Một Châu Phi rất khác

19. Châu Phi rất khác

Chương 4: Karibu Africa

19. Một Châu Phi rất khác

Phần đất Châu Phi nơi mà tôi đến khác rất xa so với tưởng tượng ban đầu của tôi về lục địa này. Xanh mướt và bình yên. Con đường tôi đi băng qua những cánh rừng và những thảm cỏ bạt ngạt. Có lẽ vì tôi may mắn lọt vào vùng đất vốn đã lọt vào mắt xanh của chính quyền thuộc địa Anh Quốc trước đây.

Thật ra, Châu Phi rộng lớn và đa dạng hơn rất nhiều so với tưởng nghĩ của chúng ta.

Này nhé! Hãy tưởng tượng bạn đang chơi trò ráp mô hình. Trước mặt bạn là tấm bản đồ của cả Châu Phi làm nền. Nếu bạn bốc toàn bộ 50 nước của cả Châu Âu để đặt lên tấm bản đồ ấy, cả Châu Âu sẽ lọt thỏm vào tấm bản đồ Châu Phi cách gọn gàng. Mà vẫn còn rất nhiều khoảng trống dư ra đấy! Nếu bạn thử bỏ thêm vào đó toàn bộ lãnh thổ của Trung Quốc. Không sao, vẫn còn nhiều khoảng trống lắm. Bây giờ bạn lại bốc toàn bộ nước Mỹ để đặt tiếp vào phần diện tích còn trống trên tấm bản đồ nền thử xem. Vẫn còn khoảng trống nhé! Và khoảng trống còn dư ấy vẫn đủ để chứa nguyên cả một nước Việt Nam. Vậy đó.

Nếu tôi nói rằng lục địa Châu Phi giàu lắm, bạn có tin không?

Châu Phi chứa 40% lượng mỏ vàng và kim cương của cả thế giới. Bên dưới lòng đất của Châu Phi là 90% mỏ quặng của các kim loại quý như crom, uranium, và platinum. Đó là chưa kể 30% lượng khoáng sản của toàn thế giới, và càng ngày càng có nhiều quặng dầu mỏ và khí đốt được phát hiện nằm sâu dưới lòng lục địa Châu Phi. Ngoài ra, Châu Phi còn chiếm hơn 60% đất có thể làm nông nghiệp và hơn 10% lượng nước ngọt của cả thế giới…

Nhưng giàu nhất ở Châu Phi chính là nguồn nhân lực. Theo thống kê của 10 năm trước, độ tuổi trung bình của dân số trên cả thế giới là 30.5. Trong khi đó, độ tuổi trung bình của dân số Châu Phi là 19.7. Là châu lục có dân số trẻ nhất thế giới, Châu Phi cũng là thị trường công nhân giàu có nhất thế giới.

Vấn đề nằm ở chỗ, hình như chúng ta chưa bao giờ thấy ai làm công nhân cho người khác mà có thể sống đời giàu có sung túc cả, phải không? Chỉ những người thuê mướn công nhân làm việc cho họ mới là người giàu. Đây chính là thực trạng của Châu Phi. Đa số nguồn tài nguyên và của cải đều nằm trong tay số ít người giàu có. Phần còn lại, rất đông người dân Châu Phi phải sống nghèo khó ngay chính trên kho tàng của xứ sở mình.

Để dễ hình dung, bạn thử phân biệt 2 gương mặt khác nhau của Châu Phi thế này, là Phương Bắc và Phương Nam. Phương Bắc hoàn toàn là sa mạc Sahara, bao gồm 10 quốc gia mà có lẽ chúng ta hay nghĩ tới mỗi khi hình dung đến Châu Phi, đó là Algeria, Chad, Aicập, Lybia, Mali, Mauritania, Marốc, Niger, Sudan và Tunisia. Đặc sản của các quốc gia này là cát, đá, nắng nóng, và khô hạn. Hơn 40 quốc gia còn lại nằm ở vùng phía Nam Sahara và các đảo. Phần lớn những quốc gia Phương Nam này được phủ kín bởi những cánh rừng già xanh tươi và cả những vùng thảo nguyên bạt ngàn.

Bạn có biết diện tích nước nào lớn nhất Châu Phi không? Là Algeri. Dân số nước nào nhiều nhất? Là Nigeria. Nơi nào người Công Giáo giữ đạo tốt nhất ở Châu Phi? Là Nigeria và Kenya.

Bạn có biết cái tên Châu Phi, “Africa”, đến từ đâu không? Đây là đề tài thảo luận của vô số nhà lịch sử và ngôn ngữ học. Nhiều giả thiết được đưa ra lắm.

Này nhé, trong tiếng AiCập, “Afru-ika”, có nghĩa là “nơi sinh thành, mẹ đất”, chỉ về Châu Phi như là chiếc nôi sinh thành của toàn thể nhân loại. Các ngôn ngữ gốc Sêmít, như Dothái và Ảrập, liên kết từ Africa với chữ “afar”, nghĩa là “đất, bụi, bụi đất”, có lẽ chỉ về màu da của những người dân sống nơi đây. Sử gia Flavius thì cho rằng Africa đến từ cái tên Efer, là cháu nội của Ápraham và dòng dõi của Efer đến trên đất Libya (St 25,4).

Giả thiết được ủng hộ nhiều nhất lúc này cho rằng tên Africa có lẽ đến từ chữ Afri, là tên của một bộ lạc Bắc Phi, thuộc vùng đất Lybia hiện đại. Trong ngôn ngữ của bộ lạc này, ifri có nghĩa là “hang động”. Afri chỉ về những tộc người sống trong hang động. Từ này còn được sử dụng rộng rãi trong các vùng ngôn ngữ Banu hiện đại của Algeri, Libya và Marốc.

Giữa thế kỷ thứ II sau Công Nguyên, nhà toán học, thiên văn học, nhà thám hiểm và địa lý học Plotemy là người kẻ đường vạch dứt khoát, lấy Biển Đỏ và Vịnh Aden làm ranh giới tự nhiên phân chia giữa Châu Phi và Châu Á…

Cao Gia An, S.J., Trích “Nhật Ký Châu Phi 2024”

Leave a comment