Ngôn ngữ & đức tin

17. Ngôn ngữ

Chương 3: Misa Takatifu

17. Ngôn ngữ & đức tin

Thời gian còn là sinh viên, tôi có rất nhiều bạn bè đến từ Châu Phi. Tôi đặc biệt nể phục khả năng ngôn ngữ của họ. Hầu như người Châu Phi nào cũng có khả năng học ngôn ngữ rất nhanh và rất nhạy. Họ chịu nói, chịu giao tiếp, rất khác với kiểu ngại ngùng và hay lẩn tránh của người Châu Á nói chung.

Bây giờ, được lang thang ở nhiều nơi trên lục địa Châu Phi, được tham dự nhiều Thánh Lễ với người dân Châu Phi, tôi bắt đầu hiểu ra cơ sự.

Ít có Thánh Lễ nào nơi đây chỉ diễn ra đơn thuần với một ngôn ngữ. Những Thánh Lễ càng long trọng, càng có nhiều ngôn ngữ được sử dụng. Dĩ nhiên, đi liền với ngôn ngữ là những khác biệt đặc sắc của âm nhạc, của những điệu nhảy khác nhau, của những sắc phục và truyền thống rất khác nhau. Rất nhiều dị biệt của văn hoá bộ lạc tìm thấy điểm gặp gỡ và hiệp nhất ngay trong Thánh Lễ. Thánh Lễ trở nên hy tế hoà giải giữa con người và Thiên Chúa, giữa con người với con người.

Một vị Giám Mục đáng kính đã về hưu chia sẻ với tôi rằng: chuyện xung đột giữa các bộ lạc ở đây xảy ra thường xuyên lắm. Nhưng tạ ơn Chúa, mình còn có Giáo Hội và còn có Thánh Lễ làm trung gian hoà giải cho họ. Mỗi khi có hai bộ lạc trong cùng một giáo phận xung đột với nhau, mình sẽ làm gì? Trong Thánh Lễ của bộ lạc này, mình sẽ chen vào một vài bài hát bằng ngôn ngữ của bộ lạc kia. Âm nhạc thì không có ranh giới, không bị phân biệt, và không bị ảnh hưởng bởi những xung đột của con người. Nhất là những bài Thánh Ca… Khi mình có thể cầu nguyện với Chúa bằng ngôn ngữ của một người khác, sẽ có một mối dây liên hệ vô hình nào đó nối kết giữa mình và họ. Đó là khởi đầu của mọi tiến trình hoà giải.

Một lần tôi được tham dự Thánh Lễ truyền chức Phó Tế ở nhà thờ chánh toà của giáo phận. Thánh Lễ ấy đọng lại trong tôi ấn tượng thật đẹp về sự phong phú đa dạng, tính cởi mở, cầu thị, và khả năng hội nhập văn hoá đặc sắc của Giáo Hội nơi đây. Ngoài 3 ngôn ngữ Châu Âu được sử dụng là tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Bồ Đào Nha, những bài hát và những lời nguyện trong Thánh Lễ là tập hợp của rất nhiều vùng ngôn ngữ khác nhau trên lục địa này, như tiếng Swahili của người Kenya, Tanzania, Uganda; tiếng Kikongo của người Congo, tiếng Kirundi của sắc dân Bantu ở Rwanda, Burundi, Uganda, Tanzania, và Congo; tiếng Malagasy của người Madagascar; tiếng Igbo và Yoruba của người Nigeria…

Có thể bạn sẽ hỏi tôi, chẳng lẽ những người tham dự đều hiểu hết tất cả các ngôn ngữ ấy sao? Chắc là không rồi. Có thể họ không hiểu hết, nhưng được tham dự Phụng Vụ trong một bầu khí văn hoá và ngôn ngữ đa dạng và đa sắc tộc như thế chính là môi trường tuyệt vời để huấn luyện một đức tin triển nở một cách quân bình và cởi mở. Để thấy rằng thật ra Giáo Hội của mình đa dạng lắm. Để thấy rằng thật ra Thánh Lễ có thể trở nên đẹp lắm khi được cử hành trong những môi trường văn hoá khác nhau. Để thấy rằng một cảm thức đức tin phong phú chỉ có thể trưởng thành trong môi trường Giáo Hội thật sự cởi mở. Ấy là một Giáo Hội có khả năng nhìn ra và biết dung nạp những giá trị văn hoá đẹp của nhiều dân tộc khác nhau, để làm giàu cho Giáo Hội, để làm phong phú đời sống cầu nguyện và ca tụng Thiên Chúa của Giáo Hội.

Khoa di truyền học dạy chúng ta rằng hiện tượng thoái hoá của một quần thể sinh học sẽ xảy ra khi trong quần thể ấy hoàn toàn không có những yếu tố khác biệt. Một giống loài dù có thượng đẳng đến đâu, nhưng nếu chỉ loanh quanh trong cái vòng cô lập của chính mình, kết quả chỉ là việc tạo ra những thế hệ giảm sức sống, giảm sức chống chọi với môi trường, èo uột, suy nhược. Nói theo ngôn ngữ di truyền học, khi các cặp gen lặn đồng hợp tăng dần, thì tỉ lệ thể dị hợp sẽ giảm dần. Và đó là khởi đầu cho sự thoái hoá của cả một giống loài… Giống như ngày xưa, các gia đình hoàng cung quý tộc thường chỉ cho kết hôn với những người trong cùng gia đình và gia tộc, với mục đích bảo vệ tài sản và danh giá của mình. Hậu quả là những thế hệ về sau phải đối mặt với tình trạng suy nhược và bệnh tật, dị dạng và dị tật, èo uột và chết yểu.

Khi một dân tộc quyết tâm đóng kín mình lại, loại trừ tất cả những cái lạ và cái mới, nại vào lý do là giữ gìn bản sắc, bảo tồn văn hoá, chống lai căng… thì đó chắc chắn là khởi đầu của một tiến trình thoái hoá tự nhiên.

Khi một Giáo Hội và một tôn giáo quyết tâm loại trừ tất cả những gì khác lạ và mới mẻ với mình, để khép kín trong khuôn khổ của nhiều luật và lệ và nguyên tắc, để giới hạn mọi sinh hoạt của mình trong quy chuẩn của những điều được phép và không được phép… Giáo Hội và tôn giáo ấy càng có nguy cơ tạo ra những phiên bản dị hình dị dạng của bảo thủ và cố chấp, của cực đoan và bất bao dung, của bạo lực và quá khích.

Một nền văn hoá chỉ có thể thật sự được bảo tồn và phát riển khi có sự cọ sát và đối thoại với những nền văn hoá khác, khi có khả năng dung nạp những cái mới, cái đẹp, cái hay, cái tiến bộ của nhiều văn hoá khác… Bằng không, văn hoá ấy sẽ tự biến mình thành một đài tưởng niệm đã chết.

Đức tin cũng chỉ có thể được bảo tồn, phát triển, và bám rễ thật sâu trong lòng người khi và chỉ khi những giá trị văn hoá đa dạng và đẹp đẽ của con người, của địa phương, của bộ lạc, của dân tộc… được nhìn nhận và có được chỗ đứng trong những buổi cử hành phụng vụ của đức tin ấy.

Nếu không sống được chiều kích nhập thể giữa lòng văn hoá đa dạng của nhân loại, có khi đức tin mãi vẫn chỉ là câu chuyện trừu tượng và xa vời ở trên trời mà thôi. Phải không?…

 Cao Gia An, S.J., Trích “Nhật Ký Châu Phi 2024”

Leave a comment