợ gió. Nó yêu gió, bởi nó yêu quê. Gió là một phần không thể thiếu ở quê nó. Gió gắn liền với những hoài niệm tuổi thơ trong nó.

Quê nó là một ngôi làng nhỏ nằm giữa cánh đồng bao la. Tứ bề lộng gió. Người dân quê nó sống với gió như điều gì đó vốn dĩ tự nhiên. Không cần che chắn. Không cần trốn chạy. Người ta ngửa mặt đón gió. Người ta mở toang lồng ngực để hít đầy hương gió. Người ta đón gió như đón hồn quê.

Gió ở quê nó mang nhiều hương vị dân giã. Mùi bùn. Mùi mạ non. Mùi ngan ngát của rừng. Mùi ngai ngái của sông. Mùi mồ hôi của ba. Mùi hương trầu của mẹ… Nó chưa bao giờ thử phân tích những thành phần trong hương gió, bởi tất cả đã hòa quyện trong ký ức nó tạo thành một mùi duy nhất: mùi gió quê.

Nó yêu gió những trưa hè oi ả. Gió cho nó cảm giác bình yên dễ chịu. Gió nhè nhẹ mơn man. Gió thoang thoảng hương quả chín. Gió âm vọng tiếng tu hú gọi hè. Gió loay xoay làm liêu xiêu con nắng. Gió đùa bỡn với cánh diều phần phật. Gió luồn qua ống sáo trúc rồi xoáy mình biến thành chuỗi thanh âm trong vút bất chợt rồi tan loãng giữa trời quê.

Nó yêu gió những ngày thu dịu mát. Gió lành lạnh hơi nước. Gió chờn vờn lay những ngọn lúa xanh nõn nà. Gió mang hương cốm mới ngọt ngào mê lịm.

Nó yêu gió những ngày lập đông. Mọi thứ như chìm trong giấc ngủ lười lĩnh. Mọi sinh hoạt như tù đọng chậm rãi. Chỉ có gió vẫn nhởn nhơ tung tăng khắp cánh đồng đúng kiểu của một kẻ lãng du.

Nó yêu gió đầu xuân. Gió trong veo thanh khiết. Gió nồng nàn hơi ấm. Gió thơm hương quần áo mới….

Nó yêu gió bởi gió gần gũi thân thương. Gió tò mò đi vào mọi ngóc ngách của nhà nó như một người thân thuộc. Gió nghịch ngợm làm tóc nó rối tung bù xù. Lâu lâu gió bỗng vù bên tai làm nó giật mình, cười ha hả…

Nó cũng yêu gió bởi gió bí ẩn và khó hiểu. Có những mùa gió chướng. Gió xồng xộc cụng đầu vào vách đất nhà nó. Gió xoành xoạch trên mái tranh. Gió cuồn cuộn quấn quýt khiến bụi tre bẻ mình răng rắc. Gió u u. Gió loạt xoạt. Gió ào ào… cây cối nghiêng ngã oằn mình trước gió.

Cây cối quê nó dường như cũng quen với cái chướng chướng ương ương của gió. Sau mỗi mùa gió chướng, cây lại từ từ đứng thẳng giữa trời. Gió cướp đi những cành sâu xia, để cây lại được thanh thoát vươn mình lên sung mãn và ngạo nghễ.

Quê nó chẳng ai trách gió. Người quê nó yêu gió. Mỗi chiều sau vụ mùa, mẹ nó đầu quấn khăn rằng, tay bưng mủng thóc, mắt dõi xa xăm. Mẹ chờ gió. Gió giúp làng rê thóc. Gió thổi tung bay những hạt lép èo uột. Gió giữ lại cho làng những hạt mầm mẩy chắc. Gió tinh tẩy và luyện lọc.

***

Xa quê. Nó chìm mình trong nhịp sống phố thị.

Phố thị không cần gió. Giam mình trong những hộp tường vuông vức người ta chẳng ai bận lòng với gió. Quen với cái ấm áp thị thành, chỉ một cơn gió lạnh cũng đủ làm người ta rùng mình ngần ngại. Hình như trong số những khuôn mặt của cái ‘người ta’ ấy, có nó…

Đôi lúc nó ngỡ ngàng tiếc nuối, nhận ra tự bao giờ mình đã nên xa lạ với gió núi mưa ngàn.

Gió ơi! Nhớ gió!

Cao Gia An, S.J.
Roma – Mùa Thu 2009

Người Hát Rong

Sau nhiều lần đi lướt qua, chiều nay mình quyết định ngồi lại nói chuyện với ông lão. Ông lão đang ôm cây vĩ cầm, co mình trong chiếc áo măng tô dày cộm. Trời vào Thu, thời tiết đã bắt đầu chuyển lạnh.

Đằng sau cái dáng dấp mệt mỏi và khuôn mặt buồn buồn, ông lão vẫn còn giữ lại nơi mình dáng dấp của một người nghệ sĩ. Kiểu cười nửa miệng. Mái tóc dài xõa tới vai. Đôi mắt sâu đầy thần sắc…

Ông lão chọn một góc nhỏ trong quảng trường. Nhỏ đủ để ông đặt chiếc ghế ngồi và chiếc hộp đựng vĩ cầm, và đủ để tầm nhìn của ông có thể quan sát những gì đang diễn ra trên quảng trường.

Có những ngày ông lão chỉ ngồi bần thần. Cây vĩ cầm nằm lặng yên trong hộp. Đôi mắt ông như đang dõi về một cõi xa xăm nào đấy. Tâm hồn ông đang mơ về một khoảng trời xa xăm nào đấy… Cũng có những chiều ông lặng lẽ lôi chiếc vĩ cầm ra khỏi hộp. Những ngón tay gầy run run lướt nhẹ trên cần đàn. Tiếng vĩ cầm lạc lõng mất hút trong bầu khí xô bồ náo nhiệt của cả quảng trường.

Ông kể rằng quảng trường ấy đã từng được mệnh danh là đất của giới nghệ sĩ. Chính nơi này ông đã từng có nhiều bạn bè, từng gặp được nhiều tâm hồn đồng điệu. Hồi ấy ông còn là một chàng trai trẻ, ông chơi nhạc với tất cả niềm đam mê của một người trẻ. Hồi ấy… nghĩa là đã gần năm mươi năm qua rồi!

Hồi ấy có những người hát rong, nhưng không có những người hát rong như bây giờ. Hồi ấy, âm nhạc là ngôn ngữ của con tim. Hồi ấy, âm nhạc kéo con người ta đến với nhau tự nhiên và chân thật lắm.

Bây giờ…

Âm nhạc được dùng như phương tiện kiếm tiền.

Người ta vẫn giữ lại cái danh đất nghệ sĩ cho quảng trường, như một cái nhãn hiệu cần thiết để câu khách. Quảng trường trở nên nơi cạnh tranh cho các nghệ sĩ đường phố. Ngày lại ngày, người ta thêm vào nhiều màn đặc sắc, kể cả những kiểu lắc mông, múa bụng, và đủ thứ trò quản bá khác. Người ta vừa chơi nhạc vừa chào mời khách qua đường, vừa niềm nở cám ơn những đồng bạc lẻ mà du khách quẳng vào giỏ của mình.

Chẳng biết tự bao giờ, quảng trường ấy đã biến thành một kiểu chợ trời.

Ông lão buồn cho cái nghệ thuật mà ông theo đuổi suốt đời bị lạm dụng bêu rếu, buồn cho cái danh nghệ sĩ bị đem rao bán giữa chốn chợ đời.

Ông lão vui khi biết mình là một tu sĩ. Mỗi tu sĩ là một kẻ hát rong, ông nói. Những kẻ sống cuộc đời như mình sẽ mang nhiều lắm những tâm tình, những ước nguyện, những khát mong làm được một điều gì đó cho cuộc đời này. Nhưng rất nhiều lần, tất cả chỉ là những tiếng rao yếu ớt giữa cuộc đời tạp âm và đa sắc!

Tôi là một nghệ sĩ già lỡ thời rồi – ông lão cười buồn – Cuộc đời tôi đã đi qua nhiều thăng trầm sóng gió, vui cũng có mà buồn cũng có. Tôi hiểu giá trị và giá trả của việc đem gieo tiếng hát vào giữa dòng đời. Dù trên sân khấu hay giữa đường phố, nói cho cùng, mình chỉ là một kẻ hát rong, cậu ạ

Tạm biệt, ông lão hát tặng mình một bài hát tiếng Tây Ban Nha, dường như được dệt nhạc từ một bài thơ cổ: 

Trời lung linh
nhờ ngàn tia sáng
lấp lánh trong ánh mắt

Vũ trụ lung linh
từ những tia sáng
thẳm sâu trong mỗi con tim

Trần gian rộn vui
nhờ những người ôm đàn ngồi hát

Thả hồn mình
vào giữa cõi mênh mông…!

Cao Gia An, S.J.
Roma 10.2009

Mọi Dòng Sông Đều Chảy

 

Bạn gọi điện lúc đã 10 giờ tối:

– Giờ này ông rảnh hông?

+ Rảnh. Chi?

– Đi chơi

+ Đi đâu?

– Xuống phố

+ Ngay bây giờ á? Trời đang mưa mà!

– Mưa nhỏ xíu mà. Chỉ đủ để lãng mạn chứ hổng đủ làm ông lạnh đâu!

+ Trời !!!! Nhiễm cái kiểu lãng mạn lãng xẹt của tui hồi nào vậy?

– Hồi nào kệ tui… Đi không?

+ Đi. Gặp ở đâu?

– Bờ sông nhé!

+ Ừa, mấy giờ?

– Hì hì… Tui đang gọi cho ông từ ngoài bờ sông nè!

———-+———-

Dòng sông ấy có trước con phố. Sông lặng lẽ chảy từ ngày phố còn là ngôi làng nhỏ vô danh. Sông nối liền ngôi làng nhỏ và thế giới bên ngoài. Người ta dựng nhà, họp chợ dọc hai bờ sông. Những đoàn tàu đến. Những chuyến tàu đi. Sông giúp ngôi làng mỗi ngày thay da đổi thịt.

Rồi một ngày ngôi làng nhỏ lên phố. Hai dãy phố song song chạy dọc đôi bờ sông. Người ta bắt cầu qua sông. Người ta xây tường ngăn cách để phân chia ranh giới rõ ràng giữa sông và phố. Người ta uốn dòng chảy của sông để sông không còn ăn sâu vào phố. Sông vẫn miệt mài một dòng chảy. Lặng lẽ. Đìu hiu.

Mùa trăng tròn. Nước triều dâng. Nước cuộn ầm ào chảy vào lòng sông. Sông ngập đầy nước, vỗ bờ ì oạp. Nhưng còn xa phố lắm…

———-+———-

Bạn ngồi đó, nhỏ nhoi và cô độc. Dưới chân bạn dòng sông đang ầm ào cuộn chảy.

+ Sao buồn hiu vậy? Nhớ người iu hả?

– Hông, nhớ nhà…

+ Đuối rồi hả?

– Ừ, hơi đuối

+ Sợ chưa?

– Tui mà sợ á…

+ Ừ, thì không sợ…  Mà thiệt tình, đã nhớ nhà còn ra sông ngồi nữa!

Nói vậy thôi, chứ nó biết khi nào nhớ nhà thì bạn mới có giờ dành cho sông. Giữa dòng xoáy bộn bề của công việc và học hành, dễ gì có được một khoảng lặng như thế. Nó biết bạn thích sông vào mùa này, khi con nước tràn bờ, sông rừng rực sức sống. Bạn nói sông như vậy mới là sông.

Bạn đến từ một đất nước xa lạ, nơi có cánh rừng già bạt ngàn và dòng Amazon hùng vĩ. Sông quê bạn mênh mông vì được tự do an nhiên giữa bạt ngàn rừng núi. Sông ồn ào năng động như chính cái vũ điệu Samba đã ăn sâu vào máu thịt của những con người xứ bạn.

Vậy mà bạn lại dứt áo ra đi, để làm một con người lặng lẽ nơi xứ này. Rồi lâu lâu lại thẩn thờ bên dòng sông nhỏ, giữa lòng phố lạ. Người ta nói bạn liều. Con gái, một mình nơi xứ lạ, không quen không biết ai hết. Vậy mà đi! Người ta nói bạn lì. Gia đình cản chân. Bạn bè không khuyến khích. Vậy mà bạn vẫn đi! Con đường tương lai phía trước là của riêng bạn. Bạn nói dòng sông ở quê đã dạy bạn được một điều: Mọi dòng sông đều chảy! Đời bạn là một dòng sông.

– Sao có nhiều lúc tui ghét cái thành phố này ghê. Nó xa lạ với tui quá…

+ Ừa

Nó biết tại sao bạn ghét mà. Đúng ra, thành phố không quá khắc nghiệt với đời sống của những người xa lạ, nhưng cũng không hề nồng nàn đón tiếp. Ai đến cứ đến, ai đi cứ đi. Phố chẳng bận lòng, chẳng giữ chân ai cả.

– Tự nhiên tui muốn về nhà quá

+ Ừa…

– Mà may ghê, sao tui lại quen ông ở cái thành phố này ha!

+ Ừa…

– Gì ừa ừa hoài. Ừa là sao?…

Thì ừa là ừa chứ biết nói sao giờ! Nó cũng đâu có biết tại sao mình lại gặp bạn ở đây. Nó cũng là khách lạ như bạn thôi mà! Cuộc đời nó cũng là một dòng sông. Mọi dòng sông đều chảy mà!

Bạn ạ! Chúng mình đều là những kẻ đi tìm tương lai. Tương lai luôn còn ở phía trước. Rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi mà, phải không? Dù chỉ là những khách lạ giữa lòng phố, chúng mình đâu có lướt qua nhau. Chẳng phải cái vẻ xa lạ của phố đã kéo chúng mình lại gần với nhau thật gần đó sao?

Rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi mà, phải không?

Roma – Mùa Trăng 2008

Lên Tivi

Nhớ lần đầu tiên nó được lên Tivi, thích ơi là thích!

Hồi đó nó học cấp 2, đại diện trường để lên tỉnh thi tiếng hát học sinh trung học. Đứng trên sân khấu, nó thích nhất là lúc được khán giả vỗ tay. Nó thấy lạ, vì những người không quen không biết tự nhiên lại vỗ tay cho mình. Vui ơi là vui! Vui hơn nữa khi trong số những khán giả ấy có một số bạn bè thân thiết của nó. Cổ động viên của nó là nhóm gần chục đứa bạn thân. Nhóm này đi đâu cũng quậy. Đi cổ võ cho nó trên sân khấu thì càng quậy ác chiến. Hồi đó, để lên tỉnh, tụi nó phải dậy thật sớm đạp xe đạp gần 4 tiếng đồng hồ. Tụi nó chuẩn bị cả đêm rồi xách theo đủ thứ, nào là cái băng rôn dài nhằng với dòng chữ đỏ chót, cái trống tùng xèng mượn được trong trường, mấy cái dây vải làm khăn quấn đầu… Cả nhóm vui như một ngày hội.

Trên sân khấu, nhìn xuống những cánh tay vẫy vẫy nó như thấy mình được thêm lửa, hát khí thế hơn…

Về nhà, xem lại trên Tivi buổi lễ phát giải, nó thấy mình chìm ngợp giữa vòng vây của bạn bè. Trên cổ nó là cái vòng hoa dâm bụt, lá nhiều hoa ít, héo queo vì phải chờ từ sáng tời tối mới tới được với cái cổ của nó.

Nó chỉ nhận ra mình qua cái kiểu cười ngoác miệng rộng tới mang tai. Xấu hoắc. Mà vui!

—–o0o—–

Lớn lên. Nó đi làm xa, chẳng có nhiều bạn bè gần gũi để cổ vũ, cũng chẳng có nhiều người để vỗ tay. Khi nào thất bại thì phải tự mình rút kinh nghiệm cho những lần sau. Khi nào thành công thì một mình mỉm cười với mình. Cười cho tới khi thấy dư vị của thành công trở nên nhạt nhẽo, thì thôi!

Tuần rồi nó lại lên Tivi.

Hình như người lớn mà muốn lên Tivi thì khó hơn trẻ con nhiều lắm. Để nói trên Tivi, ít ra nó phải báo trước cho người ta biết rõ là nó sẽ nói cái gì. Rồi nó phải chuẩn bị kỹ càng. Nghĩa là cứ ôn đi ôn lại những điều mình sẽ nói cho tới lúc nhuyễn như cháo! Nó cũng phải dự phòng mọi tình huống bất trắc, phải tưởng tượng ra đâu là những điều bất ngờ mà người ta có thể hỏi.

Một mình, tự nhiên tất cả những chuẩn bị ấy cứ nhạt nhạt thế nào…

Vào trường quay, ba lão quay phim, một lão đạo diễn, và nó. Ông đạo diễn hỏi: Sẵn sàng chưa ? Nó lạnh lùng: Ok ! Rồi: action ! Những cái đèn pha chiếu thẳng vào mặt nó. Ba cái máy quay tập trung vào nó. Nó mở miệng, khua tay và bắt đầu áp dụng tất cả những gì mà môn học về truyền thông đã dạy mình!

—–o0o—–

Từ nhỏ tới lớn, trong môi trường giáo dục của mình, nó chỉ được dạy cho khoanh tay mỗi khi nói. Truyền thông dạy nó phải làm khác. Người ta phải biết sử dụng trọn vẹn cả con người mình trong lúc nói năng. Chẳng hạn để khẳng định một điều thì người ta nắm tay lại. Để thể hiện sự ngây thơ của mình thì người ta ngửa hai tay lên, dang ra, rồi nhún vai một cái. Để tạo sự đáng yêu, người ta hơi hất cái đầu nghiêng nghiêng qua một bên… Truyền thông cũng dạy cho nó biết phải xuất hiện trước mắt người ta như thế nào, phải thể hiện như thế nào khi đối diện với từng cái máy quay phim: một cái quay ở chính diện, một cái quay ở một góc, một cái cận cảnh… Dường như nó phải làm chủ toàn bộ các chỉ điệu bộ từ giọng nói, nét cười, đến một cái khua tay và kể cả một cái nheo mắt. Để làm người của công chúng, dường như nó phải là một diễn viên hoàn hảo.

Nó không quen đóng kịch. Nó càng không phải là người theo chủ nghĩa hoàn hảo. Cứ quay, cứ dò, và người ta sẽ tìm thấy nhiều sai lỗi nơi nó. Con người mà, sao hoàn hảo được. Thế mà hình như cứ mỗi khi lên Tivi, phải xuất hiện trước nhiều người, người ta lại bị đòi trở thành hoàn hảo. Không được thì người ta lại vờ như mình hoàn hảo.

Về nhà, xem lại đoạn phim, nó thấy mình trở nên khác ghê!

Tự nhiên nó thèm nhìn lại hình ảnh của mình ở lần đầu tiên xuất hiện trên Tivi: một thằng nhóc cười ngoác miệng tới mang tai, cái mặt nhăn nhăn, hai con mắt nhắm tít thò lò… Xấu hoắc. Mà vui!

Roma – 2009
khoá học truyền thông đầu tiên
Greogoriana-Radio Vaticana-CTV

Núi

Chiếc xe chuyển bánh rời khỏi chân núi vào khoảng giữa chiều. Tôi ngoái đầu nhìn lại cho đến khi đôi tháp chuông nhà thờ khuất dần trong mảng sương mờ. Tạm biệt núi. Tạm biệt mây. Tạm biệt khoảng trời bao la trên đầu và vùng không gian bát ngát trước tầm mắt. Tạm biệt đồi cỏ hoa. Tạm biệt bờ lau lách. Tất cả đã đọng lại trong tôi một ấn tượng thật khó quên.

***

Tôi lỡ mê núi từ hồi còn nhỏ. Ở quê tôi, núi là điều gì đó thật gần gũi hiển nhiên nhưng lại ẩn chứa lắm điều xa xôi bí ẩn. Sáng tinh sương, bóng núi hiện lên như một bức tường cao sừng sững, dần tiến gần đến che chắn cho ngôi làng nhỏ. Chiều nắng tàn, bóng núi lờ mờ dần khuất phía xa xa sau màng sương mỏng mảnh. Như như mơ thực. Như có như không.

Rồi tôi đi xa. Tất cả chìm vào trong ký ức. Bóng núi càng thêm lung linh huyền hoặc trong những giấc mơ và thảng hoặc xuất hiện thật tự nhiên trong những dòng suy tư của tôi. Có những lúc lang thang giữa phố người, thoáng thấy một dáng núi, tôi cứ đứng ngơ ngẩn như kẻ bị mất hồn…

Tôi mê núi, vì núi âm trầm mà bền bỉ, vì núi lặng lẽ mà ngợp tràn nhựa sống. Những ngày trời đất chuyển mùa, rừng cây vội vàng trút lá bỏ lại dáng núi trần trụi trong cái nghèo nàn xấu xí. Nhưng chỉ vài ngày sau, núi lại bừng bừng nhựa sống với màu xanh mơn mởn của lá non. Những ngày giông bão, rừng cây ngả nghiêng tơi tả, dáng núi xơ xác hoang tàn. Nhưng cũng chỉ vài ngày sau, núi lại điềm nhiên với nhịp sống lặng trầm vững chãi. Bất chấp mọi phong ba bão táp, núi vẫn vươn lên chót vót với trời cao.

Tuổi thơ của tôi quen với nhiều đổi thay khi ngôi làng nhỏ chuyển mình lên thị trấn. Những cánh đồng lúa bao la trở thành nơi tọa lạc của khu nhà máy xí nghiệp. Con đường làng nho nhỏ cong cong được uốn lại bằng phẳng thẳng tắp. Những lũy tre xanh ngút ngát bị chặt bỏ không thương tiếc. Những cánh rừng nhỏ bị phát quang để biến thành khu đất trồng cây công nghiệp. Những dòng suối nhỏ được lấp bằng. Nhiều người đổi thay nhanh chóng trong cung cách ăn mặc nói năng. Nhiều gia đình biến động đổ vỡ trước sức tấn công của nhịp sống mới…

Chỉ có dáng núi xa xa vẫn đứng điềm nhiên giữa bao thăng trầm biến đổi.Ngày về, chỉ còn có núi chào đón tôi như một người bạn thân quen.

***

Lang thang thế nào, tôi lại dừng chân ở một ngôi làng nhỏ nằm miền Nam nước Pháp. Ngôi làng như một lòng chảo lọt thỏm trong vùng đồi núi liên hiệp của dãy Alpes. Ngôi làng xa lạ, nhưng bóng núi bao bọc chung quanh lại cho tôi cảm giác thật thân quen.

Từ dưới phố nhìn lên, dãy núi sừng sững như một tấm phông nền được che phủ kỳ bí bởi những lớp sương mù. Con đường lên núi quanh con uốn khúc. Đường dốc mỗi lúc một lên cao, mỗi lúc một mở ra một không gian bạt ngàn khoáng đãng.

Hồi còn là một chú nhóc, bao giờ tôi cũng đến với núi bằng cách chạy lên ào ào. Tôi thích gặp gỡ thật nhanh chóng, tôi muốn đến với núi thật vội vàng. Càng lớn, bước chân tôi lên núi càng chậm hơn. Tôi biết niềm vui không chỉ nằm trên đỉnh núi. Mỗi bước chân đi lên là thêm một khoảng trời bạt ngàn được mở ra trước mắt. Mỗi nhịp tiến bước là thêm một khoảng không gian kỳ bí được khai thoáng trên đầu.

Nhưng lúc nào cũng thế, chỉ sau vài bước chân, tôi đã nhận ra sức nặng của chính tôi. Sức nặng ấy trì kéo tôi lại. Sức nặng ấy không dễ gì cho phép tôi vươn lên cao cách dễ dàng. Mỗi bước chân đi lên, tôi cảm nhận rõ hơn sức nặng ấy. Mỗi bước chân đi lên, tôi mang theo cả sức nặng của chính mình.Từng bước một, tôi leo lên đỉnh núi.

Tôi thích lắm cái cảm giác được đứng trên đỉnh núi. Chỉ một mình tôi giữa bát ngát bao la. Tôi như nằm ở tâm điểm hội ngộ giữa giữa trời và đất, giữa bé nhỏ và mênh mông, giữa một hiện hữu mỏng mảnh vô danh và một vũ trụ vô biên vô cùng…Trên đỉnh núi, mọi sự như bé lại trong mắt tôi. Xóm làng bao la trở nên như một ô cờ nhỏ nằm gọn lỏn trong khoảng đồng trải rộng dưới chân. Những mái nhà nho nhỏ như những chấm trên nền xanh um của đồng bằng. Những lọn khói bốc lên từ mái nhà như những sợi sương mờ mỏng mảnh.

Núi ở ngôi làng này cho mình nhiều cảm giác khác lạ. Thay vào cánh đồng lúa là những vườn ô liu xanh ngút ngàn. Thay vào bao mái nhà tranh liêu xiêu là những khu nông trại mênh mông. Lác đác, những ngôi tháp chuông nhà thờ vút cao rải đều khắp các làng mạc thôn xóm.

Núi bao giờ cũng mở ra trước mắt tôi một khoảng không gian bình yên và lắng đọng. Núi nâng tôi lên để tôi được chiêm ngưỡng một thế giới rộng hơn, thoáng đãng hơn, và đẹp hơn nhiều so với thế giới tù đọng và bé nhỏ thường ngày.

Vì cuộc sống hào nhoáng mà luôn ngầm chứa những đổi thay bất ngờ, tôi cần một điều gì đó lặng trầm mà bền bỉ, nhẹ nhàng mà kiên vững.

Vì cuộc sống có quá nhiều tầm thường thô tục, mình luôn cần được mời gọi thôi thúc để hướng lòng thanh thoát vươn cao.

Vì đôi chân con người quá ngắn ngủn, vì sức vóc con người quá giới hạn, tôi  luôn cần được nâng lên.

Vậy nên cứ mãi mê núi…

Gap – Hè 2009.2015

%d bloggers like this: