Karibu Rafiki!

271589937_1098188874250410_6341628366157669903_n

Chương 1: Abigai

2. Karibu rafiki!

 

Ra khỏi ngôi trường nhỏ, Abigai dắt tôi bước vào khu ổ chuột.

Một tuần qua, tôi đã đi ngang khu này vài lần. Từ trên quốc lộ nhìn xuống, khu dân cư này như chìm dưới đáy của một thung lũng hỗn loạn. Những nóc nhà san sát nhau, nhưng lại nghiêng ngả chẳng theo một trật tự nào. Quần áo treo lỉnh kỉnh khắp nơi. Đủ thứ loại rau cỏ được phơi rải rác trên các nóc nhà.

Thỉnh thoảng, người ta còn nghe thấy vọng lên cả tiếng la lối chửi bới, những tiếng hét thất thanh, và cả những tiếng khóc.

Người hướng dẫn cảnh cáo rằng không ai được một mình bước vào khu ổ chuột ấy. Đó là vùng đất không dành cho những người lạ, nhất là những người không phải da đen. Cướp giật, móc túi, bạo lực, bắt cóc tống tiền… là chuyện vốn xảy ra thường xuyên như cơm bữa trên vùng đất ấy. (Sau này, khi quen với những con người ở đây rồi, tôi mới thấy kiểu ví von “xảy ra thường xuyên như cơm bữa” mới thật là trớ trêu. Ở đây đâu phải ngày nào người ta cũng tìm được thứ gì đó để ăn. Đâu phải ngày nào người ta cũng được ăn cơm. Làm gì có chuyện “cơm bữa” mà thường xuyên được chứ!).

May quá, nhờ có cô bé Abigai “bảo kê” mà tôi không bị xem là người lạ. Tôi được nhận là bạn của Abigai, nghĩa là tôi có quyền được vào thăm nhà của bạn tôi.

Abigai rất tự tin dắt tôi đi băng băng vào xóm nhỏ. Bỏ những con đường lớn, chúng tôi đi vào những con hẻm cứ mỗi lúc một nhỏ dần. Sau đó thì đường không còn là đường và hẻm không còn là hẻm nữa. Chúng tôi băng thẳng qua những bãi rác. Mon men bám theo bờ rìa của con kinh nước đen ngòm đặc quánh. Nhảy qua những con rãnh nhỏ màu nước đùng đục và xộc lên cái mùi vừa tanh vừa thối.

Thỉnh thoảng cô bé Abigai còn quay lại nhắc tôi cẩn thận kẻo đạp “mìn” ngay trên lối mình đi.   

Mỗi khi đi qua một khoảng đất trống có nhiều người tụ tập, Abigai đầy tự hào giơ bàn tay đang nắm lấy tay tôi lên cao, hất mặt về phía họ và nói:

– Rafiki yangu. Huyu ni rafiki yangu!

May quá, tôi hiểu được cô bé nói gì, vì Rafiki yangu là tên của một bài hát mà tôi biết. Trong tiếng Swahili, rafiki yangu là có nghĩa là bạn tôi. Abigai muốn giới thiệu với họ: Huyu ni rafiki yangu! – Đây là bạn của tôi!

Chỉ cần vậy thôi. Vậy là có nhiều người gật đầu chào tôi. Có người còn giơ về phía tôi một ngón tay cái cùng với lời chào:

– Karibu! Karibu, rafiki!

Karibu trong tiếng Swahili có nghĩa là “chào mừng”. Karibu, rafiki! – Chào mừng anh bạn!

Tôi cũng đưa lên một ngón tay cái về phía họ và đáp lại:

– Asante sana.

Không cần giải thích thì chắc bạn cũng biết Asante là “cám ơn”, phải không? Asante sana là “cám ơn rất nhiều!”.

Và không cần phải nói, chắc bạn cũng tưởng tượng được gương mặt ngạc nhiên và thích thú của những người trong khu ổ chuột, phải không? Họ ngạc nhiên vì một kẻ ‘da trắng’ xa lạ như tôi lại nói được tiếng địa phương của họ, lại chịu nói tiếng địa phương của họ.

Chỉ cần một chiếc cầu nối đơn giản như vậy đó. Và thế là tôi đã tìm được một chỗ cho mình giữa lòng những con người nơi xóm nghèo này.

Cao Gia An, S.J., Trích “Nhật Ký Châu Phi 2024”

Leave a comment