Hồ Victoria, Sông Nile và Aicập

photo-collage.png

Chương 5: Châu Phi & Laudato sì

25. Hồ Victoria, Sông Nile và Aicập

Nói tới văn hoá Châu Phi, không thể không kể đến nền văn minh Aicập.

Vương Quốc Aicập đầu tiên ra đời từ những năm 3.000 trước Công Nguyên khi nhân loại còn trong thời kỳ đồ đồng. Các vương triều Pharaoh ở Aicập đã tạo nên một nền văn minh rực rỡ của nhân loại trong thời cổ đại. Một thời gian dài, Aicập là bá chủ cả vùng bờ Đông biển Địa Trung Hải và tràn sang cả vùng Trung Đông bên kia Biển Đỏ. Ít ai nhớ rằng Aicập chỉ là một phần nhỏ, nằm trên bờ Bắc và Đông Bắc của Châu Phi. Cũng ít ai biết rằng toàn bộ nguồn sống và gốc rễ của nền văn minh của Aicập cổ đại đều có khởi nguồn từ vùng Đông Phi ở phương Nam Aicập.

Toàn bộ nền văn minh của Aicập đều có khởi nguồn từ dòng sông Nile. Đấy là dòng sông dài nhất Châu Phi, và có thời từng được xem là con sông lớn nhất trên thế giới. Giữa vùng Sahara cỗi cằn thiêu đốt, tự nhiên có một dòng nước mênh mông chảy tràn trên bờ Đông của sa mạc. Chẳng ai biết dòng sông ấy từ đâu đến, ngọn nguồn khởi xuất từ đâu. Thế nên chẳng lạ gì khi có rất nhiều giai thoại kỳ bí được dệt nên từ dòng sông này. Suốt thời kỳ cổ đại, người ta vẫn tin rằng dòng sông này có nguồn từ những mạch nước ngầm sâu thẳm trong lòng đất, dù không ai biết nguồn mạch ấy nằm ở đâu. Thậm chí, có những giai thoại còn thần thánh hoá, cho rằng mạch nước của dòng sông tràn xuống từ chính cửa trời.

Giữa thế kỷ 19, một nhà thám hiểm người Anh tên là John Hanning Speke quyết tâm tìm cho bằng được cái ngọn nguồn bí ẩn của dòng sông ấy. Bằng một chiếc thuyền độc mộc, Speke đã men theo dòng sông và tìm lên đến tận thượng nguồn. Speke ngỡ ngàng khi phát hiện ra một hồ nước trong vắt nằm giữa cánh rừng già có độ cao hơn 1.000m trên mực nước biển. Hồ nước ấy như một đại dương mênh mông, rộng vô lượng vô chừng. Để đánh dấu khám phá quan trọng của mình, Speke lấy tên của nữ hoàng Anh Quốc thời ấy là Victoria để đặt cho hồ nước mới được phát hiện.

Thật ra, hồ nước được Speke phát hiện chỉ là hồ nước lớn nhất, thuộc hệ thống dãy hồ nước nằm trong đường gãy đứt của miền Đông Phi. Hồ Victoria cũng chỉ là một trong số những nguồn cung cấp nước cho sông Nile. Nhánh sông được Speke phát hiện sau này được gọi tên là Sông Nile Trắng, bắt nguồn từ hồ Victoria, chảy qua Uganda và Nam Sudan. Một nhánh sông khác được phát hiện về sau, được đặt tên là Nile Xanh bắt nguồn từ hồ Tana của Ethiopia, cũng đổ vào Sudan. Hai nhánh sông gặp nhau tại Khartoum, thủ đô của Sudan. Sau đó, dòng nước hợp nhất cùng chảy về hướng Bắc, băng qua vùng sa mạc Nubian, tưới đẫm cho cả vùng đồng bằng sông Nile, băng qua thủ đô Cairo của Aicập, và đổ dồn ra biển Địa Trung Hải ở thành phố cảng Alexandria.

Trên đường lưu chuyển của mình, sông Nile chảy qua tất cả 11 quốc gia của Châu Phi là Congo, Tanzania, Rwuanda, Burundi, Uganda, Kenya, Ethiopia, Eritrea, Nam Sudan, Sudan, và Aicập. Nằm ở hạ nguồn, Aicập là nơi nhận được lượng nước dồi dào như bất tận, cùng với tất cả lượng phù sa màu mỡ được tích luỹ và sau một quãng đường rất dài của dòng sông.

Ngoài việc cung cấp nguồn nước và lượng phù sa cho đất nông nghiệp, sông Nile còn là nhân tố quan trọng trong việc xây dựng những công trình Aicập cổ đại. Dòng nước sâu và lượng nước dồi dào của con sông này phục vụ vô cùng hữu hiệu cho việc vận chuyển nguyên vật liệu để xây dựng các công trình dọc theo hai bờ sông, đặc biệt là những kim tự tháp kỳ vĩ, trong đó đại kim tự tháp Gaza được xây dựng vào khoảng năm 2560 trước Công Nguyên.

Trong văn chương Aicập, sông Nile được lưu dấu với những trận lụt kinh hoàng hằng năm. Nhưng sau mỗi trận lụt, dòng sông cũng bù lại bằng lượng phù sa vô cùng màu mỡ làm tươi tốt cả đồng bằng rộng lớn. Lượng phù sa ấy được mang về từ chính ngọn nguồn là những cánh rừng già của vùng đất Đông Phi.

Ngày nay, nếu có cơ hội thăm thủ đô Cairo của Aicập, bạn đừng ngạc nhiên khi đứng trước một dòng sông nước vẫn còn trong mát ngọt lành. Bạn cũng đừng ngạc nhiên khi đứng trước những đoạn sông có chiều rộng từ bờ bên này đến bờ bên kia lên đến hơn 1km. Người ta vẫn nói miền đất Đông Phi quảng đại và hào sảng lắm. Cứ nhìn con nước của ngọn sông Nile thì sẽ biết nguồn thôi!

 

Cao Gia An, S.J., Trích “Nhật Ký Châu Phi 2024”

Leave a comment