Chương II: LÊN ĐƯỜNG
“Con chồn có hang, chim trời có tổ
nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”
(Mt 8,20)
Gioan
Cả dân tộc của chúng tôi được định hình trên đường.
Truyền thống kể lại rằng thủy tổ của chúng tôi là người thành Ur, ở một xứ sở phương Nam của vùng Lưỡng Hà Địa xa xôi, tận hạ lưu sông Êu-phơ-rát. Đó là vùng đất mỡ màng trù phú, nhưng con người lại hoàn toàn không có quyền gì trên cuộc đời của mình. Ở đó người ta thờ thần Mặt Trăng, thờ Enlil, Marduk, Nanshe, Amarzuen, Enki, Shamash, Utu, Anu, Nabu, Muati, Adad… và rất nhiều những vị thần khác nữa. Truyền thuyết từ đó kể rằng các thần đã dựng nên loài người để loài người làm nô lệ và phục dịch cho các thần. Mọi biến động thăng trầm trong cuộc hiện sinh của một kiếp người đều nằm trong bàn tay điều khiển và sinh sát của các thần. Có các thần yêu thương và chăm lo cho con người, nhưng cũng có các thần sẵn sàng dùng bệnh dịch và lụt hồng thủy để hủy diệt loài người…
Để đến được xứ sở mà chúng tôi đang bám trụ hôm nay, ông tổ của chúng tôi đã từ bỏ vùng Lưỡng Hà Địa trù phú, bước vào một cuộc đời du mục. Bỏ lại sau lưng là quê hương, xứ sở, và họ hàng thân thuộc, ông mang theo gia đình và đoàn tùy tùng của mình vào chuyến phiêu lưu. Đó không chỉ là hành trình đi tìm kiếm tương lai của một người trẻ. Chính xác, đó là hành trình đi theo tiếng gọi và tìm kiếm chân dung của một Đức Chúa chân thật và cá vị. Đức Chúa ấy không chỉ là chủ tể của muôn loài muôn vật, nhưng còn là Đấng mà người ta có thể gọi một cách thân thương Adonay, “Thiên Chúa của con”. Đức Chúa ấy không chỉ là một Đấng quyền năng, nhưng còn là một Đấng giàu lòng thương xót. Đức Chúa ấy biết nhìn xuống và cảm thương với thân phận con người. Đức Chúa ấy biết rung động trước con người, và có thể nhìn thấy nơi con người những điều “rất tốt đẹp”.
Từ quê hương thành Ur, đoàn lữ hành của tổ tiên chúng tôi đi ngược dòng về phương Bắc, lên đến thượng nguồn sông Êu-phơ-rát. Tại Kha-ran, họ chuyển hướng hành trình theo lối Tây Nam, đi băng qua vùng đất của người Ca-na-an, đến Shi-khem, qua thung lũng Khép-rôn và sa mạc Nê-ghép để vào Ai-cập. Sau một thời gian ngắn định cư trên xứ sở của các Pha-ra-ô, đoàn lữ hành của các tổ phụ chúng tôi lên đường đi ngược lại hành trình tìm về xứ Ca-na-an. Đây là vùng đất Hứa chảy tràn sữa và mật mà Đức Chúa đã dành cho tổ phụ của chúng tôi. Người thiết lập giao ước với các tổ phụ, để chúng tôi trở thành dân riêng của Người và Người là Thiên Chúa duy nhất của chúng tôi. Người hứa cho dòng dõi chúng tôi nhiều như sao trên trời và cát bãi biển.
Theo những thăng trầm của dòng đời, có một thời gian dài tổ tiên chúng tôi phải làm nô lệ bên Ai-cập. Xuyên suốt dòng lịch sử của dân tộc chúng tôi, người hàng xóm phương Nam đầy tham vọng bá quyền này luôn là một mối họa khôn lường. Họ bắt dân chúng tôi làm nô lệ và lao công để xây cho họ những điện đài và thành quách. Họ tìm đủ mọi cách để sát nhập và đồng hóa chúng tôi vào dân của họ. Không thành công, họ lại tìm mọi cách để kìm kẹp và tru diệt chúng tôi.
Không cam chịu kiếp sống nô lệ, những người bị áp bức đã lên đường tìm về cố hương nơi có mộ phần của các tổ phụ. Chúng tôi gọi biến cố ấy là Xuất Hành. Đó là một chuyến hành trình đầy chông gai và thử thách, hành trình băng qua sa mạc để về Đất Hứa. Hành trình ấy kéo dài bốn mươi năm. Rất nhiều xương thịt của đồng bào chúng tôi đã bị vùi lại trong sa mạc cát nóng. Thế hệ lữ hành của cha ông đã qua đi, để cho thế hệ con cháu tiến vào Đất Hứa.
Như vậy, cả dân tộc chúng tôi được định hình trên đường, ngang qua những chuyến đi, ngang qua những cuộc xuất hành. Cuộc xuất hành từ đất Ai-cập là biến cố nền tảng, khẳng định căn tính của một dân được Đức Chúa chọn làm dân riêng. Đó là một dân độc lập và tự do.
Hôm nay Người đến, giúp chúng tôi sống lại căn tính tự do của dân tộc mình. Người đưa chúng tôi lên đường. Chưa ai biết hành trình phía trước thế nào. Nhưng ai cũng rộn ràng háo hức. Người bứng chúng tôi ra khỏi cái tù đọng và đơn điệu của nhịp sống thường ngày, đẩy chúng tôi vào cái long đong vô định nhưng đầy hấp dẫn của một cuộc mạo hiểm. Người cho chúng tôi được cháy lên với bầu nhiệt huyết và những khát vọng của tuổi trẻ. Với Người, chúng tôi khám phá những chân trời rộng hơn trên quê hương xứ sở của chính chúng tôi.
Bỏ lại làng Na-khum, Người dẫn chúng tôi đi khắp miền Ga-li-lê.
Nếu có ai muốn hình dung về vùng đất chảy tràn sữa và mật, chỉ cần đến vùng Ga-li-lê của chúng tôi. Đây là đất được chia cho bốn bộ tộc Đan, Dơ-vu-lun và Ít-sa-ca và Náp-ta-li. Phương Nam là vùng đồi núi Sa-ma-ri. Phương Đông là vùng Thập Tỉnh, liên hiệp mười thành phố mới được xây bởi người Ro-ma. Đông Bắc là vùng cao nguyên Go-lan với rặng Hec-mon cao ngất, là nơi đầu nguồn nước chảy vào Biển Hồ và sông Gio-đan. Tây Bắc là xứ sở trù phú của vương quốc Phê-ni-xia vùng Biển. Là vùng bình nguyên bình yên và trù phú, Ga-li-lê là điểm giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị và là điểm đến của rất nhiều sắc dân khác nhau. Thế nên từ thời của ngôn sứ I-sa-ia, Ga-li-lê đã được gọi là vùng đất của dân ngoại. Từ góc nhìn tôn giáo, đó là vùng đất nhiễu nhương và tạp nhạp.
Người xuất thân từ vùng nhiễu nhương và tạp nhạp ấy. Chúng tôi cũng là những đứa con sinh ra trên vùng đất nhiễu nhương và tạp nhạp ấy. Trong thực tế, đã có rất nhiều người con ưu tú của dân tộc chúng tôi chọn tách mình ra khỏi cuộc sống, tìm về vùng hoang mạc hẻo lánh, để được sống trung tín với lề luật và truyền thống của cha ông. Họ theo đuổi một lối sống nhiệm nhặt, giữ chay và cầu nguyện, tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời và thánh ý của Đức Chúa ngang qua những trang Kinh Thánh. Họ trở thành những bậc thầy về thiêng liêng và đời sống đạo đức. Họ hút về mình rất nhiều người trẻ, những kẻ “tầm sư học đạo”, muốn tìm một con đường tìm một lối đi.
Con đường của Người đi thì ngược lại. Và Người dẫn chúng tôi đi ngược lại con đường của những người xuất thế.
Khi mỗi người chúng tôi đang còn mê mải trên vũng đời của riêng mình thì Người đến. Người gọi chúng tôi đi. Người xuất hiện theo cách của một minh sư đi tìm đồ đệ. Không phải là chúng tôi chọn Người, nhưng chính Người đã chọn chúng tôi. Mọi sáng kiến và kế hoạch đều đến từ phía Người.
Theo chân Người, chúng tôi vẫn tưởng Người sẽ dẫn chúng tôi đi thật xa. Lánh khỏi chốn hồng trần bụi bặm. Tách khỏi cái tạp nhạp nhiễu nhương. Chúng tôi vẫn tưởng Người sẽ huấn luyện chúng tôi ở một nơi nào đó khác, bằng một nhịp sống khác, với những bài học khác… Nhưng không. Người dẫn chúng tôi nhập thế. Chỗ mà Người muốn dạy chúng tôi không phải là một vùng trời xa xôi hẻo lánh, nhưng là ngay giữa cuộc sống thường ngày, trên con đường chúng tôi đi về mỗi ngày. Trường học của chúng tôi nằm ngay giữa lòng đời. Bài học dành cho chúng tôi được rút ra từ chính những con người hữu hình, những hình ảnh cụ thể, những cuộc gặp gỡ giữa người với người. Người bắt đầu dạy chúng tôi khởi đi từ những hạt giống được gieo vào lòng đất, những mẻ cá được kéo lên từ giữa lòng biển, từ vườn nho đến ruộng lúa, từ những cánh chim trên trời đến những bông hoa ngoài đồng, từ hạt muối đến nắm men và những chiếc đèn dầu, từ những đồng tiền đến những kho báu, từ cây sung cây vả đến hạt cải và những cây cỏ lùng… Những kẻ mà Người muốn chúng tôi gặp gỡ và đối thoại là bất cứ loại người nào, từ các kinh sư luật sĩ ký lục biệt phái và những kẻ công chính cho đến những người thu thuế, những cô gái lầm lỡ, những kẻ bị coi là tội lỗi bị dạt ra bên lề, những người bệnh tật đau yếu, những kẻ bị nhiễm thần ô uế và bị quỷ ám…
Thiên Chúa mà Người muốn giới thiệu và rao giảng cho chúng tôi không phải là một vị thần cao xa trừu tượng, nhưng là một người Cha, và chúng tôi là con cái được quy tụ trong mái nhà của Người. Nơi trái tim và ánh mắt của Người, chúng tôi chạm vào trái tim và ánh mắt của Thiên Chúa. Công trình mà Người muốn chúng tôi cùng chung tay xây dựng là một công trình vĩ đại, nhưng không vượt quá tầm tay của con người. Công trình ấy được Người gọi là “Nước Thiên Chúa”, và Nước ấy đã đến gần. Nước ấy được xây dựng bởi chúng tôi, giữa chúng tôi. Công dân của Nước ấy không phải là những con người ưu tuyển theo lối nhìn đạo đức của người đời. Nước ấy thuộc về những ai biết mở lòng mình ra đón nhận, và biết để cho mình được đón nhận.
Đó là một con đường dài.
Và chúng tôi chỉ là những kẻ mới biết đi chập chững.
Trên hành trình mới, Người dần gỡ chúng tôi khỏi những cậy dựa và bám víu mà cuộc sống đã đặt vào chúng tôi. Với Người, chúng tôi trở thành những học trò nhỏ, tập nhìn lại cuộc sống bằng ánh mắt mới, tập suy nghĩ trên con đường mới, tập mở lòng đón nhận những giá trị mới.
Cùng Người, chúng tôi bước vào hành trình của những kẻ “không có chỗ tựa đầu…”